|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp phát hành gần 130 nghìn tỷ trái phiếu năm 2016, gấp 3 lần năm 2015

14:17 | 03/03/2017
Chia sẻ
Trái phiếu đang từng bước trở thành kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp nhưng quy mô thị trường trái phiếu vẫn nhỏ chỉ chiếm 5,27% GDP. Các năm tới, khuôn khổ pháp lý sẽ được hoàn thiện tạo điều kiện cho các chủ thể huy động qua kênh trái phiếu.

Báo cáo tại buổi họp báo chuyên đề “Thị trường trái phiếu năm 2016 và định hướng phát triển trong các năm tiếp theo”, bà Phan Thị Thu Hiền - Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính (TCNH) cho biết trong năm 2016, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 129.636 tỷ đồng, tăng 203,1% so với năm 2015.

Đánh giá về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đại diện Vụ Tài chính Ngân hàng nhận định trái phiếu đang từng bước trở thành kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp để phát triển sản xuất kinh doanh.

Nhưng báo cáo cũng chỉ rõ thị trường trái phiếu về cơ bản quy mô còn nhỏ, chỉ chiếm 36,9% GDP; thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển (đến hết năm 2016 chỉ chiếm 5,27% GDP), các doanh nghiệp vẫn chủ yếu huy động vốn qua kênh tín dụng ngân hàng.

doanh nghiep phat hanh gan 130 nghin ty trai phieu nam 2016 gap 3 lan nam 2015

Bà Phan Thị Thu Hiền - Vụ trưởng Vụ TCNH chủ trì buổi họp báo

Thị trường trái phiếu đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong năm 2016. Trái phiếu Chính phủ vẫn đang chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng khối lượng phát hành và cũng ghi nhận nhiều thành tích trong năm qua.

Cụ thể, khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành đạt 281.750 tỷ đồng tương đương 98,3% kế hoạch phát hành năm với 91% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên (vượt mục tiêu do Quốc hội đề ra là 70% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên). Năm 2016 cũng đồng thời là năm đầu tiên phát hành thành công trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 30 năm cho nhà đầu tư nước ngoài.

Sau khi thực hiện tái cơ cấu, danh mục nợ Chính phủ đã có sự cải thiện rõ rệt cả về quy mô, kỳ hạn và chi phí huy động. Bên cạnh đó, cơ sở nhà đầu tư đã có sự thay đổi tích cực theo hướng tăng tỷ lệ nắm giữ trái phiếu của các nhà đầu tư dài hạn như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tiền gửi, doanh nghiệp bảo hiểm. Trên thị trường thứ cấp, khối lượng giao dịch trái phiếu tăng mạnh so với năm 2015, bình quân phiên đạt 6.285 tỷ đồng tăng 72% so với năm 2015, giúp thanh khoản thị trường tăng đáng kể.

Kênh phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh và phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2016 về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu huy động vốn của các Ngân hàng chính sách để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước và chính quyền địa phương trong việc thực hiện các dự án đầu tư quan trọng, cấp bách thuộc nhiệm vụ chi của địa phương.

Mục tiêu mà Bộ Tài chính hướng đến cho thị trường trái phiếu là phát triển ổn định, cấu trúc hoàn chỉnh, mở rộng cơ sở nhà đầu tư, tăng quy mô và chất lượng hoạt động, đảm bảo thị trường hoạt động hiệu quả và trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế; bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và chủ động hội nhập thị trường quốc tế.

Vụ trưởng Phan Thị Thu Hiền cho biết trong năm 2017 và các năm tiếp theo Bộ Tài chính tập trung vào các giải pháp như tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chủ thể huy động vốn qua thị trường trái phiếu, thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư dài hạn, tăng cường công khai minh bạch trong quá trình huy động vốn trái phiếu.

Bộ Tài chính hướng tới phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ trở thành thị trường chuẩn cho thị trường tài chính, làm nòng cốt để phát triển thị trường trái phiếu, đồng thời, đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu Chính phủ để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, tiếp tục phát hành kỳ hạn 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm nhằm kéo dài kỳ hạn của danh mục nợ Chính phủ theo hướng bền vững.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng sẽ nghiên cứu triển khai sản phẩm mới như trái phiếu có lãi suất thả nổi; đa dạng hóa các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu, tập trung phát triển nhà đầu tư dài hạn để tạo cầu bền vững. Tương lai, sẽ phát triển các định chế trung gian và hạ tầng của thị trường; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tạo sự liên kết giữa thị trường trái phiếu trong nước với thị trường trái phiếu khu vực và thế giới nhằm tận dụng các cơ hội và tiềm năng để phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam theo thông lệ quốc tế.

Thanh Thủy