Doanh nghiệp hàng không kêu cứu các bộ: Ngày bay quốc tế đến gần mà vẫn còn quá nhiều ẩn số
Theo chỉ đạo của Chính phủ, các hãng hàng không Việt Nam sẽ mở lại đường bay thương mại quốc tế định kỳ từ ngày 1/1/2022 tới đây, tức là chỉ còn một tuần nữa. Tuy vậy, các quy định và hướng dẫn của nhà chức trách vẫn còn hết sức mập mờ, đôi khi là hoàn toàn không có.
Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vẫn chưa phân bổ số lượng chuyến bay trên từng đường bay cho các hãng. Cho đến nay, Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways đều đã thông báo kế hoạch bay quốc tế trở lại từ ngày 1/1/2022 nhưng chưa hãng nào công bố lịch bay cụ thể và chưa thể chính thức mở bán vé do chưa có chỉ đạo của Bộ GTVT.
Trong công văn gửi tới Bộ GTVT, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) cho rằng việc phân bổ chuyến bay cần được triển khai gấp và tuân theo nguyên tắc và thông lệ quốc tế.
Từ đó, các hãng hàng không và đơn vị liên quan có thể kịp chuẩn bị nhân sự, sắp xếp lịch bay, tính toán giá vé. Hành khách cũng có thể chủ động lên kế hoạch đi lại, mua vé.
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia hàng không, PGS. TS Nguyễn Thiện Tống cũng cho rằng "Bộ Giao thông vận tải cần sớm phân bổ số lượng chuyến bay trên từng đường bay quốc tế cho các hãng hàng không Việt. Đến giờ này, Bộ vẫn chưa phân bổ chuyến bay cho các hãng là quá chậm".
Ông Tống kể lại bài học hồi tháng 10 năm nay khi nước ta mở lại hàng không nội địa, Bộ GTVT cũng chậm hướng dẫn, khiến cho các hãng thiệt hại nặng.
"Cận đến ngày bay, Bộ GTVT mới phân bổ số lượng chuyến bay khiến hãng hàng không và khách bay đều trở tay không kịp. Điều đó dẫn đến nhiều chuyến bay đã bị hủy vì hãng không kịp chuẩn bị, khách bay cũng bị động. Hậu quả là tỷ lệ lấp đầy ghế chỉ 30-50%, khiến các hãng hàng không vốn đang muôn phần khó khăn lại bị giáng thêm đòn đau", chuyên gia Nguyễn Thiện Tống nói.
Trong văn bản gửi tới Bộ Y tế, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) đề nghị Bộ này thông báo danh sách những loại vắc xin nào được đối tác bay chấp nhận và ban hành mẫu chứng nhận đã tiêm đủ hai mũi vắc xin cho công dân.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng cần ban hành mẫu và hướng dẫn thực hiện việc chứng nhận xét nghiệm âm tính trong 72 giờ trước khi bay cho hành khách.
Mới đây, Bộ Y tế yêu cầu người nhập cảnh phải cài ứng dụng (app) PC-Covid để quản lý, giám sát di biến động của người nhập cảnh. Tuy nhiên, Bộ Công an lại đang có kế hoạch áp dụng app Igo.vn. Vì vậy, VABA đề nghị Bộ Y tế có phương án thống nhất, đồng thời tính toán khả năng chịu tải của PC-Covid trong điều kiện cùng lúc nhiều người truy cập khai báo, tránh bị treo, lỗi.
Trong văn bản gửi tới Bộ Ngoại giao, VABA đề nghị Bộ này và các đại sứ quán chỉ đạo, hướng dẫn cách thức khai báo, chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính, chứng nhận vắc xin để giảm bớt khó khăn, vướng mắc cho kiều bào và hành khách.
VABA đề nghị cả ba bộ Y tế, Giao thông vận tải và Ngoại giao cho phép thực hiện thủ tục online, có thể khai báo, nhận chứng nhận, … trên cả app hoặc website, đồng thời kết nối và chia sẻ dữ liệu với hệ thống của các hãng hàng không Việt Nam.
Hiện nay số chuyến bay nội địa đã tăng và sẽ còn tiếp tục đi lên kể từ dịp cao điểm Tết dương lịch này. Cùng với đó, Việt Nam lại chuẩn bị bay thương mại quốc tế định kỳ từ 1/1/2022. Số chuyến bay tăng cao, hành khách tập trung ở các sân bay sẽ rất đông.
Vì vậy, các cơ quan chức năng cần kịp thời ban hành quy định và hướng dẫn để quá trình nối lại mạng bay thương mại quốc tế được thành công.
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong giai đoạn 19/11 đến 18/12, các hãng hàng không nước ta gồm Vietjet Air, Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vasco khai thác tổng cộng 8.358 chuyến bay, tăng 26% so với tháng liền trước.
Trong đó, số chuyến cất cánh đúng giờ là 8.054, tương ứng với tỷ lệ OTP 96,4%.