|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Doanh nghiệp Việt rộn ràng đón khách Trung Quốc trở lại

15:20 | 14/03/2023
Chia sẻ
Việc Trung Quốc cho phép các công ty lữ hành tổ chức tour du lịch theo đoàn đến Việt Nam là tín hiệu đáng mừng, kỳ vọng mở ra cơ hội phục hồi hoạt động du lịch qua lại giữa hai nước.

Từ ngày 15/3/2023, Trung Quốc chính thức cho phép các công ty lữ hành tổ chức tour du lịch theo đoàn và các dịch vụ vé máy bay kèm khách sạn vào Việt Nam. Trước thông tin này, ngành du lịch Việt Nam đã tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón trở lại du khách Trung Quốc.

Doanh số đặt phòng trước tăng 20%

Theo khảo sát, thời gian gần đây, nhiều cơ sở lưu trú đã tự giác sơn sửa, bảo dưỡng và đăng ký thẩm định lại sao. Đại diện khách sạn Eastin Grand Hotel (TP HCM) cho biết, đơn vị này đã bổ sung thêm nhân viên để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Khách Trung Quốc được đánh giá là rất 'thoáng', thích chi tiền cho sản phẩm và dịch vụ tốt. Do đó, nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trú như Eastin Grand Hotel đang rất kỳ vọng về nhóm khách này.

Nếu như trước dịch, lượng khách Trung Quốc đến với chúng tôi chỉ chiếm khoảng 10% thì ngay trong tháng 3, số lượng book phòng đã lên đến 20%. Con số này phần nào cho thấy nhu cầu sang Việt Nam của họ khá cao, nhưng gần 3 năm qua đang bị kìm hãm do chính quyền chưa mở cửa. Giờ nhiều bên rất cần doanh thu nên sẽ nhắm đến những nhóm khách tiềm năng, và Trung Quốc là một trong số đó”, vị này thông tin.

Những năm qua, lượng khách Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. (Ảnh: Ngày Nay)

Ninh Bình là một trong những địa phương được nhiều du khách Trung Quốc chọn làm điểm đến tham quan khi ghé qua Việt Nam thời điểm trước dịch COVID-19. Do đó, ngay khi nhận thông tin trên, các công ty cung cấp dịch vụ lữ hành trên địa bàn tỉnh không khỏi phấn khởi.

Ông Hoàng Bình Minh, Giám đốcCTCP Dịch vụ Du lịch Ninh Bình, cho hay nhiều công ty đã chủ động phối hợp với khách sạn, nhà hàng… để xây dựng chương trình hấp dẫn; đồng thời đẩy mạnh việc chuẩn bị tài liệu để quảng bá, tiếp thị. Ngành du lịch Ninh Bình cũng khuyến khích các công ty kinh doanh du lịch đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Tương tự, với lợi thế địa bàn trọng điểm du lịch giáp biên với Trung Quốc, hiện nhiều hãng lữ hành của Quảng Ninh đã chủ động kết nối với các đối tác nhằm nắm bắt nhu cầu của du khách, tập trung làm mới sản phẩm theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ.

Theo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dịch vụ từ du thuyền, khách sạn, nhà hàng, điểm đến… cũng đã chủ động nâng cấp cơ sở vật chất, đảm bảo các điều kiện phục vụ du khách quốc tế, đặc biệt là khách Trung Quốc. Bên cạnh đó, chú trọng tăng cường liên kết tạo chuỗi trải nghiệm đa dạng, như kết hợp nghỉ dưỡng với khám phá thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực nhằm thu hút du khách.

Đánh giá cao tiềm năng từ thị trường Trung Quốc, nhiều hãng hàng không cũng tăng tần suất các chuyến bay trong tuần. Đơn cử, trong tháng 3, Vietnam Airlines sẽ nối lại đường bay giữa Hà Nội và Bắc Kinh, tăng cường kết nối Hà Nội, TP HCM với Quảng Châu và Thượng Hải. Các tháng sau đó sẽ mở lại bốn đường bay gồm: giữa Đà Nẵng và Quảng Châu, Thượng Hải, Thành Đô; giữa Hà Nội và Thành Đô.

Rào cản từ xét nghiệm và chính sách thị thực

Ông Hoàng Bình Minh, Giám đốcCTCP Dịch vụ Du lịch Ninh Bình, cho rằng các đơn vị đã trong tâm thế sẵn sàng đón khách Trung Quốc từ lâu. Tuy nhiên trên thực tế, những đơn vị nhỏ lẻ còn khá thụ động theo các công ty lớn và theo chính sách của nhà nước. Nhất là khi việc Trung Quốc cho phép khách du lịch đến Việt Nam theo đoàn, nhưng khi trở về nước vẫn phải xét nghiệm SARS-CoV-2 đang được coi là một rào cản.

Cũng theo ông, đối với khách du lịch, quy định trên sẽ làm tăng chi phí và thời gian xuất nhập cảnh. Trong khi đó, nhiều đơn vị tổ chức tour lại có tâm lý lo lắng, hoang mang do chưa chưa nắm rõ các quy định. “Quan ngại nhất vẫn là vấn đề tâm lý lo lắng của người tổ chức tour và người đón tour. Nếu khách bị Covid thì có phải cách ly không, ai sẽ chịu chi phí…?”, ông Hoàng Bình Minh chia sẻ.

Trong khi đó, báo cáo từ Ngân hàng HSBC nhận định, Việt Nam có những lý do chính đáng để kỳ vọng du lịch quốc tế phục hồi mạnh mẽ hơn, đặc biệt là sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại. Trong năm 2023, Việt Nam có thể đón từ 3-4,5 triệu lượt khách Trung Quốc, tương đương khả năng phục hồi 50-80% so với trước đại dịch.

Mặc dù vậy, báo cáo từ ngân hàng này cũng chỉ ra rằng, điều này chỉ xảy ra nếu Việt Nam có thể giải quyết những hạn chế về chuyến bay và nới lỏng thêm các yêu cầu về thị thực nhập cảnh.

Đến nay, thời hạn miễn thị thực với khách đến Việt Nam là 15 ngày đối với khách du lịch từ các thị trường lớn, gồm: Trung Quốc, Mỹ và Australia - ngắn hơn so với các nước trong cùng khu vực, cũng như chưa phù hợp với nhu cầu du lịch dài ngày của khách quốc tế.

Trước thời điểm dịch bệnh bùng phát, năm 2019, Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế - một con số kỷ lục. Trong đó, lượng khách Trung Quốc chiếm hơn 5,8 triệu lượt.

Năm nay, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế. Theo nhận định của nhiều chuyên gia và công ty lữ hành, con số này không quá khó nhưng nếu thiếu khách Trung Quốc thì đây sẽ là “một thách thức”.

Diễm Ly