Doanh nghiệp thép đầu tiên công bố lợi nhuận quý I/2023 giảm hơn 40%
CTCP Thép Vicasa - VNSteel (Mã: VCA) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2023 với doanh thu thuần đạt 506 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ.
Giá vốn giảm tương ứng với mức giảm của doanh thu thuần nên lợi nhuận gộp 27,6 tỷ đồng, hầu như đi ngang với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 3,2% cùng kỳ lên 5,5% quý I/2023.
Tuy nhiên do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 93% lên gần 15 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí dự phòng nên cả quý, lợi nhuận sau thuế quý I/2023 của Thép Vicasa chỉ còn 5,3 tỷ đồng, giảm hơn 40%. Khoản lãi này cũng đã giúp công ty xóa được khoản lỗ lũy kế 2,4 tỷ đồng của cuối năm 2022.
So với kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm là 12 tỷ đồng, Thép Vicasa đã thực hiện được 55% chỉ tiêu sau ba tháng đầu năm.
Theo nhận định của ban lãnh đạo tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, tình hình ngành thép trong nước hiện tại là cung đã vượt cầu. Thị trường trong năm 2023 sẽ cạnh tranh gay gắt về thị phần, trong đó chủ yếu cạnh tranh về giá bán. Giá bán thành phẩm trong nước hiện nay vẫn cao hơn giá mặt bằng trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc. Các đơn vị như Hòa Phát, VAS Steel khó khăn trong xuất khẩu nên sẽ tập trung cạnh tranh trong nước.
Năm 2023, nhiều đơn vị dẫn đầu ngành như Tập đoàn Hòa Phát, Hoa Sen,... đều nhận định khó khăn của ngành thép đã đi qua.
Còn tại ông Đoàn Danh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng nhận định trên sẽ không hoàn toàn đúng.
"Trong vòng 2 - 3 năm qua, giá nguyên vật liệu biến động không theo quy luật nào cả, chi phí sản xuất tăng rất nhiều. Đầu ra cũng giảm mạnh, kể cả thị trường xuất khẩu do nền kinh tế thế giới, đặc biệt là từ châu Âu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi xung đột Nga - Ukraine”, ông Thắng nói.
Ông nói thêm hầu hết hoạt động sản xuất bị đình trệ, khó quay lại trong năm 2023 và cán cân cung - cầu thép thời điểm hiện tại vẫn không thay đổi nhiều.
Trong kịch bản xấu, tình trạng này có thể kéo dài đến hết năm 2023. Các nhà sản xuất thép toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong bối cảnh chi phí nguyên vật liệu, năng lượng sản xuất tăng mạnh.
"Tại Việt Nam, nhiều nhà máy hiện chỉ chạy với 40 - 60% công suất thiết kế nên thật khó khi nói đến biên lợi nhuận của các công ty lúc này, hầu như không thay đổi so với cuối năm ngoái", ông Thắng nói.
Tính đến ngày 31/1/2023, tổng tài sản của Thép Vicasa gần 415 tỷ đồng, tăng 12% so với thời điểm đầu năm. Trong đó hàng tồn kho chiếm tới 58% tổng tài sản, ở mức 242 tỷ đồng. Phần còn lại tập trung vào các khoản phải thu khách hàng và tài sản cố định.
Cuối quý I/2023, tổng nợ phải trả của Thép Vicasa hơn 224 tỷ đồng, trong đó công ty chỉ đi vay ngắn hạn với gần 125 tỷ đồng. Ba tháng đầu năm, doanh nghiệp chỉ phải trả hơn 2 tỷ đồng chi phí lãi vay. Vốn chủ sở hữu tại cuối kỳ là 190 tỷ đồng.