Chủ tịch Quốc hội: Bổ sung quy định cấm để tránh gian lận thuế VAT
Nội dung này được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu khi cho ý kiến tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi, chiều 23/4.
Theo Chủ tịch Quốc hội, thời gian qua phát sinh nhiều trường hợp gian lận hóa đơn chứng từ, khấu trừ, hoàn thuế VAT, thậm chí lừa đảo chiếm đoạt thuế này. Luật Quản lý thuế 2019 đã có quy định về hành vi bị cấm, nhưng thuế VAT có tính chất đặc thù. Vì thế, khi sửa luật này, Chủ tịch Quốc hội nói cần bổ sung các quy định tương tự.
Cụ thể, ông cho rằng dự thảo Luật thuế VAT sửa đổi có thể bổ sung các hành vi vi phạm chưa được cụ thể trong Luật Quản lý thuế, như gian lận hóa đơn chứng từ, khai khống hóa đơn VAT, lập cơ sở kinh doanh để bán hóa đơn VAT bất hợp pháp, chuyển giá.
Thực tế, qua rà soát, cơ quan thuế phát hiện nhiều trường hợp gian lận, chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT. Thủ đoạn, hành vi của các đối tượng gian lận chủ yếu xảy ra tại khâu trung gian mua bán hàng hóa, hoặc trường hợp sử dụng hóa đơn không hợp pháp.
Vài năm qua, nhiều đường dây mua bán hóa đơn VAT hàng nghìn tỷ đồng được các cơ quan công an điều tra, khởi tố. Gần nhất, hồi tháng 1, công an TP HCM cũng triệt phá đường dây mua bán trái phép hóa đơn VAT hơn 1.200 tỷ đồng.
"Tình trạng gian lận, trốn thuế VAT khá phổ biến", ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu quan điểm. Ông đề nghị xem lại nguyên nhân là do quy định hay do tổ chức thực thi.
Theo ông, Chính phủ cần có đánh giá để bổ sung điều cấm, chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp luật về thuế này nhằm đảm bảo tính khả thi trong thực thi luật.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng cho rằng cần bổ sung quy định chung về hành vi bị cấm, bởi Luật Quản lý thuế 2019 chưa "phủ" hết.
"Vừa rồi thực trạng mua bán hóa đơn lòng vòng, rồi vi phạm thời gian nộp thuế, khai khống hóa đơn, lừa đảo chiếm đoạt thuế. Nhiều hành vi xuất phát từ thuế VAT", ông Cường dẫn chứng.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết dự thảo luật có quy định đối tượng nộp thuế chịu trách nhiệm về hồ sơ, hóa đơn chứng từ. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ban soạn thảo sẽ nghiên cứu thể hiện rõ, cụ thể hơn. "Giai đoạn vừa qua gian lận thuế VAT lớn nên cần quy định chặt và minh bạch để bảo vệ người nộp thuế, cán bộ thuế", ông Hồ Đức Phớc nói.
Cũng theo dự thảo luật, Chính phủ đưa mặt hàng phân bón vào diện đánh thuế VAT 5%, thay vì không chịu thuế như hiện nay.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đồng tình khi đưa phân bón vào diện chịu thuế. Theo ông, việc này sẽ khắc phục bất cập lâu nay là ảnh hưởng tới cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất phân bón khi không được khấu trừ hoàn thuế VAT đầu vào.
Tuy nhiên, ông Tùng băn khoăn khi mặt hàng phân bón từ diện miễn thuế thì nay được Chính phủ đề xuất đưa vào diện chịu thuế VAT 5%. Ông đề nghị làm rõ cơ sở đưa ra mức thuế suất 5% với mặt hàng này.
Ở khía cạnh trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình thấu đáo về mức thuế suất, nên áp 5% hay 0% với phân bón.
"Tính toán đưa vào diện chịu thuế là đúng rồi, rất phù hợp, nhưng nên để thuế suất là 5% hay 0% phân tích thấu đáo hơn để tăng tính thuyết phục khi sửa luật", ông lưu ý.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói mức thuế 5% được cơ quan soạn thảo đưa ra chủ yếu dựa trên phân tích tác động của biến động thị trường thế giới. Ông cho hay Chính phủ sẽ giải trình cặn kẽ hơn về mức thuế này.
Theo chương trình, dự thảo Luật thuế VAT sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 5, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 cuối năm nay.