|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp logistics ở TP HCM phát triển chủ yếu là tự phát

21:50 | 23/09/2019
Chia sẻ
Tại TP HCM, các doanh nghiệp logistics phát triển chủ yếu là tự phát, chưa thấy vai trò rõ ràng của Nhà nước trong việc quản lý, hỗ trợ cho các DNNVV.

Theo nhiều chuyên gia, ngành logistics của TP HCM đang phát triển mạnh mẽ nhưng hạ tầng không thể đáp ứng dẫn đến trở thành điểm nghẽn. Các hệ thống cảng cạn (ICD) đã khai thác vượt thiết kế và 5/6 ICD tại TP đã có quyết định di dời, hệ thống cảng hoạt động đơn lẻ, ít liên kết với nhau, khả năng kết nối nội địa yếu…

Hoạt động logistics chủ yếu sử dụng đường bộ (như cảng Trường Thọ có đến 60% hàng vào là bằng đường bộ) dẫn đến tắc nghẽn giao thông, từ đó làm chi phí tăng cao.

Trong cơ sở hạ tầng, vấn đề kho bãi cũng được đặt ra. Theo nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp đừng nên trông chờ vào việc TP phát triển các hệ thống kho bãi phục vụ phát triển logistics ở khu vực trung tâm. Bởi, xu hướng hiện nay là sẽ chuyển hết ra ngoại thành, thậm chí là các tỉnh lân cận như: Bình Dương, Đồng Nai...

Doanh nghiệp logistics ở TP HCM phát triển chủ yếu là tự phát - Ảnh 1.

Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với ngành logicstics là nhân lực. (Ảnh minh họa: KT)

Ông Phan Quốc Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Seabornes và đối tác cho biết: “Tại Thủ Đức, phần lớn người dân nhắm tới đất bất động sản. Trung tâm B2B (hình thức kinh doanh giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp) có thể trung chuyển từ cảng Cát Lái, Hiệp Phước bằng đường sông về sân bay Biên Hòa rồi kéo vào hoặc Cái Mép đi Quốc lộ 51 về trung tâm trung chuyển đó thì phục vụ cho các khu công nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương và phân phối lại cho TP HCM”.

Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với ngành logicstic là nhân lực. Hiện cả nước có khoảng 4.000 doanh nghiệp, trong đó 54% nằm tại TP HCM. Từ nay đến 2030, TP cần 100.000 nhân lực, tính ra mỗi năm cần 10.000. Tuy nhiên, qua đánh giá, các trường Đại học, cao đẳng tại TP chỉ đào tạo ra 2.500 nhân lực logistics mỗi năm.

PGS. TS. Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam nêu rõ: “Qua đánh giá về nhu cầu đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp tại TPHCM, năm tuyển sinh 2019 là 2.500 trong khi nhu cầu thực tế là 10.000 nhân lực mới. Qua đó có thể cho thấy sự thiếu hụt trầm trọng về nhân lực logistics”.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Tập đoàn Gemadept, thay vì phát triển logicstic theo bề rộng thì thành phố nên phát triển mang tính chuyên sâu bằng việc chú trọng vấn đề đào tạo nhân lực, chính sách, nghiên cứu... thay vì nghĩ cách kiếm đâu ra vài chục ha đất để mở rộng hoạt động logistics.

“TP HCM nên dùng quỹ đất ít ỏi của mình để xây dựng các trung tâm nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực cho logistics thì mới bền vững, không chỉ cung cấp cho TP HCM mà còn khu vực phía Nam. Khi đó, nhắc đến TP HCM trong đóng góp logistics là đóng góp về chất xám, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao,” ông Bình nêu ý kiến.

Đối với thực trạng ngành logicstic của thành phố hiện nay, ông Lê Kim Cương, Phó Giám đốc Tân Cảng Logistic (SNP Logistic) cho rằng, cần phải xem xét chuyển đổi công năng biến Khu công nghiệp Cát Lái thành trung tâm logistics của thành phố.

“Tìm ra những quỹ đất mới để để phát triển trung tâm logistics thì rất khó nhưng tôi nghĩ một loạt cơ sở có thể xem xét lại. Ví dụ phía sau cảng Cát Lái không có hậu cần logistics nhưng khu công nghiệp Cát Lái thì xem xét chuyển đổi công năng. TP tạo ra quỹ đất ở khu vực Hiệp Phước di dời các doanh nghiệp hoạt động ở đây và chuyển đổi công năng thành kinh doanh dịch vụ logistics”, ông Lê Kim Cương nói.

Còn ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam nêu quan điểm, ngành logistics phát triển sẽ đóng góp tích cực cho toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng vốn có. Gần đây, Nhà nước có ban hành nhiều quyết định tạo điều kiện cho sự phát triển của lĩnh vực này nhưng thực tế chính sách này ảnh hưởng đến doanh nghiệp chưa rõ ràng.

Tại TP HCM, các doanh nghiệp logistics phát triển chủ yếu là tự phát, chưa thấy vai trò rõ ràng của Nhà nước trong công tác quản lý, đặc biệt là hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo ông Hiệp, phần lớn doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn và đất đai để tạo cơ sở hạ tầng, thiết bị phục vụ ngành logistics. Điều đó dẫn đến việc cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài hết sức khó khăn.

Vì thế, ông Hiệp đề nghị cần phải thực sự quan tâm đến các doanh nghiệp bằng những hành động cụ thể: “Thứ nhất là hỗ trợ về mặt chính sách, thứ hai là giành quỹ đất để phát triển logistics, thứ ba là hoàn thành đề án phát triển logistics. 

Với TP HCM, hiện tập trung quá nhiều ở cảng Cát Lái mà chưa phân bố đều cho các cảng khác ở phía Nam như khu vực Hiệp Phước. Do đó, cần làm sao để phân bố việc khai thác cảng cho hài hòa hơn để chia sẻ với cảng Cát Lái”.

Theo đề án, TP HCM đang hoạch định chiến lược phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn không chỉ của TP mà còn của cả khu vực, góp phần giảm chi phí logistics của Việt Nam còn 16% trong tổng GDP cả nước vào năm 2025 (hiện nay chi phí logistics đang chiếm khoảng 20% tổng GDP của Việt Nam - theo số liệu của Ngân hàng thế giới).

Ngoài ra, sự phát triển ngành logistics TP HCM còn định hướng cho sự phát triển của cả nước. Vì thế, việc tất cả cùng chung tay để giải quyết bài toán gỡ khó cho logistics là việc rất cấp thiết hiện nay.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hà Khánh

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.