|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp xuất khẩu khó đàm phán giá bán khi cước container tăng cao

08:30 | 23/02/2024
Chia sẻ
Các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết việc đàm phán giá bán cho đơn hàng xuất khẩu đang gặp khó khi chi phí vận chuyển đội lên cao.

Doanh nghiệp xuất khẩu lo cước tăng 

Từ giữa tháng 12/2023, những căng thẳng trên biển Đỏ đã khiến hành trình của các tàu bị kéo dài và chi phí cũng tăng lên. Giá cước tàu vận tải container cũng từ đó tăng vọt. Tính đến ngày 15/2, chỉ số cước container toàn cầu Drewery WCI ở mức 3.732 USD/FEU (container 40 feet), cao gấp 3 lần so với mức đáy 3 năm hồi tháng 11/2023 là 1.384 USD/FEU.

Chỉ số cước container toàn cầu từ năm 2011 đến năm 2024 (Đơn vị: USD/FEU, nguồn: MacroMicro)

Căng thẳng tại Biển Đỏ đang ảnh hưởng lớn đối với hoạt động thương mại của Việt Nam, đặc biệt là những chuyến hàng xuất nhập khẩu với châu Âu và Bắc Mỹ bởi đây là hai khu vực chiếm tới 1/3 giá trị thương mại cả nước. 

Cùng với việc tăng giá cước, một số hãng tàu lớn đã áp dụng thêm các khoản phí mùa cao điểm (Peak Season Surcharge) gây căng thẳng thêm về chi phí cho chủ hàng. Khi các chủ hàng Việt Nam không phải là người đàm phán hợp đồng vận chuyển, việc áp phí không báo trước và ở mức cao khiến họ gặp khó khăn.

Cơ quan xếp hạng tín dụng Ind-Ra cho rằng đây sẽ là thách thức lớn cho các mặt hàng giá trị gia tăng thấp do tỷ suất lợi nhuận thấp. Mặc dù các công ty lớn có đủ khả năng bù đắp chi phí gia tăng lớn như vậy nhưng sự chậm trễ và gián đoạn trong chuỗi cung ứng sẽ là những yếu tố cần lưu ý.

Đối với các doanh nghiệp quy mô trung bình, thách thức xuất hiện ở hai phía cả chi phí và nguồn nguồn cung, đồng thời chu kỳ lưu động vốn cũng bị ảnh hưởng. 

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), cho biết các doanh nghiệp đang quan ngại về tình hình giá cước. Đối với container hàng đông lạnh xuất khẩu sang bờ Tây nước Mỹ, giá cước tăng 70% và sang Châu Âu thậm chí tăng khoảng 4 lần. Các hãng tàu thậm chí đã cắt giảm tàu mẹ khiến thời gian giao hàng càng kéo dài hơn.

“Chúng tôi chưa tiên lượng được tình hình hiện tại sẽ kéo dài bao lâu để tính toán chi phí vào giá thành cho các đơn hàng xuất khẩu thủy sản trong tương lai”, ông Nam cho biết. 

Với ngành dệt may, tác động tăng giá cước ở thời điểm hiện tại dường như nhẹ nhàng hơn bởi các doanh nghiệp trong ngành chủ yếu xuất khẩu theo hình thức FOB, tức khách hàng chịu chi phí vận chuyển. 

Tuy nhiên, theo ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết có thể những đơn hàng đã ký không ảnh hưởng nhưng với những đơn hàng trong tương lai, khách hàng sẽ yêu cầu chia sẻ chi phí để giảm thiểu tổn thất.

Ngoài ra, do thời gian vận chuyển bị kéo dài ra nên thời gian sản xuất bị co hẹp để giao hàng đúng hạn. Điều này gây ra áp lực sản xuất cho cho các doanh nghiệp. 

“Chúng tôi cần cập nhật sớm về tình hình cước tàu để các doanh nghiệp chủ động trong đàm phán các đơn hàng. Ngoài ra, nếu các hãng tàu tăng cước và phụ phí cũng cần phải minh bạch, báo trước để các doanh nghiệp kịp thời ứng phó trong đàm phán giá các đơn hàng”, ông Cẩm cho biết. 

Một số doanh nghiệp lựa chọn đường sắt để vận chuyển hàng hoá. Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu cho biết tuyến đường này cũng đang gặp khó khăn khi căng thẳng Nga - Ukraine vẫn đang tiếp diễn. 

Giá cước tăng là khách quan

Dưới góc độ là doanh nghiệp vận tải, ông Lê Quang Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA), Phó TGĐ Tổng Công ty Hằng hải Việt Nam, cho biết bản thân các doanh nghiệp vận tải cũng đang ở trong thế khó. 

“Thật ra việc cắt chuyến cũng cực chẳng đã bởi do vấn đề không an toàn họ phải đổi lịch trình, cắt chuyến, thời gian vận chuyển bị kéo dài. Điều này không chỉ ảnh hưởng  với các doanh nghiệp xuất khẩu mà còn ảnh hướng tới chính họ trong việc đảm bảo các cam kết thương mại. Việc tăng giá cũng là điều khách quan”, ông Trung nói.

Ông cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu cần xác định những biến cố thời gian qua là chuyện bình thường và có phương án ứng phó linh hoạt.

“Không có căng thẳng Biển Đỏ thì cũng sẽ có những vấn đề khác phát sinh làm tăng giá cước. Các doanh nghiệp cần tuân thủ nguyên tắc cung - cầu của thị trường”, ông Trung nói. 

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng một số doanh nghiệp vận tải có hiện tượng “đục nước béo cò” khi giá cước tăng. Một số doanh nghiệp xuất khẩu phản ánh việc một số hãng tàu tự động thu phụ phí mà không báo trước 15 ngày theo quy định, đẩy các nhà xuất khẩu vào tình huống “cá nằm trên thớt”.

Để tháo gỡ tình hình hiện tại, ông Trung khuyến nghị các doanh nghiệp đa dạng hoá phương thức vận chuyển. Chẳng hạn như các hàng giá trị cao thay vì đi qua đường biển thì có thể chọn đường hàng không. Ngoài ra, đẩy mạnh khai thác các thị trường châu Á bởi hiện tại cước vận chuyển tới khu vực này chỉ tăng nhẹ 10 - 15%. 

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cũng cho rằng các doanh nghiệp có thể lựa chọn kết hợp hình thức vận chuyển đường biển và và đường hàng không để tối ưu thời gian. Cụ thể, hàng hoá sẽ vận chuyển đến Dubai sau đó chuyển sang Châu Âu, Mỹ bằng đường hàng không. 

H.Mĩ