|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp nhà nước: Cứ lỗ lại 'đòi' ưu đãi

08:17 | 08/10/2016
Chia sẻ
Thời gian qua, nhiều DNNN làm ăn thua lỗ, thậm chí có DN thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng, đã vội đề xuất Chính phủ tiếp tục ưu đãi, hỗ trợ. Trước hiện tượng lỗ lại “đòi” ưu đãi, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc Nhà nước cần phải bỏ tư duy bao bọc cho DNNN.

Thua lỗ đến mức báo động

Từ khi đi vào hoạt động (2012) đến hết tháng 6-2016, dù đã được Chính phủ và các bộ, ngành có một số cơ chế, chính sách hỗ trợ nhưng Dự án nhà máy Đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 667 triệu USD đã mang trên mình khoản lỗ lũy kế gần 2.700 tỷ đồng...

Gần đây, DN này đã kiến nghị Chính phủ thực hiện các ưu đãi để tháo gỡ khó khăn như: Cho phép DN được giãn thời gian trả nợ tối thiểu là 5 năm cho Eximbank Trung Quốc đối với các khoản vay dài hạn (250 triệu USD) đầu tư cho dự án, giảm lỗ đồng thời cho phép áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm Ure nhằm giúp hạn chế hàng NK giá rẻ, chuyển nợ vay vốn đầu tư dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình của Ngân hàng Phát triển Việt Nam thành vốn góp Nhà nước tại Tập đoàn để giảm hệ số lãi vay…

Những trường hợp làm ăn thua lỗ sau đó lại xin ưu đãi, hỗ trợ như trường hợp của Đạm Ninh Bình không phải là hiếm, khi trước đó một loạt DNNN lớn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh cũng đã có văn bản kiến nghị lên các cấp để xin cơ chế ưu đãi như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO), mới đây nhất là trường hợp của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2)…

Trong đó, những đề xuất ưu đãi của TISCO cho Dự án nhà máy Gang thép Thái Nguyên khiến dư luận “dậy sóng” bởi sau khi phải “đắp chiếu” nhiều năm, vốn đầu tư từ 3.843 tỷ đồng “đội” lên 8.014 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với ban đầu, mới đây dự án này tiếp tục xin rót thêm vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, đồng thời kiến nghị ưu đãi về miễn tiền trả lãi vay, miễn thuế NK đối với vật tư thiết bị, thuế nhà thầu, khoanh nợ gốc… Báo cáo của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) mới đây cũng cho thấy, năm 2013 DN lỗ hơn 268 tỷ đồng, năm 2014 số lỗ lên tới gần 890 tỷ đồng.

doanh nghiep nha nuoc cu lo lai doi uu dai
Theo kết quả Kiểm toán Nhà nước năm 2014, 11/31 Công ty do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư thua lỗ 6.342 tỷ đồng

Tại dự thảo Đề án Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, Bộ KH-ĐT nhận định khu vực DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty chưa đạt được kết quả kinh doanh khả quan, thậm chí lỗ đến mức báo động, không ít DNNN thua lỗ kéo dài. Chẳng hạn, theo kết quả Kiểm toán Nhà nước năm 2014, 5/50 Công ty do Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư thua lỗ 3.702 tỷ đồng, 11/31 Công ty do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư thua lỗ 6.342 tỷ đồng… Không ít DN kinh doanh tới mức âm vốn chủ sở hữu như 3/10 Công ty thuộc Cienco 5 (âm 53,7 tỷ đồng)…

Theo Bộ KH-ĐT, hiện DNNN chiếm 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn Nhà nước, 60% tín dụng, 79% tổng nợ khó đòi của các ngân hàng thương mại và 70% vốn ODA, thế nhưng chỉ đóng góp khoảng 30% tăng trưởng kinh tế. Mặc dù DNNN bao gồm các tập đoàn, tổng công ty đang nắm giữ những vị trí then chốt trong nền kinh tế như: Ngân hàng, năng lượng, cơ khí, hóa chất..., song hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH-ĐT, việc DNNN làm ăn thua lỗ tiếp tục xin ưu đãi là vấn đề tồn đọng nhiều năm nay và đang trở nên phức tạp và gay gắt hơn. Sở dĩ như vậy là do bản thân các DN khó khăn hơn và Nhà nước cũng đang khó khăn không kém. Hiện nay, DN gặp khó khăn có nhiều loại hình, có DN đang “đắp chiếu”, bết bát, ngừng hoạt động đang phải xử lý, cũng có DN đang trong tình trạng “lình xình” và cũng có những dự án, DN nguy cơ làm ăn thua lỗ đang rình rập, nếu không sớm xử lý thì sẽ rất khó khăn… Hiện nay Chính phủ, Bộ KH-ĐT đang phải rà soát từng dự án, mỗi dự án đều có mức đầu tư lớn, lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Bán càng nhanh càng tốt?

Một cách thẳng thắn, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) dẫn trường hợp Nhà nước đã ưu đãi để cứu Vinashin, Vinalines nhưng đến nay “những DN này cũng chỉ còn là cái xác, đội tàu của Vinashin hay Vinalines giờ như đống sắt vụn, bán không ai mua, thậm chí còn mất tiền để dọn đi”. Do đó, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng Nhà nước không nên bao bọc các DNNN, “không nên tiếp tục ưu đãi bằng các biện pháp về tín dụng, bảo lãnh tín dụng, khoanh nợ, giãn nợ để cứu những DNNN như thế này nữa, mà tốt hơn hết là nên bán đi” và “bán càng nhanh càng tốt, bán một cách công khai để nhanh chóng cứu vớt được DN đó, hoặc còn thu được tiền về cho Nhà nước, giữ được công việc cho người lao động”. Theo ông Hải, cần thúc giục để làm, nếu không sẽ kéo theo nhiều hậu quả, bởi chậm trễ thì DN có thể phá sản, người lao động mất việc, Nhà nước mất vốn, thậm chí còn âm vốn, các ngân hàng sẽ mất vốn theo.

Trao đổi về vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, Nhà nước cần hết sức thận trọng trong cứu vớt những DNNN có sai lầm trong đầu tư, có nguy cơ phá sản và không nên cố gắng giúp đỡ, cứu giúp DN thua lỗ bằng bất cứ giá nào. Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên tắc trong kinh tế thị trường là trừ những DN có ý nghĩa chiến lược đối với cơ cấu đầu tư, kết cấu hạ tầng, an ninh quốc phòng, còn DN kinh doanh theo cơ chế thị trường thì không có lý do nào để Nhà nước bỏ tiền ra cứu giúp. “Cứu hay không cứu những DNNN này phải được công khai minh bạch, phải đấu thầu xem có ai muốn cứu những DNNN này không. Nếu không ai cứu thì Nhà nước cần xem xét có vì mục tiêu chiến lược, an ninh quốc phòng để cứu hay không, nếu không thì để thị trường tự quyết định. Theo tôi đây là điều thiết thực, hiệu quả trong điều kiện ngân sách đang khó khăn”.

Theo chuyên gia Lưu Bích Hồ, không nên tiếp tục ưu đãi, bù lỗ, trợ giúp cho các DN này nếu tình hình không đến mức tận cùng, và nếu DN đó thuộc vào loại DN cần phải cứu thì mới buộc lòng phải tính, đồng thời nhấn mạnh không cứu tất cả. Tinh thần chung là phải kiên quyết không ưu đãi, bù lỗ ngoài quy định, nhưng ưu đãi trong quy định cũng phải tính toán, vì thời điểm này Nhà nước đang khó khăn về ngân sách, tăng trưởng kinh tế, đầu tư công hiện nay đã bố trí xong kế hoạch trung hạn, nếu xin hỗ trợ thêm lấy tiền đâu để bù vào.

Bên cạnh đó, hội nhập quốc tế cũng không cho phép chúng ta cứ mãi ưu đãi DNNN, mà phải thực hiện cam kết minh bạch, cạnh tranh công bằng. Tin rằng Chính phủ sẽ không làm những việc vượt quá khả năng để cứ ưu đãi mãi, chuyên gia này cũng lưu ý: “Có hai con đường để đi, một là để lình xình và DN càng ngày càng lún sâu vào thua lỗ, rồi cũng đến lúc phá sản, vì không có gì để bù. Hai là kiên quyết xử lý để chấm dứt sớm, nếu phá sản được thì cho DN phá sản, phá sản sáng tạo để tạo ra cái mới tốt hơn”.

Ví von một cách hình ảnh, TS.Lê Đăng Doanh cho rằng, “phá sản là sự tàn phá sáng tạo, khi nhà xưởng, máy móc, người lao động vẫn còn, chỉ có chủ đầu tư cũ kém cỏi bị thay bởi chủ đầu tư mới và sẽ có một con phượng hoàng bay lên từ đống tro tàn”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu:

“Việc Nhà nước hỗ trợ cho DNNN là đúng theo nguyên tắc cổ đông có thể hỗ trợ cho các DN của họ, nhưng trong trường hợp này, tiền hỗ trợ cho các DN là tiền thuế của dân, do đó phải làm sao đồng tiền đó được sử dụng hiệu quả. Nếu tiếp tục đổ tiền vào các DNNN này mà không hiệu quả là lãng phí tiền thuế của dân. Đây là điều quan trọng nhất.

Do đó, Chính phủ phải thẩm định lại những hỗ trợ trước đây có hiệu quả hay không và theo đó có nên tiếp tục hỗ trợ hay không. Hiệu quả kinh doanh là vấn đề tối quan trọng, nếu DN nào tiếp tục lỗ, không cải thiện tình hình thì những DN đó phải được thoái vốn, tư nhân hóa. Điều này đúng với cả DN đang làm ăn hiệu quả”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong:

“Mỗi một DN có lý do thua lỗ khác nhau, nhưng cơ bản có hai lý do chính: Trước hết là chưa có sự rõ ràng giữa nhiệm vụ kinh tế và nhiệm vụ chính trị. Các hoạt động đầu tư không hoàn toàn vì mục tiêu lợi nhuận, do đó động lực để làm lợi không rõ. Hai là, cơ chế quản lý, các đánh giá để tạo sức ép cũng không thật rõ ràng, chưa kể trên thế giới các DNNN nói chung cũng không có lãi. Tất nhiên, khi đã bị thua lỗ, các DN sẽ xin cơ chế mềm để không bị xóa bỏ, đây cũng là điều dễ hiểu.

Vì thế, có tiếp tục ưu đãi hay không cũng rất khó để kết luận. Cần phải xem xét từng dự án một, xem từ đầu dự án ấy có mục tiêu gì, cơ sở pháp lý đã đủ chưa, phải xem cơ chế xin thêm có gì vi phạm không, từ đó mới tính toán được. Bên cạnh đó, phải tuân thủ theo chủ trương mới của Đảng và Nhà nước là Nhà nước sẽ rút dần ra khỏi lĩnh vực không cần thiết đầu tư kinh doanh, chuyển sang những lĩnh vực tư nhân không muốn làm và Nhà nước cần độc quyền. Với tinh thần đó, những DN, dự án nào không cần nữa thì loại bỏ, hoặc thoái vốn, còn những DN vì nhiệm vụ chính trị thì dù có lỗ cũng phải làm”.

Hoài Anh

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.