|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp ngành dược: Bước đầu chuyển dịch thuốc ngoại sang nội còn chậm

11:01 | 18/02/2019
Chia sẻ
Sự tăng trưởng chậm của nhiều công ty dược niêm yết trong năm 2018 cho thấy quá trình chuyển dịch từ thuốc ngoại sang thuốc nội có thể sẽ mất nhiều năm.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư sáng 18/2 của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), chuyên gia phân tích cho biết, cổ phiếu ngành dược luôn được xem là nhóm ngành phòng thủ với tốc độ tăng trưởng chỉ khoảng 10%/năm và ít bị tác động bởi nền kinh tế.

Trong những năm tới, VDSC cho rằng xu hướng tăng chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe, và chuyển dịch từ thuốc ngoại sang thuốc nội tại các cơ sở y tế là tất yếu. Tuy nhiên, tăng trưởng chậm của nhiều công ty dược niêm yết trong năm 2018 cho thấy quá trình chuyển dịch này có thể sẽ mất nhiều năm.

Đồng thời VDSC cũng nhận định 2019 là một năm khó khăn đối với thị trường chứng khoán và chuyển sang các nhóm ngành phòng thủ. Tuy nhiên, cần lưu ý với ngành dược, người chiến thắng cần phải có cơ sở sản xuất chất lượng, một đối tác chiến lược hữu ích, và có giải pháp cho đầu ra.

co phieu nganh duoc buoc dau chuyen dich thuoc ngoai sang noi nhung con cham
Buổi gặp gỡ nhà đầu tư sáng 18/2 của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC).

Cơ hội nào cho ngành dược trong 2019?

Nói về cơ hội đầu tư ngành dược trong 2019, VDSC cho biết, theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), mặc dù Việt Nam vẫn còn trong cơ cấu dân số vàng, nhưng đã bước vào giai đoạn "già hóa" từ năm 2017.

Báo cáo từ Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo quá trình già hóa tại Việt Nam sẽ diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn: chỉ khoảng 15 năm và hoàn tất trước 2040. Dân số già đi đồng nghĩa chi tiêu chăm sóc sức khỏe sẽ nhiều hơn.

co phieu nganh duoc buoc dau chuyen dich thuoc ngoai sang noi nhung con cham

Bên cạnh đó, VDSC cho rằng chi tiêu chăm sóc sức khỏe phần lớn sẽ đổ vào kênh bệnh viện. Theo Công ty khảo sát thị trường quốc tế Business Monitor International (BMI), doanh số của thị trường dược phẩm Việt Nam là 5,3 tỉ USD trong đó doanh số trong kênh bệnh viện chiếm 70%.

Thêm vào đó, theo VDSC, Chính phủ sẽ phải tăng chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe trong những năm tới. Đó là điều đã diễn ra ở Trung Quốc, và khả năng cao sẽ lặp lại ở Việt Nam. Đồng nghĩa các công ty tập trung bán hàng vào kênh bệnh viện sẽ hưởng lợi nhiều hơn.

Tuy nhiên, ngành này phụ thuộc rất nhiều vào chính sách, đây là rủi ro lớn nhất. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực sẽ làm giảm thuế nhập khẩu đối với thuốc ngoại nhập.

Ngoài ra, hiện nay, 90% nguyên liệu đầu vào phải nhập từ nước khác, chủ yếu là Trung Quốc. VDSC dự báo giá nguyên liệu thuốc nhiều khả năng vẫn duy trì ở mức cao do tác động từ các chính sách bảo vệ môi trường từ Trung Quốc.

Thuốc nội thay thế thuốc ngoại đã chuyển dịch nhưng còn chậm

Dựa trên kết quả đấu thầu vào các cơ sở y tế từ 2017 đến tháng 6/2018, VDSC nhận thấy quá trình chuyển dịch đã bước đầu diễn ra.

Các công ty dược trong nước như Pymepharco (Mã: PME) hay Imexpharm (Mã: IMP) đã có những sản phẩm trúng thầu nhóm 1 và 2, trước đây vốn là sân chơi riêng của thuốc ngoại nhập.

co phieu nganh duoc buoc dau chuyen dich thuoc ngoai sang noi nhung con cham

Tuy nhiên, số lượng trúng thầu ở các nhóm này chưa đạt được kỳ vọng. Một trong những lý do là dự thảo mới về quy trình đấu thầu thuốc vẫn chưa được phê duyệt, dù đã hơn một năm trôi qua.

Sự chậm trễ này cho thấy xung đột lợi ích giữa thuốc nội-ngoại vẫn còn cao, và điều này khả năng sẽ tiếp tục làm chậm quá trình chuyển dịch. Lợi thế dành cho các công ty có cơ sở sản xuất hiện đại sở hữu một nhà máy có tiêu chuẩn EU-GMP hoặc PIC/S Japan là điều kiện tiên quyết để tham gia vào đấu thầu ở nhóm 1, nhóm 2 và đầu thầu tập trung quốc gia. Hiện tại, chỉ một số ít các công ty có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn này: PME, IMP, MKP, Tenamyd và Savipharm.

Xem thêm

Nguyễn Đức