|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp kiến nghị giảm 2% VAT cho tất cả các loại hàng hóa và kéo dài đến hết năm 2025

11:28 | 24/05/2024
Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn, Chính phủ sẽ kéo dài chính sách giảm thuế 2% VAT đến hết năm 2025 từ đó giảm chi phí đầu giúp giảm giá thành, đồng thời thuế suất thấp hơn giúp sức tiêu thụ mạnh hơn.

Đánh giá đề xuất giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% trong 6 tháng cuối năm là hết sức cần thiết song nhiều doanh nghiệp, hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ nên xem xét kéo dài chính sách này đến hết năm 2025 và áp dụng với tất cả các mặt hàng để mang lại những tác động tích cực rõ rệt cho nền kinh tế Việt Nam.

Kiến nghị kéo dài đến hết năm 2025

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội khóa XV đánh giá kỳ họp thứ 7 đang diễn ra với nhiều nội dung quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Vì vậy, trên cơ sở thảo luận các báo cáo của Chính phủ, các đại biểu Quốc hội sẽ đưa ra được những kế sách để thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung và cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn nói riêng.

Đặc biệt, Chính phủ đã trình phương án tiếp tục giảm thuế VAT 2% vào những tháng cuối năm nay. Đây là chính sách quan trọng và hiệu quả cao không chỉ hỗ trợ người tiêu dùng qua giảm thuế mà còn giúp sản xuất kinh doanh sôi động.

“Những chính sách hỗ trợ về giảm thuế phí thì doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được ngay, còn những chính sách hỗ trợ về vốn nếu không thực chất thì mức độ ảnh hưởng lan tỏa ít”, ông Lộc nêu rõ.

Ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội khóa XV. (Nguồn: Ngọc Bảo).

Tuy vậy, ông Lộc cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP quý I dù cải thiện nhưng chưa có sự đột phá, chưa quay lại quỹ đạo cần thiết, chưa đủ để tạo ra những bước đột phá cho phát triển bền vững. Vì vậy, hy vọng việc giảm thuế VAT 2% không chỉ giảm trong 6 tháng cuối năm, mà ít nhất là trong 12 tháng tháng tới (giữa năm 2025) và có thể kéo dài đến hết năm 2025. 

“Tôi nghĩ là như vậy sẽ có một động lực hơn cho sự mở rộng thị trường và cũng đảm bảo cho các doanh nghiệp yên tâm kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình không chỉ trong năm nay mà năm tới nữa”, ông Lộc tin tưởng.

Về phía doanh nghiệp, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, tăng trưởng xuất khẩu vẫn chưa thực sự ổn định do thị trường còn nhiều bất định và rất nhạy cảm với các biến động kinh tế - chính trị, giá cả hàng hoá nói chung vẫn duy trì ở mức thấp, áp lực giá gia công duy trì thấp chưa đem lại hiệu quả cho nhà sản xuất.

"Tỷ lệ lạm phát ở nhiều nước trên thế giới vẫn đang cao, vì vậy người tiêu dùng vẫn có xu thế thắt chặt chi tiêu nên chưa thể tăng giá sản phẩm. Hiện, chúng tôi mới chỉ hồi phục về lượng, chưa có hồi phục về giá”, ông Việt nêu rõ.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10. (Nguồn: Ngọc Bảo). 

Để bù đắp vào chi phí đầu vào tăng trong khi đơn giá chưa có sự phục hồi, ngoài tăng cường kiểm soát chất lượng, loại bỏ chi phí lãng phí, May 10 cũng đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị hiện đại nhằm tăng năng suất, từ đó giảm thiểu chi phí nhân công.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng mong muốn, Chính phủ sẽ kéo dài chính sách giảm thuế 2% VAT đến hết năm 2025 từ đó giảm chi phí đầu giúp giảm giá thành, đồng thời thuế suất thấp hơn giúp sức tiêu thụ mạnh hơn.

"Thế giới vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, để bù đắp chúng tôi cũng đang đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong nước. Nếu chúng ta kéo dài chính sách này thì sẽ tăng tiêu dùng trong nước, giảm chi phí cho doanh nghiệp, từ đó giúp hỗ trợ phần nào tăng trưởng", ông Việt tin tưởng.

Không áp dụng với tất cả mặt hàng gây nhiều vướng mắc

Trước đó trả lời công văn của Bộ Tài chính xin ý kiến đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết sau khi tham vấn một số doanh nghiệp và chuyên gia cho biết chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% được thực hiện trong thời gian qua mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam.

 

Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, VCCI cho rằng việc tiếp tục chính sách giảm thuế VAT từ tháng 7 đến cuối năm 2024 là hết sức cần thiết. Theo ghi nhận của VCCI, các doanh nghiệp gặp khá nhiều vướng mắc khi áp dụng chính sách này, chủ yếu xuất phát từ việc phân loại hàng hóa nào phải chịu thuế 10%, hàng hóa nào được giảm thuế xuống 8%.

Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022 và Nghị định 44/2023 hướng dẫn, nhưng quá trình triển khai vẫn còn nhiều lúng túng. Hai Nghị định này được xây dựng dựa trên mã ngành kinh tế Việt Nam, trong khi văn bản này trước nay chủ yếu được sử dụng với mục đích thống kê chứ hiếm khi được coi là căn cứ để xác định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp.

Theo VCCI, việc cụ thể hóa các nhóm hàng hóa, dịch vụ rất khó khăn, đặc biệt là đối với những trường hợp không có pháp luật chuyên ngành. Đơn cử, nhóm hàng hóa viễn thông và công nghệ thông tin rất khó xác định do không có định nghĩa rõ ràng trong các văn bản pháp luật khác. Nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khác cũng gặp vướng mắc phân loại như sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản xuất hóa chất cũng rất chung chung và khó phân loại.

Một số trường hợp doanh nghiệp tra cứu Phụ lục của Nghị định 15 và 44 nhưng không dám khẳng định hàng hóa, dịch vụ của mình thuộc diện thuế suất 10% hay 8%.

Đơn cử, một số doanh nghiệp hỏi cơ quan thuế, cơ quan hải quan, Bộ Tài chính nhưng các cơ quan này cũng trả lời rất chung chung, như: “Đề nghị công ty căn cứ Quyết định số 43/2018 của Thủ tướng Chính phủ, đối chiếu mã sản phẩm của hàng hóa, dịch vụ mà công ty cung cấp với mã sản phẩm của hàng hóa, dịch vụ tại Phụ lục I, II, III ban hành kèm theo Nghị định số 44/2023 để thực hiện đúng theo quy định”.

VCCI cho rằng, khó khăn trong việc xác định thuế suất 8% hay 10% gây nhiều chi phí xã hội và làm tăng rủi ro của hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp phản ánh họ phải thuê thêm người làm kế toán để điều chỉnh hóa đơn và sổ sách cho đúng với mức thuế mới.

Không ít doanh nghiệp phản ánh tình trạng đàm phán mua bán hàng hóa, thỏa thuận xong hết với khách hàng về số lượng, chất lượng, giá cả nhưng không thống nhất về mức thuế 8% hay 10% nên không ký được hợp đồng. Đã có trường hợp doanh nghiệp thực hiện các gói thầu xây lắp phát sinh tranh chấp với đối tác khi quyết toán chỉ vì hai bên có quan điểm khác nhau về mức thuế suất.

“Cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án giảm thuế VAT cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ từ mức 10% xuống mức 8%”, VCCI đề nghị.

 

Ngọc Bảo