Doanh nghiệp Việt sẽ chịu nhiều tác động trước những rào cản xanh
Nhằm có thể lựa chọn hướng phát triển xanh vừa phù hợp nội lực của doanh nghiệp, vừa đáp ứng tiêu chuẩn xanh trên thị trường toàn cầu là vấn đề không dễ. Điều này càng trở nên khó khăn hơn khi doanh nghiệp Việt đa số có quy mô sản xuất nhỏ và vừa, nội lực cạnh tranh yếu, vốn đầu tư mỏng.
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn thương mại xanh năm 2023, do Báo Sài Gòn giải phóng phối hợp với Liên hiệp Hợp tác xã thương mại (Saigon Co.op) và Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh (HUBA) tổ chức ngày 14/6.
*Yêu cầu sản phẩm xanh
Theo các chuyên gia, xu hướng thương mại xanh toàn cầu đang chi phối sâu rộng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Chuyển đổi sang sản xuất xanh giờ đây không còn là khẩu hiệu tuyên truyền, vận động, mà đã trở thành hướng đi tất yếu, sống còn đối với doanh nghiệp, cũng như cả nền kinh tế quốc gia và đời sống xã hội.
Mặt khác, nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia và đang có hiệu lực đã tạo độ mở rất lớn cho thị trường thương mại tự do, nhưng doanh nghiệp nội địa cũng phải chấp nhận sân chơi với những rào cản kỹ thuật chung về hàng hóa xuất nhập khẩu trên thị trường toàn cầu.
Do đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt cần chủ động nâng cao nhận thức về xu hướng chuyển động kinh tế thị trường, cụ thể là nhận diện rõ những rào cản của thương mại xanh để chủ động hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị phần xuất khẩu, nâng cao năng lực cung ứng sản phẩm, hàng hóa cho thị trường nội địa.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED) cho rằng, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp... đảm bảo phục vụ thị trường trong nước và quốc tế trên nền tảng những mô hình sản xuất đa mục tiêu, đa giá trị.
Cùng với đó, quá trình chuyển đổi này cần có sự dẫn dắt của doanh nghiệp lớn và tham vấn của các bên như nhà khoa học, chuyên gia quốc tế, tổ chức xã hội... có tính kết nối liên ngành, đa tỷ lệ.
Điển hình, ở lĩnh vực công nghiệp có thể kể đến đa dạng giải pháp là thu hút đầu tư khu công nghiệp sinh thái; cộng sinh công – nông nghiệp (ngăn ngừa ô nhiễm, chia sẽ năng lượng, vận chuyển, logistic, nhân lực, tài chính); gắn kết với hệ thống giao thông, dịch vụ cảng biển; mở rộng kết nối, phát triển vùng Kinh tế trọng điểm, công nghiệp – đô thị - nông thôn...
Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp là xu hướng tất yếu, bởi mô hình kinh tế tuần hoàn có thể cung cấp giải pháp trong việc huy động nguồn lực, thực hiện đa mục tiêu, huy động đa nguồn lực hướng tới phát triển bền vững.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp vẫn còn nhiều thách thức về tài chính, công nghệ, thể chế trong liên kết các bên... và đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm của các bên, nhất là vai trò của nhà nước.
Về phía chính quyền địa phương, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh đánh giá, tiêu dùng xanh là một khâu then chốt trong quá trình sản xuất kinh doanh xanh. Khi người tiêu dùng tìm kiếm sản phẩm, dịch vụ và ưu tiêu dùng xanh thì đơn vị sản xuất kinh doanh nào không cung ứng được sẽ bị loại khỏi thị trường, cũng như không giữ chân được khách hàng.
Tuy nhiên, muốn phát triển sản xuất kinh doanh xanh nói chung, hay thương mại xanh nói riêng thì bắt buộc ngay từ đầu vào như nguồn nguyên vật liệu, tiêu chí sản xuất... phải đảm bao quy trình xanh. Hơn thế nữa, định hướng nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh cần quy định pháp luật, bộ tiêu chuẩn... mang tính hệ thống hoàn thiện ở tất cả chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh như một hệ sinh thái cho nền kinh tế tuần hoàn.
*Chương trình hành động thiết thực
Hiện nay và trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động trước những rào cản xanh đặt ra ở nhiều thị trường quốc tế, hoặc đánh mất nhiều cơ hội phát triển và lợi thế cạnh tranh khi sản xuất sản phẩm, hàng hóa không đáp ứng tiêu chuẩn xanh.
Chính vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục xây dựng, cập nhật khung pháp luật và chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn; phát triển những yếu tố cần thiết cho hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn như quỹ đầu tư/tài trợ, mô hình hợp tác kết nối các bên, sự hỗ trợ quốc tế, công nghệ, nhân lực...
Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước cần mô hình thí điểm đảm bảo vai trò “dẫn dắt” của doanh nghiệp đầu ngành, cùng phối hợp với nhà nước, nhà khoa học, tổ chức quốc tế... lồng ghép giải pháp kinh tế tuần hoàn vào chương trình mục tiêu Quốc gia và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các bộ, ngành và địa phương.
Đồng thời, Tp. Hồ Chí Minh cần có đề án cụ thể, áp dụng theo hướng mở, có lộ trình từng bước và thực chất, hiệu quả, khả thi, không cầu toàn. Trước yêu cầu cấp thiết chuyển đổi nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh (HUBA) cho biết, HUBA đã phối hợp Báo Sài Gòn giải phóng tổ chức chương trình xét chọn danh hiệu “Doanh nghiệp xanh” trong năm nay và đây cũng là lần đầu tiên chương trình được khởi động mạnh mẽ trên địa bàn thành phố.
Chương trình này, không nằm ngoài mục tiêu tôn vinh, khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ những quy định về xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh; có nhiều nghiên cứu và sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường...
Chương trình còn hướng đến mục tiêu tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, nâng cao tính cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế. Cùng với việc xét chọn và trao danh hiệu “Doanh nghiêp xanh”, Ban tổ chức kỳ vọng có thể cập nhật, chia sẻ về những thông tin liên quan đến rào cản kỹ thuật xanh đang được áp dụng phổ biến trên thị trường; trao đổi tìm kiếm các giải pháp khả thi để thúc đẩy phát triển xanh... đến cộng đồng doanh nghiệp.
Trong khi đó, chiến dịch Tiêu dùng xanh là hoạt động do Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Saigon Co.op tổ chức đã bước sang năm thứ 14, góp phần vận động cộng đồng ưu tiên sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường và sản phẩm của doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.
Chiến dịch này, đã trở thành sự kiện thường niên thúc đẩy thiết lập thói quen tiêu dùng mới trong xã hội và tiêu dùng có lợi cho môi trường.
Theo ông Trần Lâm Hồng, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, góp phần thực hiện kế hoạch triển khai “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030”, chiến dịch Tiêu dùng xanh năm 2023 sẽ triển khai đa dạng hoạt động, gồm: xây dựng chiến lược truyền thông thương hiệu doanh nghiệp gắn với hoạt động trách nhiệm xã hội về môi trường.
Đồng thời, vận động đông đảo các tình nguyện viên tham gia với vai trò “đại sứ thông tin” để hỗ trợ cộng đồng nhận diện rõ sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.
Trong đó, Saigon Co.op xây dựng những chính sách khuyến mãi, chính sách bán hàng với giá ưu đãi, khu vực trưng bày riêng biệt cho sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.