Doanh nghiệp tạm hoãn đầu tư, chờ xem tình hình và giữ tiền phòng thân
Ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thông báo về việc điều chỉnh tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 lên thêm 1,5 - 2%, mức tăng trên tương đương với 240.000 tỷ đồng được cung ứng cho nền kinh tế.
Trao đổi với báo chí vào ngày 8/12, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết đến thời điểm này tăng trưởng tín dụng là 12,2%. Như vậy, so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14% thì vẫn còn khoảng 1,8%. Việc điều chỉnh tăng trưởng tín dụng thêm gần 2% sẽ là dư địa khá lớn để các NHTM cung ứng vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Trong Talkshow Chọn danh mục của báo Đầu tư mới đây, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), chia sẻ nhiều doanh nghiệp có nhu cầu nhưng khó tiếp cận vốn vay để chuẩn bị cho dịp kinh doanh cuối năm. Vay cá nhân cũng ở trong tình trạng tương tự.
Ông cho biết, các doanh nghiệp trong từng ngành sẽ có mức sử dụng đòn bẩy khác nhau. Có doanh nghiệp vay nợ nhiều, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cao như các doanh nghiệp bất động sản. Còn các ngành liên quan đến tiêu dùng ít vay nợ và có lượng tiền ròng cao, tức lượng tiền mặt trừ đi các khoản vay.
Những doanh nghiệp sở hữu lượng tiền ròng cao có lợi thế lớn ở thời điểm hiện tại khi lượng tiền mặt gửi ngân hàng mang lại lãi suất tốt. Ông Long nhận định đó là những doanh nghiệp khi thị trường khó khăn thì vẫn sống tốt.
Chuyên gia cho rằng lãi suất đang ở mức cao và có thể sẽ tiếp tục giữ mặt bằng lãi suất này trong năm tới nhưng thanh khoản trên thị trường chứng khoán có thể cải thiện hơn, tác động tích cực đến doanh nghiệp.
Về vấn đề lãi suất, ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ A+, cho rằng lãi suất thời gian qua lên khá cao do doanh nghiệp trữ tiền mặt để đề phòng rủi ro về thanh khoản nên ngân hàng huy động vốn không đủ.
Theo quan điểm của ông Hoàng, thị trường Ngân hàng Việt Nam không thiếu tiền, một số người nghĩ thị trường bị siết nên ngân hàng không có tiền cho vay nhưng không hẳn như vậy. Hiện tại, ai cũng muốn giữ lại một chút, muốn mua xe nhưng giữ lại chờ vài tháng, mua nhà cũng tạm thời hoãn lại, doanh nghiệp muốn đầu tư nhưng giữ lại đợi vài tháng sau.
Ông chia sẻ vừa gặp một tập đoàn đầu tư ở lĩnh vực bệnh viện, lẽ ra đã đầu tư 3.000 - 4.000 tỷ đồng nhưng họ lại hoãn, chờ xem tình hình năm sau và giữ lại tiền phòng thân.
Việc mở room tín dụng để tăng trưởng thì cần doanh nghiệp vay, nhưng lãi suất đang cao nên doanh nghiệp không dám vay. Theo ông, thời điểm này, doanh nghiệp nên xem xét vay để làm gì và tại sao cần vay ở lúc này. Nếu có những dự án, kế hoạch kinh doanh thì có thể vay nhưng nếu thấy kế hoạch kinh doanh chưa khả quan thì phải phòng thân một chút.
Ông cho rằng giai đoạn phòng thân vẫn còn kéo dài thêm một thòi gian để quan sát những thông điệp như lạm phát của Mỹ. Thị trường có thể 1-2 quý nữa mới trở nên tốt hơn. Riêng ngành đồ uống như bia trong khủng hoảng, khó khăn vẫn luôn duy trì được doanh số tốt.