Doanh nghiệp ngoại tiếp tục dẫn đầu xuất khẩu hồ tiêu
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu được gần 62 triệu tấn tiêu, trị giá 180 triệu USD, giảm 23,4% về lượng và giảm 2,2% về kim ngạch.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu trong tháng 3 ước đạt 2.867 USD/tấn, giảm 1,1% so với tháng 2/2021, nhưng tăng mạnh 38,6% so với tháng 3/2020.
Tính chung quý I/2021, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu đạt 2.879 USD/ tấn, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Olam vươn lên trở thành doanh nghiệp xuất khẩu đứng đầu trong 3 tháng đầu năm đạt gần 4.900 tấn, tuy nhiên so với cùng kỳ giảm 6%. Tiếp theo là Nedspice đạt 4.731 tấn, tăng 19% và Trân Châu giảm tới 54% xuống hơn 4.000 tấn.
Năm 2020, Trân Châu là doanh nghiệp Việt đứng đầu bảng xếp hạng nhiều tháng liên tiếp. Tuy nhiên, bước sang năm 2021, doanh nghiệp này liên tục tụt hạng, nhường chỗ cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Ở chiều ngược lại, theo thông kê của VPA, trong quý I, Việt Nam nhập khẩu hơn 8.100 tấn tiêu, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái trong đó Olam nhập khẩu nhiều nhất với tỉ trọng gần 39%. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu tiêu từ Indonesia với tỉ trọng tới trên 99%.
Ở thị trường trong nước giá hồ tiêu nguyên liệu trong nước trong tháng 3 vẫn biến động tăng mạnh.
Giá tiêu tại Bà Rịa Vũng Tàu tăng 17.500 đồng/kg lên mức 73.000 đồng/kg. Tính đến ngày 25/3, giá tiêu tại các tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông, Gia Lai, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước đều tăng 1.000 đồng so với ngày trước đó, giao dịch thu mua ở ngưỡng lần lượt là 72.000 đồng/kg, 71.000 đồng/kg, 70.000 đồng/kg, 74.000 đồng/kg và 73.000 đồng/kg.
Nhìn chung, trong cả quý I/2021, giá tiêu trong nước biến động tăng với mức tăng từ 16.000 – 18.500 đồng/kg. Giá hạt tiêu tăng do nguồn cung giảm trong khi nhu cầu có khởi sắc.