|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp nội vẫn chi phối thị phần bán lẻ hiện đại

20:30 | 07/11/2018
Chia sẻ
Dù các nhà bán lẻ nước ngoài đã và đang tăng nhanh sự hiện diện cũng như mở rộng chuỗi bán của mình ở thị trường trong nước, nhưng hiện nay các nhà bán lẻ trong nước vẫn đang nắm giữ thị phần áp đảo về kênh bán hàng này, nhất là đối với mặt hàng tiêu dùng nhanh.
doanh nghiep noi van chi phoi thi phan ban le hien dai
Các chuyên gia, công ty tư vấn, nhà bán lẻ thảo luận tại hội thảo - Ảnh: Hùng Lê

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Kantar Worldpanel Việt Nam, một công ty nghiên cứu thị trường đã thông tin như trên tại Hội thảo xu hướng bán lẻ thị trường Việt Nam 2018 - 2020 do Saigon Co.op tổ chức tại TPHCM vào ngày 7-11. Thông tin này được xem như trái ngược với tình hình gia nhập thị trường mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài cũng như việc tăng cường thâu tóm các hệ thống bán lẻ trong nước của các nhà bán lẻ nước ngoài trong thời gian qua.

Doanh nghiệp VN nắm thị phần lớn

Theo ông Hoàng, trong thời gian qua có rất nhiều đại gia bán lẻ nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam qua các mô hình kinh doanh khác nhau và họ đang nỗ lực phát triển hệ thống chuỗi. Tuy nhiên, họ vẫn tập trung phát triển hệ thống và phục vụ khách hàng chủ yếu ở khu vực thành thị chính.

Cụ thể theo ông Hoàng, chỉ xét riêng nhóm hàng hóa tiêu dùng nhanh (FMCG) cho thấy thị phần cả nước ở chuỗi bán hàng của các nhà bán lẻ nội địa đến quí 3 rồi chiếm đến 73%, trong khi chuỗi bán hàng ngoại chỉ chiếm khoảng 27%. Nếu xét ở bốn thị trường thành thị chính mà các nhà bán lẻ ngoại chọn mở kinh doanh nhiều gồm TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ, thì thị phần của nhà bán lẻ ngoại cho nhóm hàng FMCG cũng chỉ tăng lên khoảng 32%, trong khi chuỗi bán hàng nội địa vẫn đạt đến 68% thị phần.

Theo đại diện của công ty nghiên cứu thị trường này, chuỗi bán lẻ hiện đại của các nhà đầu tư nước ngoài hiện ước chỉ chiếm khoảng 16%, trong khi các nhà bán lẻ hiện đại trong nước chiếm đến 84%. Như vậy, kênh bán hàng của doanh nghiệp trong nước vẫn chiếm đến khoảng 3/4 thị phần bán lẻ hiện đại.

Mặc dù vậy, đại diện Kantar Worldpanel Việt Nam cũng như các chuyên gia ngành bán lẻ cho rằng sức cạnh tranh của ngành bán lẻ trong nước vẫn cho thấy đang trong tình trạng quyết liệt bởi lẽ Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường khá tiềm năng để các nhà bán lẻ nước ngoài tăng tốc đầu tư và đến khai thác kinh doanh.

Theo các chuyên gia của ngành, thị trường bán lẻ tại Việt Nam đang hưởng lợi từ những thuận lợi về kinh tế vĩ mô như tốc độ kinh tế tăng trưởng ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng, mức sống đang cải thiện, dân số tăng trưởng đều trong đó dân số trẻ cao... Ngành bán lẻ hiện đại đang tăng dần sức ảnh hưởng và thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển.

Tính 5 năm gần đây, các nhà bán lẻ nội, đáng chú ý là Saigon Co.op vẫn duy trì tốc độ phát triển đối với ngành hàng tiêu dùng nhanh. Riêng ở mô hình siêu thị và siêu thị mini, bán lẻ nội vẫn chiếm ưu thế nhưng đại siêu thị và cửa hàng tiện lợi thì vẫn phải chịu áp lực cạnh tranh lớn.

Tăng nhanh cửa hàng 24 giờ và siêu thị mini

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng kênh bán hàng hiện đại vẫn tăng trưởng ở hầu hết mô hình kinh doanh, nhưng mô hình cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ (mini-mart) vẫn cho thấy đang tăng nhanh và tiếp tục phát triển điểm bán rộng khắp đối với cả chuỗi bán hàng trong và ngoài nước.

Theo các công ty nghiên cứu thị trường, mô hình cửa hàng 24 giờ và siêu thị nhỏ (mini-mart) hiện là phân khúc phát triển nhanh nhất của thị trường bán lẻ Việt Nam. Đại diện của Kantar Worldpanel cũng cho thấy doanh thu của mô hình cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini ở khu vực thành thị tăng cao và đang là lực tăng trưởng chính.

Ngày 7-11, Savills Việt Nam đã đưa ra báo cáo về Tiêu điểm thị trường bán lẻ cuối năm 2018, cũng cho thấy ngành bán lẻ hiện đại đang tăng dần sức ảnh hưởng và thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển. Đàng chú ý, theo khảo sát người tiêu dùng của Savills tại TPHCM năm 2017, tỷ lệ người tiêu dùng thích đến các cửa hàng tiện lợi là 17%, cao hơn rất nhiều mức 4% vào năm 2015.

Theo Savills Việt Nam, tại TPHCM, các siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi đang xuất hiện ồ ạt với hơn 1.000 điểm bán như Family Mart, B’s Mart, Circle K, Ministop, Shop&Go, Vinmart… đang dần thay thế cho loại hình tạp hóa truyền thống.

Sự đổ bộ của 7-Eleven và GS 25 vào thị trường Việt Nam gần đây theo Savills Việt Nam cũng hứa hẹn tạo nên sự sôi động cho sân chơi này. Tuy nhiên, thách thức dành cho những “người mới” này cũng đến từ sự thông thuộc thị trường của các đối thủ từ nội đến ngoại, vốn đã có nhiều kinh nghiệm và bài học đáng kể trong thời gian dài.

Theo kế hoạch mở rộng kinh doanh các thương hiệu như Family Mart (Nhật Bản), 7-Eleven (Nhật Bản), Vinmart+, Cheer,... dự kiến sẽ có hàng trăm đến cả ngàn cửa hàng kinh doanh trong những năm tới.

Savills Việt Nam cho rằng, việc tham gia của nhiều thương hiệu cũng tạo môi trường cạnh tranh khốc liệt cho mô hình này do sự tập trung ngày càng dày của các cửa hàng trong một khu vực, loại hình sản phẩm giới hạn, chi phí đầu tư thuê mặt bằng cao. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, mật độ bán lẻ của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp và là cơ hội cho các nhà bán lẻ lớn nắm bắt tốt hành vi tiêu dùng tại đây cũng như xác định thị trường mục tiêu rõ ràng.

Saigon Co.op ngắm đạt 2.000 điểm bán đến năm 2020

Tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Đức, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết hiện nay Saigon Co.op có 600 điểm bán lẻ các loại, trong đó có 100 siêu thị Co.opMart, với ước tính có hơn 1 triệu khách hàng đến tham quan mua sắm mỗi ngày. Bên cạnh những mô hình hiện tại, Saigon Co.op sẽ tiếp tục phát triển những mô hình bán lẻ mới để có thể đại 2.000 điểm giao dịch với 2 triệu khách hàng trong năm 2020.

Hùng Lê