|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Doanh nghiệp Trung Quốc dồn dập IPO ở Mỹ

23:38 | 28/04/2021
Chia sẻ
Bất chấp căng thẳng chính trị giữa hai nước, doanh nghiệp Trung Quốc vẫn rất quyết tâm niêm yết tại Mỹ. Khoảng 60 công ty Trung Quốc dự định IPO trên thị trường Mỹ trong năm nay.
Làn sóng doanh nghiệp Trung Quốc dồn dập đổ vào thị trường IPO ở Mỹ - Ảnh 1.

Xe điện của Xpeng được trưng bày bên ngoài. Công ty huy động được 1,5 tỷ USD trong cuộc IPO tại Mỹ. (Ảnh: Bloomberg).

Doanh nghiệp Trung Quốc đang đổ xô vào thị trường IPO nóng bỏng của Mỹ trước khi cơn sốt hạ nhiệt, theo CNBC

Theo công ty tư vấn EY, ba tháng đầu năm 2021 đánh dấu quý bận rộn nhất của thị trường IPO Mỹ kể từ năm 2000. Bất chấp đại dịch COVID-19 và căng thẳng Mỹ-Trung, một nửa trong số 36 doanh nghiệp nước ngoài lần đầu niêm yết ở Mỹ đến từ Trung Quốc. Sẽ có thêm nhiều công ty khác nối tiếp trong thời gian tới.

Bà Vera Yang, đại diện Trung Quốc trên Sàn giao dịch chứng khoán New York cho biết có khoảng 60 doanh nghiệp Trung Quốc dự kiến chào sàn Mỹ trong năm nay.

Bà Yang nói: "Từ những lần tiếp xúc với các doanh nghiệp, chúng tôi hiểu rằng họ muốn niêm yết thật nhanh". Doanh nghiệp chậm chân sẽ phải đối mặt với sự không chắc chắn từ COVID-19 và nguy cơ chính sách tiền tệ thắt chặt, làm giảm khả năng thu hút vốn.

Tiền đã được đổ vào thị trường một cách đều đặn kể từ đại dịch, cho phép 30 doanh nghiệp Trung Quốc huy động nhiều vốn nhất từ các cuộc IPO tại Mỹ kể từ năm 2014, theo Renaissance Capital.

Nhà đầu tư đang tìm cách kiếm lời từ doanh nghiệp Trung Quốc. Họ cũng đã vượt qua nỗi lo về đạo luật sẽ hủy niêm yết các công ty nước ngoài không tuân theo quy định kiểm toán của Mỹ được ông Trump ban hành năm ngoái.

Theo ông Gary Dvorchak, Giám đốc điều hành Blueshirt, những nỗi lo về việc hủy niêm yết đã được xoa dịu kể từ khi ông Biden lên nắm quyền vào tháng 1. Nhà đầu tư cũng đang kỳ vọng Mỹ và Trung Quốc đi đến thỏa hiệp.

Ông ví các doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký IPO tại Mỹ như "sóng thủy triều".

Blueshirt tư vấn cho các công ty Trung Quốc quan tâm tới việc IPO ở Mỹ. Ông Dvorchak chia sẻ: "Điện thoại của chúng tôi đổ chuông liên tục. Chúng tôi đang cố gắng thuê thêm người. Chúng tôi chưa từng chứng kiến giai đoạn nào như thế này kể từ bong bóng công nghệ 1999. Tình hình dữ dội đến mức tôi phát lo".

Định giá điên rồ

Khác với bong bóng công nghệ năm 1999, năm nay những nhà đầu tư thận trọng đã lựa chọn những dự án kinh doanh khả thi. Điều này khiến cho vốn đổ dồn vào một số ít doanh nghiệp. Xu hướng này diễn ra ở Trung Quốc - quê nhà của nhiều startup kỳ lân có định giá trên 1 tỷ USD.

Ông Hongye Wang, đối tác của công ty đầu tư mạo hiểm Antler, nói rằng nhiều người hỏi ông về các startup kỳ lân hơn là những startup giai đoạn đầu.  

"Vốn hóa của nhiều công ty đang giảm. Nhưng nếu bạn nhìn vào các kỳ lân, đặc biệt là các kỳ lân sắp lên sàn, định giá của chúng vẫn rất điên rồ", ông Wang nói.

Lấy ví dụ về công ty nước ngọt Genki Forest của Trung Quốc. Đầu tháng này, Genki Forest được cho là tổ chức thành công một đợt gọi vốn mới lên tới 500 triệu USD, nâng định giá lên 6 tỷ USD.

Ngược lại, một trong những vòng gọi vốn bằng đồng nhân dân tệ lớn nhất trong tuần đó là của Abogen Biosciences chỉ thu về được 600 triệu nhân dân tệ (92 triệu USD).

Có những dấu hiệu cho thấy định giá của startup Trung Quốc đã lên quá cao. Nhiều cổ phiếu Trung Quốc niêm yết ở Mỹ và Hong Kong đã sụt giảm sau cuộc IPO năm nay.

Một số startup lớn nhất của Trung Quốc vẫn đang chờ để niêm yết tại Mỹ, dù chưa có thời gian xác định. Trong đó có ByteDance, công ty mẹ của TikTok, startup kỳ lân lớn nhất thế giới.

Bà Yang đánh giá nhà đầu tư vẫn "ủng hộ, nhưng chọn lọc kỹ hơn" những công ty Trung Quốc có thể duy trì định giá cao. Bà nói thêm rằng trong số những doanh nghiệp muốn IPO ở Mỹ trong năm nay, lĩnh vực được quan tâm nhất là công nghệ, truyền thông và viễn thông. Tiếp theo là thương hiệu tiêu dùng và dịch vụ kinh doanh.

Giang