|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp phân bón kêu trời vì được “miễn” thuế

20:16 | 04/11/2016
Chia sẻ
Việc đưa phân bón vào danh mục các các mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) tưởng chừng giúp nông dân có thể tiếp cận được nguồn phân bón giá rẻ, chất lượng, nhưng khi đi vào thực tế, nông dân, doanh nghiệp đều chịu thiệt. Không những thế, việc miễn thuế này còn tạo ra làn sóng nhập khẩu phân bón ồ ạt, khó kiểm soát chất lượng trong hơn một năm qua.

Khổ vì được... miễn thuế

Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về thuế quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, có hiệu lực từ ngày 1-1-2015. Tuy nhiên, do được miễn thuế GTGT chứ không phải giảm thuế xuống 0% nên doanh nghiệp phân bón trong nước vẫn phải đóng thuế GTGT đầu vào mà lại không được khấu trừ thuế. Điều này đang gây ra nhiều hệ lụy trong ngành phân bón.

Tại một cuộc tọa đàm diễn ra cuối tuần trước tại Hà Nội, ông Trần Văn Chuyên, Phó trưởng phòng Kế hoạch vật tư Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao, cho biết nếu như trước đây, phân bón nằm trong danh mục chịu thuế GTGT 5%, tổng số thuế GTGT mà doanh nghiệp này phải nộp chỉ khoảng 50-60 tỉ đồng. Nhưng kể từ khi có quy định mới vào năm 2015, số thuế mà Lâm Thao phải nộp đã tăng lên gấp ba lần, khoảng 180 tỉ đồng. Điều này đã khiến cho chi phí sản xuất của công ty tăng thêm 3-4% và phải tăng giá bán phân bón tới tay nông dân.

Không chỉ nông dân chịu thiệt khi chi phí sản xuất phân bón tăng, lợi nhuận của doanh nghiệp cũng teo tóp dần. “Trong năm 2015, lợi nhuận của doanh nghiệp chỉ còn hơn 392 tỉ đồng, thấp hơn nhiều so với con số 562 tỉ đồng của năm 2014. Dự kiến lợi nhuận năm 2016 không qua nổi 200 tỉ đồng”, ông Chuyên lo ngại. Ông Takashi Yamada, Giám đốc tài chính Công ty Phân bón Việt Nhật (tập đoàn Sojittz), cho hay chỉ trong chín tháng đầu năm 2016, tổng số thuế GTGT mà doanh nghiệp không được khấu trừ khoảng 28 tỉ đồng. Bên cạnh đó, việc áp dụng Luật 71 còn gây bất bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu khi phân bón nhập khẩu không phải chịu thuế GTGT. Chính việc cạnh tranh không bình đẳng này đã khiến doanh số bán ra của Công ty Phân bón Việt Nhật liên tục giảm trong thời gian qua và hoạt động sản xuất kém xa so với công suất thiết kế ban đầu của nhà máy.

Các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước kiến nghị nên sửa Luật 71 theo hướng đưa thuế GTGT về 0%, hoặc chí ít cũng quay lại việc áp dụng thuế GTGT 5% như trước, thay vì quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT như hiện nay.

Theo ông Dương Trí Hội, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo), khi ban hành Luật 71, Quốc hội và Chính phủ muốn giảm giá thành sản xuất phân bón cho nông dân nhưng khi luật đi vào cuộc sống, mục đích đặt ra lại không đạt được.

Không chỉ làm cho chi phí sản xuất tăng, giá bán tăng, doanh thu giảm do bị chia sẻ thị phần với phân bón nhập khẩu, việc không được khấu trừ thuế GTGT cho các hệ thống thiết bị đầu tư đầu vào vô hình trung không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mới và đầu tư cho cải tiến kỹ thuật. Về dài hạn, nó ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.

“Một nước xuất khẩu nông sản thì yếu tố đầu vào - phân bón - là quan trọng. Nếu sản xuất phân bón trên công nghệ hiện đại thì sẽ có nông sản chất lượng. Nếu sản xuất theo công nghệ “cuốc xẻng” sẽ làm tạp chất trong phân bón nhiều, không kiểm soát được chất lượng đầu ra”, ông Hội lo ngại.

Theo bà Trần Thị Bình, Ủy viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau, nếu như giá phân bón còn cao như năm năm trước đây thì doanh nghiệp còn cố gắng đóng thuế được nhưng hiện nay giá nhiều loại phân bón đã giảm 50% so với năm năm trước thì doanh nghiệp không thể chịu được. “Thời gian qua nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước buộc phải thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa, do không cạnh tranh được với phân bón nhập khẩu (được hưởng lợi do không chịu thuế GTGT)”, bà Bình nói.

Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị nên sửa Luật 71 theo hướng đưa thuế GTGT về 0%, hoặc chí ít cũng quay lại việc áp dụng thuế GTGT 5% như trước.

Doanh nghiệp có thờ ơ với dự thảo luật?

Có mặt tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương cho hay, ngành phân bón đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phân bón sinh sau đẻ muộn như Đạm Cà Mau, Đạm Ninh Bình, Đạm Bắc Giang vừa mới đầu tư đi vào hoạt động đã phải trải qua cơn bão giá urê thế giới giảm mạnh. Những doanh nghiệp này vẫn chưa hết khấu hao tài sản, vẫn phải tính vào giá thành sản xuất và lại phải chịu thêm chi phí gia tăng do Luật 71. Ví dụ, Đạm Ninh Bình không được hoàn thuế khoảng gần 280 tỉ đồng/năm, mỗi năm lỗ khoảng 700-800 tỉ đồng. Nếu được hoàn thuế GTGT thì họ cũng đã đỡ được một khoản lỗ tương đối lớn.

“Trong bối cảnh giá urê thế giới đang giảm mạnh thì Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ những doanh nghiệp trong ngành này”, ông Thanh nói.

Ông Nguyễn Như Cường, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng quan điểm Nhà nước cần có chính sách bảo hộ hay hỗ trợ phù hợp để doanh nghiệp trong nước vượt qua và phát triển.

Theo ông Cường, trước mắt cần có một đánh giá cụ thể về những tác động của Luật 71 tới ngành phân bón trong nước, tới doanh nghiệp và nông dân như thế nào. Khó khăn của doanh nghiệp hiện nay ngoài do Luật 71, tác động bên ngoài từ việc giá phân bón thế giới giảm, liệu còn có nguyên nhân nào khác như công nghệ, quản trị doanh nghiệp...? Do đó, cần có phân tích trên cơ sở khoa học để Chính phủ có thể làm thủ tục trình Quốc hội sửa luật.

Ông Cường cho rằng các doanh nghiệp cần rút kinh nghiệm. Trong quá trình soạn thảo Luật 71, chắc chắn cơ quan soạn thảo sẽ phải lấy ý kiến các đơn vị có liên quan trước khi trình Quốc hội nhưng các doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức, chưa có ý kiến quyết liệt hay phản biện một điều luật nào đó. Chỉ đến khi việc này ảnh hưởng tới quyền lợi của mình mới phản ứng, lúc đó sẽ rất khó sửa vì luật đã được ban hành rồi.

Trúc Diễm