|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Doanh nghiệp P2P ngóng cơ chế thí điểm

10:27 | 14/06/2020
Chia sẻ
Các doanh nghiệp cho vay ngang hàng (P2P) trong nước kì vọng, cơ chế thử nghiệm mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sắp ban hành sẽ xóa sổ các app cho vay tín dụng đen biến tướng.
Doanh nghiệp P2P ngóng cơ chế thí điểm - Ảnh 1.

Tiềm năng phát triển của thị trường P2P rất lớn bởi nhu cầu của người vay rất cao. Ảnh: S.T

Thiếu hành lang pháp lý, P2P trá hình đua nở

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech - doanh nghiệp đang vận hành sàn P2P vaymuon.vn - cho hay, bản chất mô hình P2P rất tốt, song do chưa có hành lang pháp lý điều chỉnh, nên trăm hoa đua nở, dễ bị lạm dụng, biến tướng. Hậu quả là, trong khi những start-up Việt hoạt động trong lĩnh vực này mới làm rón rén, thì các app cho vay từ nước ngoài rầm rộ nhảy vào, núp bóng P2P, đẩy mạnh cho vay tín dụng đen.

“Thiếu hành lang pháp lý khiến Việt Nam trở thành môi trường màu mỡ cho các mô hình P2P độc hại, trá hình phát triển, trong khi các công ty P2P hoạt động đúng nghĩa lại bị lấn lướt. Vì vậy, có hành lang pháp lý - dù thí điểm - là rất cần thiết để bảo vệ cả người đi vay lẫn các doanh nghiệp P2P đúng nghĩa”, ông Bình khẳng định.

Theo số liệu của NHNN, cả nước có 40 công ty P2P. Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, thực tế có hơn 100 app cho vay theo hình thức P2P đang hoạt động, trong đó khoảng 70% app do người nước ngoài đứng sau điều hành, nhiều nhất là từ Trung Quốc. Các app này quảng cáo hoạt động theo mô hình P2P, song thực chất là tín dụng đen núp bóng, như app Cashwagon vừa bị công an phát hiện đầu tháng 6/2020.

Ông Nguyễn Việt Hưng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lendbiz cho hay, hiện có rất nhiều công ty lấy danh nghĩa P2P, song thực tế không có nhà đầu tư cá nhân, mà lấy tiền của chính công ty để cho vay, hoạt động, lãi vay và cách đòi nợ giống hệt mô hình tín dụng đen, làm tổn hại đến mô hình P2P.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp Việt Nam đang vận hành các nền tảng P2P, nhu cầu của thị trường này rất lớn. Đơn cử, sau 5 năm hoạt động, doanh số cho vay của Tima đã lên tới hơn 93.400 tỷ đồng, cao hơn nhiều ngân hàng trong nước, số khách hàng của công ty này đã vượt 4 triệu. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhập cuộc sau cũng đã sở hữu hàng ngàn lượt khách vay.

Ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng, tiềm năng phát triển của thị trường P2P rất lớn bởi nhu cầu của người vay rất cao. Thực tế, mô hình này không hề mới, mà đã tồn tại cả ngàn năm nay: vay người thân, bạn bè. P2P chỉ là sự “công nghệ hóa” quan hệ vay mượn này. Việc ra đời của mô hình này, nếu được quản lý tốt, sẽ thúc đẩy tài chính toàn diện, giúp người dân, hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính với chi phí thấp, thủ tục gọn nhẹ hơn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Hưng khẳng định, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa ký hợp đồng tái vay tại Lendbiz lên tới 80%. Điều này cho thấy, P2P là kênh tiếp cận vốn rất hiệu quả với không chỉ người dân, mà còn cả doanh nghiệp.

Siết chặt nguồn tiền và người cho vay

Theo các chuyên gia ngân hàng, nhiều app cho vay online núp bóng P2P không hề kết nối trực tiếp tới các nhà đầu tư với người vay, mà sử dụng “tiền túi” của mình để cho vay với lãi suất cắt cổ, gây ra nhiều hệ lụy. Chính vì vậy, để kiểm soát thị trường P2P, trước hết, cần kiểm soát chặt nguồn tiền cho vay.

“Ở Việt Nam, có nhiều mô hình P2P đang hoạt động, có mô hình hoạt động đúng nghĩa, song cũng có những mô hình biến tướng. Vì vậy, cơ chế thử nghiệm P2P cần làm rõ được nhà đầu tư cho vay, nguồn tiền cho vay, trình độ của những người đứng đầu công ty…”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng đề nghị.

Ông Bình cho rằng, NHNN đã nhận diện các mặt trái của thị trường P2P. Vì vậy, trong cơ chế thí điểm, NHNN sẽ quy định rõ doanh nghiệp thế nào mới được tham gia thí điểm mô hình này. Cụ thể, bên cho vay phải là cá nhân, cá nhân muốn cho vay phải mở tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử để Nhà nước quản lý, cơ chế xét duyệt cho vay phải rõ ràng…

Mặc dù hết sức sốt ruột chờ cơ chế thí điểm, song chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Việt Hưng kỳ vọng, cơ chế này không nên kiểm soát quá chặt, nếu không, doanh nghiệp sẽ rất khó triển khai. Bởi bản chất của tín dụng luôn đi kèm với rủi ro nợ xấu, kể cả ngân hàng, với P2P, rủi ro càng lớn hơn. Vì vậy, nếu quản quá chặt, doanh nghiệp không thể đáp ứng điều kiện, thì việc thí điểm P2P sẽ mất ý nghĩa.

Đương nhiên, việc đưa ra các điều kiện của các công ty P2P, như vốn điều lệ, trình độ người quản lý… là rất cần thiết.  Việc chuẩn hóa hoạt động P2P cũng giúp khách hàng nhận diện được các công ty “chuẩn” để đầu tư hoặc vay vốn.

Các chuyên gia ngân hàng kỳ vọng, hành lang pháp lý về cơ chế thử nghiệm P2P của NHNN sẽ đưa ra những quy định hợp lý, đủ “thoáng” để các doanh nghiệp có thể hoạt động trong phạm vi cho phép, song đủ “chặt” để xóa sổ các app cho vay tín dụng đen biến tướng, quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm của các bên để pháp luật có thể dễ dàng phân xử khi tranh chấp xảy ra.

Bên cạnh đó, việc công bố danh sách công ty P2P được phép thử nghiệm sẽ giúp người dân nhận diện được các công ty hợp pháp, không bị rơi vào bẫy của tín dụng đen trá hình.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, P2P là xu hướng tất yếu của nền kinh tế số, sẽ phát triển ngày càng mạnh mẽ ở Việt Nam. Vì vậy, việc đưa ra hành lang pháp lý thử nghiệm sẽ đưa các công ty này vào khuôn khổ, bảo vệ tốt hơn nhà đầu tư và người vay, đồng thời  tăng cơ hội tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp.

Tiềm năng của mô hình P2P vô cùng lo lớn, vì bản thân nó là xã hội hóa dịch vụ tín dụng. Việc cho phép thí điểm P2P sẽ mở ra kênh tiếp cận vốn mới cho hàng triệu người dân. Đương nhiên, bất kỳ mô hình nào cũng có rủi ro, với P2P, rủi ro lớn nhất là rủi ro cho các nhà đầu tư - những người cho vay.

Chính vì vậy, Nhà nước cần sớm ban hành khung pháp lý thử nghiệm để sàng lọc thị trường, loại bỏ các công ty P2P trá hình. Các công ty P2P cũng phải tăng năng lực thẩm định khách hàng, đánh giá tín nhiệm người vay trước khi chuyển cơ hội đó cho nhà đầu tư. Những doanh nghiệp P2P thẩm định tốt sẽ kiểm soát được rủi ro cho nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech

Hà Tâm