|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp nhà nước đóng góp hơn 29% GDP

11:38 | 24/03/2022
Chia sẻ
Mặc dù doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế (khoảng 0,08% số doanh nghiệp hoạt động tại thời điểm 31/12/2020) nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế.

Ngày 24/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội".

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, các DNNN của Việt Nam đang chiếm thị phần rất lớn trong một số lĩnh vực như năng lượng, viễn thông, ngân hàng… đóng góp hơn 29% GDP của đất nước.

Tính đến đầu năm 2021, Việt Nam còn khoảng gần 500 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.

Hiện nay, nếu loại trừ các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông lâm nghiệp thì chỉ còn 94 DNNN quy mô lớn gồm: 9 tập đoàn kinh tế; 67 tổng công ty nhà nước, 18 công ty hoạt động theo mô hình nhóm công ty mẹ - công ty con.

Doanh nghiệp nhà nước đóng góp hơn 29% GDP của đất nước - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc với DNNN về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội". (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Chỉ riêng các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang nắm giữ, mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế (khoảng 0,08% số doanh nghiệp hoạt động tại thời điểm 31/12/2020) nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế.

Cụ thể doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chiếm khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố  định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh.

Quy mô tài sản bình quân của một DNNN là 6.095 tỷ đồng, cao gấp 18 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 139 lần doanh nghiệp dân doanh. 

Nhiều DNNN đã xây dựng được các thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có uy tín, có  ảnh hưởng lớn trong khu vực và quốc tế về nhiều lĩnh vực như dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, cảng biển và logistic…

Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân cả giai đoạn 2016 - 2020 là 10,46%; tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản bình quân cả giai đoạn 2016 - 2020 là 4,87%, cao hơn khối doanh nghiệp ngoài nhà nước (1,26%).

Mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (0,08%) nhưng DNNN đóng góp 28% tổng số thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước.

Đáng chú ý, số thuế và các khoản phải nộp bình quân của DNNN là 576 tỷ đồng, gấp 43 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 14 lần doanh nghiệp dân doanh.

Bên cạnh đó, DNNN đóng vai trò chi phối trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như: Dầu khí, điện lực, tài chính, ngân hàng, viễn thông, hạ tầng giao thông và sản xuất, cung ứng một số nguyên vật liệu đầu vào cơ bản cho nền nền kinh tế.

Xét về hiệu quả sử dụng lao động, các DNNN thu hút khoảng 0,7 triệu lao động, chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Mức thu nhập bình quân tháng của một lao động tại các DNNN trong năm 2020 đạt khoảng 20 triệu đồng.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh DNNN giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, khu vực DNNN vẫn chưa thể hiện tốt vị thế của mình, chưa phát huy được lợi thế về nắm giữ nguồn lực trong thực hiện sứ mệnh của mình.

Để thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát triển bền vững, phát huy được thế mạnh, Thủ tướng chỉ rõ, "rất cần nhận diện những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách đối với khu vực doanh nghiệp này, những vướng mắc, hạn chế trong chính doanh nghiệp để từ đó đưa ra các định hướng, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới".

Phương Trang