|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Doanh nghiệp tự chủ xét nghiệm shipper kêu khó vì chi phí lớn, có thể phải giảm bớt tài xế

14:36 | 23/09/2021
Chia sẻ
Nhiều hãng quản lý shipper cho rằng quy định cần xét nghiệm đại trà tất cả các tài xế theo tần suất hiện nay có thể không còn phù hợp, chưa kể còn khiến doanh nghiệp phải chịu khoản phí quá lớn.

Ngày 21/9, UBND TP HCM đã ban hành văn bản khẩn về việc tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xét nghiệm của shipper, tiến tới quản lý bằng công nghệ. Theo đó, từ ngày 24 - 30/9, các doanh nghiệp quản lý shipper chịu trách nhiệm tổ chức xét nghiệm và cập nhật kết quả vào Kho dữ liệu dùng chung của TP theo hướng dẫn của Sở Thông tin - Truyền thông.

TP giao Sở Công thương hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp ký cam kết và chịu trách nhiệm về công tác tổ chức và kết quả xét nghiệm. Shipper nào không đáp ứng đủ điều kiện thì sẽ không được hoạt động.

Thông tin với chúng tôi, đại diện Gojek cho rằng quy định các doanh nghiệp tự sắp xếp tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho các shipper còn nhiều bất cập. Gojek cho rằng các doanh nghiệp gọi xe công nghệ hoàn toàn không có chuyên môn về y tế cũng như nguồn lực cần thiết để thực hiện việc test nhanh COVID-19, do đó có thể thực hiện không đúng kỹ thuật test mẫu gộp ở quy mô lớn, dễ dẫn đến lãng phí dụng cụ test, và kết quả không chính xác. 

Tự chủ xét nghiệm shipper, doanh nghiệp kêu khó vì chi phí lớn, có thể phải giảm bớt tài xế - Ảnh 1.

Doanh nghiệp quản lý shipper kêu khó sau khi TP HCM chỉ đạo tự chủ xét nghiệm. (Ảnh: Gojek).

Điều này sẽ dẫn đến khả năng để sót F0 hoặc xác định nhầm F0, tăng khả năng lây nhiễm chéo, khó kiểm soát mức độ lây lan của dịch bệnh. Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp không có đủ nguồn lực để tổ chức nhiều điểm xét nghiệm. 

Từ đó dẫn đến việc hàng chục ngàn đối tác tài xế - tài xế sẽ phải di chuyển xa hơn, chờ đợi lâu hơn để được lực lượng không chuyên tiến hành lấy mẫu và đọc kết quả, gây lãng phí thời gian và nguồn lực xã hội.

Đại diện Gojek lo lắng nếu hiệu quả xét nghiệm thấp nhưng vẫn phải đảm bảo tính tuân thủ, nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ phải tự cắt giảm số lượng shipper được tham gia lưu thông, điều này có thể gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa, gây tắc nghẽn nhu cầu vận chuyển hàng hóa của người dân

Trong khi đó, ứng dụng Baemin cho rằng dựa trên tình hình thực tế, tất cả các tài xế được phép hoạt động đều đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin ngừa COVID-19, một số tài xế đã tiêm đủ hai mũi, vì vậy quy định cần xét nghiệm đại trà tất cả các tài xế theo tần suất hiện nay có thể không còn phù hợp.

Trong khi đó, Loship bày tỏ sự lo ngại về gia tăng chi phí. “Theo thông tin của Bộ Y tế, giá mỗi lần xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 là 238.000 đồng. Với doanh nghiệp có quy mô vận hành 10.000 shipper và được yêu cầu xét nghiệm 2 ngày/lần, chi phí mà doanh nghiệp phải chịu là rất lớn, vào khoảng 9,5 tỷ đồng/tháng”.

Đại diện Gojek cho biết, theo công văn 4194/SCT-QLXNK, từ ngày 19/9, tổng số lượng shipper được phép hoạt động của 34 doanh nghiệp là 92.000 tài xế, trong khi đó có hơn 400 trạm y tế lưu động hỗ trợ thực hiện xét nghiệm trong khung giờ từ 6 giờ đến 21 giờ. 

Như vậy, nếu mỗi tài xế test 3 ngày/lần thì yêu cầu về nguồn lực từ các trạm y tế là trung bình mỗi ngày mỗi trạm xét nghiệm nhanh cho khoảng 75 người. Trên thực tế, số tài xế thực sự hoạt động những ngày vừa qua còn có thể thấp hơn nhiều, theo con số thống kê không chính thức của Sở Công thương, con số này là khoảng 50%. 

Tự chủ xét nghiệm shipper, doanh nghiệp kêu khó vì chi phí lớn, có thể phải giảm bớt tài xế - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp quản lý shipper cho rằng quy định cần xét nghiệm đại trà tất cả các tài xế theo tần suất hiện nay có thể không còn phù hợp.

"Chúng tôi tin rằng năng lực xét nghiệm của các trạm y tế hoàn toàn đáp ứng được con số này nếu được điều phối tốt. Do đó, chúng tôi đề xuất tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về năng lực xét nghiệm từ hệ thống các trạm y tế lưu động để đảm bảo chất lượng chuyên môn, và Gojek và các doanh nghiệp gọi xe công nghệ khác được tham gia chung tay cùng các cơ quan chức năng để ứng dụng công nghệ vào việc điều phối tài xế", đại diện Gojek chia sẻ.

Gojek mong muốn các doanh nghiệp gọi xe công nghệ có thể cùng hỗ trợ việc điều phối, chia lịch để các đối tác tài xế thực hiện test theo khung giờ tại các điểm chỉ định sau khi tính toán về mặt vận hành để không bị quá tải lượng tài xế tại các trạm.

Ngoài ra, hãng gọi xe công nghệ gốc Indonesia cũng đề xuất các cơ quan chức năng cân nhắc việc giãn tần suất test nhanh COVID-19, dựa trên cơ sở thực tiễn, các yếu tố dịch tễ và độ phủ của vắc xin. 

Gojek cũng mong muốn chính quyền địa phương có thể hỗ trợ chi phí xét nghiệm cho doanh nghiệp sau thời điểm 30/9. Hiện tại, ứng dụng này cũng đang chủ động lên các phương án khả thi để có thể cố gắng đảm bảo số lượng shipper cao nhất có thể đc phép hoạt động trên đường trong tgian giãn cách xã hội tăng cường nhằm hỗ trợ các đối tác tài xế tiếp tục duy trì hoạt động sau ngày 24/9.

Ứng dụng AhaMove cũng đưa ra đề xuất kéo dài hạn sử dụng giấy xét nghiệm nhanh, nhất là với shipper đã tiêm 2 mũi hoặc là F0 đã khỏi bệnh. Đồng thời, ứng dụng này cũng mong muốn nhận hỗ trợ chi phí thực hiện xét nghiệm hoặc kit test.

Hiện tại, AhaMove được cấp phép khoảng 80% số lượng shipper hoạt động trước giãn cách, tuy nhiên số lượng hoạt động thực tế chỉ khoảng 50% số lượng cấp phép, kể cả lúc được miễn phí xét nghiệm. Công ty cũng đã liên hệ nhiều cơ sở y tế để thuê dịch vụ xét nghiệm, hiện đã tìm được một vài cơ sở đồng ý hợp tác. 


Thùy Trang