Tổ chức bí ẩn quy tụ gần 2.000 tập đoàn của Trung Quốc được tạo ra để thay đổi thị trường, đối trọng với Mỹ trong cuộc chiến công nghệ
Theo Bloomberg, Trung Quốc đang đẩy nhanh kế hoạch thay thế công nghệ của Mỹ và các nước khác, âm thầm trao quyền cho một tổ chức bí mật được chính phủ hậu thuẫn để kiểm tra và phê duyệt các nhà cung cấp địa phương trong các lĩnh vực nhạy cảm từ điện toán đám mây đến chất bán dẫn.
Xử lý công nghệ cho những ngành nhạy cảm
Được thành lập vào năm 2016 để tư vấn cho chính phủ, Ủy ban Công tác Đổi mới Ứng dụng Công nghệ Thông tin hiện được chính quyền Bắc Kinh giao phó để giúp thiết lập các tiêu chuẩn ngành và đào tạo nhân sự vận hành phần mềm.
Cơ quan này sẽ đề ra và thực hiện kế hoạch "Đổi mới ứng dụng Công nghệ thông tin", hay còn được gọi là "Xinchuang" trong tiếng Trung Quốc. Họ sẽ chọn từ một nhóm các nhà cung cấp được kiểm tra theo kế hoạch cung cấp công nghệ cho các lĩnh vực nhạy cảm, từ ngân hàng đến các trung tâm dữ liệu lưu trữ của chính phủ, một thị trường có thể đạt giá trị 125 tỷ USD vào năm 2025.
Cho đến nay, 1.800 nhà cung cấp PC, chip, mạng và phần mềm Trung Quốc đã được mời tham gia ủy ban này. Tổ chức này cũng chứng nhận hàng trăm công ty trong nước là thành viên ủy ban.
Sự tồn tại của ủy ban này chưa từng được báo cáo trước đây, có khả năng làm bùng phát căng thẳng ngay khi Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình kết thúc hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên giữa hai bên.
Giúp Trung Quốc bỏ qua công nghệ của Mỹ
Ủy ban này có khả năng tạo ra đòn bẩy cho Bắc Kinh để thay thế các công ty công nghệ nước ngoài trong những lĩnh vực nhạy cảm và thúc đẩy các công ty trong nước đạt được khả năng tự cung cấp công nghệ, vượt qua các lệnh trừng phạt do chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt trước đó.
Dan Wang, nhà phân tích công nghệ tại Gavekal Dragonomics cho biết: "Trung Quốc đang cố gắng phát triển các công nghệ theo dạng cây nhà lá vườn. Họ ngày càng cho thấy sự nghiêm túc khi nhiều công ty trong nước chia sẻ công nghệ với nhau vì mục tiêu chung".
Việc thúc đẩy sự thay thế cho các công ty công nghệ nước ngoài là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giành quyền kiểm soát ngành công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, bao gồm cả vấn đề bảo mật dữ liệu.
Chính phủ đã buộc các nhà cung cấp dịch vụ đám mây ở nước ngoài như Amazon Web Services và Microsoft Corp. thành lập các liên doanh để hoạt động tại Trung Quốc. Apple cũng nhượng lại mảng kinh doanh lưu trữ dữ liệu người dùng cho một nhà điều hành được chính phủ hậu thuẫn ở tỉnh Quý Châu.
Bên cạnh đó, các nhà chức trách cũng thắt chặt quy định nhằm tăng cường giám sát dữ liệu công nghiệp và viễn thông, đồng thời đề xuất các quy định mới yêu cầu dữ liệu quan trọng phải được lưu trữ trong nước.
Công ty có trên 25% vốn đầu tư nước ngoài đều bị loại bỏ
Mặc dù có một số thông tin chi tiết về Ủy ban "Xinchuang" và các thành viên của được tiết lộ, nhưng bất kỳ công ty nào có trên 25% vốn đầu tư nước ngoài sẽ bị loại khỏi hội đồng. Ngoài ra, họ cũng bỏ qua các nhà cung cấp ở nước ngoài, bao gồm Intel Corp và Microsoft.
Startup công nghệ Trung Quốc chủ yếu được tài trợ bởi nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ đối mặt với rào cản lớn trong tương lai gần, mặc dù Alibaba Group Holding Ltd. và Tencent Holdings Ltd., hai nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn nhất Trung Quốc, đã tìm cách phá vỡ các quy tắc đó bằng cách đăng ký trở thành thành viên thông qua những công ty con được hợp nhất.
Công ty nghiên cứu iResearch có trụ sở tại Thượng Hải cho biết: "Danh sách đen mà Mỹ từng đưa ra nhấn mạnh sự cấp thiết đối với Trung Quốc trong việc phải đầu tư nhiều hơn vào việc đổi mới công nghệ. Đặc biệt, những loại công nghệ quan trọng phải đước sản xuất tại Trung Quốc".
Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin cùng Hiệp hội Tiêu chuẩn hóa Điện tử Trung Quốc, cơ quan giám sát Ủy ban "Xinchuang" đã không đưa ra bình luận. Đại diện của Alibaba và Tencent cũng từ chối trả lời các câu hỏi liên quan.
Khả năng tạo ra thị trường tỷ USD
Theo Netis, một công ty điện toán đám mây, tính đến cuối tháng 7/2020, ủy ban bí mật này có 1.160 thành viên. Một số công ty nổi bật được tiết lộ bao gồm nhà sản xuất CPU Loongson có trụ sở tại Bắc Kinh, nhà sản xuất máy chủ Inspur và nhà phát triển hệ điều hành Standard Software. Westone, một công ty bảo mật thông tin có khả năng được Bắc Kinh giao nhiệm vụ tiếp quản việc quản lý dữ liệu của Didi Global Inc., cũng là một thành viên.
Tư cách thành viên trong ủy ban có thể giúp công nghệ của các nhà cung cấp địa phương được phê duyệt nhanh hơn, qua đó mở ra thị trường tỷ USD. Hoạt động kinh doanh liên quan đến Xinchuang đã tạo ra doanh thu 162 tỷ nhân dân tệ (25 tỷ USD) vào năm 2020 và đang trên đà đạt gần 800 tỷ nhân dân tệ vào năm 2025, theo một báo cáo do Hiệp hội Công nghiệp phần mềm Trung Quốc công bố.
Báo cáo cũng cho biết: "Trong mọi lĩnh vực của Xinchuang, có sự mất cân bằng đáng kể giữa cung và cầu. Các nhà cung cấp cần tăng tốc để đáp ứng nhu cầu".
Tháng 9, tờ Nhật báo Thông tin Kinh tế của Tân Hoa Xã đã liệt kê 40 công ty hoạt động tốt nhất trong dự án Xinchuang, bao gồm Huawei Technologies, đơn vị dịch vụ điện toán đám mây của Alibaba và công ty an ninh mạng Qi An Xin Technology Group.
Theo iResearch, các đơn vị cơ quan nhà nước sẽ là những người đầu tiên áp dụng các sản phẩm Xinchuang, tiếp theo là các công ty tài chính và quốc doanh. "Xinchuang không thể được xây dựng trong một ngày, đó là một chiến lược dài hạn giúp Trung Quốc phát triển đổi mới công nghệ thông tin của riêng mình", đại diện iResearch chia sẻ.