|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp xuất khẩu xoài Cao Lãnh bức xúc vì vừa bị mạo danh vừa bị tuýt còi

14:24 | 19/08/2020
Chia sẻ
Trung Quốc đã có thông báo về 220 lô xoài vi phạm và yêu cầu tạm dừng nhập khẩu để xử lí. Đáng chú ý, các doanh nghiệp liên quan dù biết mình bị mạo danh mã số vùng trồng nhưng cũng không thể khiếu nại cùng ai.

Mã số vùng trồng bị dùng vô tội vạ

Mới đây, phía Trung Quốc đã thông báo về 220 lô xoài, khoảng 3.300 tấn trong tổng số 750.000 tấn đã xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2019 và 2020 – chiếm khoảng 0,43% tổng lượng xuất khẩu vi phạm qui định về kiểm dịch thực vật.

Vụ việc dẫn đến phía Trung Quốc yêu cầu tạm ngưng xuất khẩu xoài từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói có liên quan để phối hợp tiến hành điều tra nguyên nhân, đề xuất biện pháp khắc phục và nâng cao công tác quản lí. 

Trong số các vùng trồng và cơ sở đóng gói này có 2/82 vùng trồng xoài và 1/12 cơ sơ đóng gói của Đồng Tháp trong danh sách vi phạm.

Trong đó, HTX xoài Mỹ Xương (Cao Lãnh, Đồng Tháp) là nơi đã phát hiện các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói bị sử dụng vô tội vạ trên hàng loạt lô hàng xoài khác để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trao đổi với người viết, ông Võ Việt Hưng, Giám đốc HTX xoài Mỹ Xương cho biết: “Sau khi hay tin sản phẩm của HTX xoài Mỹ Xương bị mạo danh xuất khẩu và phía Trung Quốc trả về do bị nhiễm đối tượng bảo vệ thực vật, bà con trong HTX rất ngạc nhiên và bức xúc. 

Bởi thời điểm phát hiện các lô xoài có sâu gây hại, diện tích trồng xoài của HTX cũng đã hết vụ. 

Hơn nữa, các đối tác kí hợp đồng với HTX không có đơn vị nào xuất khẩu hàng sang Trung Quốc. Vì vậy, để không làm ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm xoài Mỹ Xương, chúng tôi rất mong các ngành, các cấp điều tra, xử lí để bảo vệ quyền lợi của bà con nông dân”.

Không chỉ mã số vùng trồng bị mạo danh mà mã số nhà đóng gói cũng được sử dụng đại trà. Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Đồng Tháp được cấp mã số nhà đóng gói để xuất khẩu xoài sang Trung Quốc. 

Song thời gian qua, mã số nhà đóng gói của doanh nghiệp này bị nhiều doanh nghiệp sử dụng tùy tiện để xuất khẩu xoài sang Trung Quốc.

Bà Đinh Kim Nhung, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp chia sẻ: “Mã số nhà đóng gói của doanh nghiệp chúng tôi không chỉ một mình đơn vị chúng tôi sử dụng mà bị hàng trăm doanh nghiệp khác sử dụng tràn lan từ Bắc cho đến Nam. 

Doanh nghiệp chúng tôi đã biết sự việc này từ lâu, mặc dù rất bức xúc nhưng cũng không biết khiếu nại ra sao”.

Doanh nghiệp xuất khẩu xoài Cao Lãnh bức xúc vì vừa bị mạo danh vừa bị tuýt còi - Ảnh 1.

Hình ảnh mã số vùng trồng của Công ty TNHH Kinh Nhung Đồng Tháp bị mạo danh trên sản phẩm xoài xuất khẩu. Ảnh: NVCC.

Cũng theo bà Nhung, một trong những nguyên nhân khiến mã số của doanh nghiệp dễ dàng bị mạo danh là do phía Trung Quốc thiếu sự bảo mật thông tin.

"Khác hẳn với các đối tác khó tính như châu Âu, phía Trung Quốc họ công khai mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói trên các trang mạng mà bất kì doanh nghiệp nào cũng có thể biết và lấy dùng tràn lan, nên dẫn đến sự việc mạo danh hiện nay", bà Nhung chia sẻ.

Khó quản lí vì chưa có qui định 

Từ năm 2018, phía Trung Quốc đã chính thức có thông báo đề nghị việc bắt buộc phải triển khai đóng gói, cung cấp các thông tin truy xuất nguồn gốc các loại hoa quả nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo đó, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) cũng đã phối hợp với các địa phương, tổ chức triển khai phổ biến rộng rãi, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, HTX, doanh nghiệp, cơ sở đóng gói... có nhu cầu xuất khẩu các mặt hàng trái cây sang Trung Quốc về trình tự, thủ tục đăng kí cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Tại Đồng Tháp, ngành nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ cho nhiều nông dân, HTX, tổ hợp tác sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh thực hiện các thủ tục về đăng kí và cấp mã số vùng trồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 110 mã vùng trồng cây ăn trái và 13 mã nhà đóng gói quả tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, có 23 mã vùng cây ăn trái xuất khẩu sang thị trường khó tính.

Doanh nghiệp xuất khẩu xoài Cao Lãnh bức xúc vì vừa bị mạo danh vừa bị tuýt còi - Ảnh 2.

Khoảng 3.300 tấn xoài xuất khẩu sang Trung Quốc vừa bị phía đối tác ngưng nhập khẩu vì cho rằng vi phạm qui định về kiểm dịch thực vật. Ảnh: Như Huỳnh.

Tuy nhiên, theo Phòng Quản lí chất lượng - an toàn thực phẩm, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, việc quản lí mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thời gian qua vẫn chưa chặt chẽ từ đơn vị cấp mã số đến địa phương. 

Cụ thể, chưa có văn bản hướng dẫn hoặc qui định nào về việc quản lí, bảo hộ cũng như bảo vệ những vùng trồng, nhà đóng gói được cấp mã số. Trong khi đó, hầu như các mã số được cấp đều được công bố công khai, ai cũng có thể tra cứu hoặc lấy để sử dụng. 

Bên cạnh đó, có một thực tế hiện nay là phần lớn nhà vườn thường bán xoài qua thương lái và các khâu sau đó (xoài được sơ chế đóng gói ở đâu, xuất bán đi ở nước nào...) thì nông dân hoàn toàn không nắm rõ.

"Đây là khó khăn của nông dân cũng như khó khăn của ngành nông nghiệp trong công tác quản lí. 

Vì vậy, dù nó không ảnh hưởng đến thương hiệu xoài của HTX Mỹ Xương do chúng tôi không có đối tác Trung Quốc nhưng nó sẽ ảnh hưởng chung đến thương hiệu xoài Cao Lãnh, Đồng Tháp khi bị phía Trung Quốc ngừng nhập khẩu như hiện nay", ông Hưng cho hay.

Đồng quan điểm, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư Kí Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết: "Việt Nam có gần 1 triệu ha trồng cây ăn quả, vượt xa con số diện tích được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đi Trung Quốc bởi chỉ mới cấp có 2.000 - 3.000 mã, tương đương 20.000 - 30.000 ha có mã số".

Do đó, đại diện Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng việc mạo danh mã số vùng trồng để xuất khẩu đi Trung Quốc dễ xảy ra.

Cần quản lí chặt chẽ từ đơn vị cấp mã số đến địa phương

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nhung kiến nghị, với mỗi lô hàng khi xuất khẩu cần phải có xác nhận của chính những đơn vị “sở hữu” mã vùng trồng trước khi cơ quan hải quan cho thông quan. Có như vậy mới bảo vệ được doanh nghiệp, nông dân làm ăn chân chính, tránh việc giả mạo trục lợi, gây ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp.

Còn theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đồng Tháp, Sở đã đề nghị Cục Bảo vệ thực vật tham mưu Bộ NN&PTNT ban hành thông tư hướng dẫn việc quản lí và cấp mã số vùng trồng, mã số đóng gói thực hiện chặt chẽ thông tin hai chiều, từ Trung ương đến địa phương.

Việc này sẽ giúp quản lí chặt chẽ mã số vùng trồng và mã số nhà đóng gói, tránh dẫn đến nguy cơ các mã số vùng trồng bị đóng vĩnh viễn gây thiệt hại lớn cho nông dân

Ngoài ra thời gian tới, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các ngành chuyên môn theo dõi chặt chẽ, ghi nhận sản lượng trái cây của từng vùng trồng đã được cấp mã, sản lượng trái cây đó được xuất bán ở thị trường nào. 

Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng sẽ thường xuyên kiểm tra hướng dẫn các mã số vùng trồng, nhà đóng gói thực hiện tốt các tiêu chí đánh giá theo yêu cầu, phối hợp với đoàn thẩm định kiểm tra cấp mã số vùng trồng nhà đóng gói trên địa bàn...

Phản hồi sau thông tin ngừng nhập khẩu xoài của Trung Quốc, Cục Bảo vệ Thực vật cho hay, trước mắt, việc này chưa gây ảnh hưởng đến việc xuất khẩu xoài do mùa vụ tại phía Nam đã kết thúc.

Tuy nhiên để tránh lặp lại các vi phạm tương tự cũng như tăng cường các biện pháp quản lí để không gây thiệt hại trong thời gian tới, Cục Bảo vệ Thực vật sẽ làm việc cụ thể với từng địa phương nói chung và Đồng Tháp nói riêng để thảo luận cụ thể hơn về việc phân công trách nhiệm, thống nhất về cách thức triển khải thực hiện và tăng cường công tác quản lí vùng trồng không chỉ với sản phẩm xoài.

Đồng thời, Cục Bảo vệ Thực vật sẽ tiếp tục tập huấn, tuyên truyền và phổ biến cho các tổ chức, cá nhân và địa phương xuất khẩu về các qui định của thị trường nhập khẩu. 

Yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch cho việc cấp mã số vùng trồng và kế hoạch tăng cường công tác giám sát đối với các mã đã cấp...


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Như Huỳnh

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.