|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm đầu tư vào lĩnh vực phụ tùng ô tô tại Việt Nam

18:49 | 16/04/2021
Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc hiện mong muốn được kết nối và tìm hiểu thông tin thị trường chính sách để tển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực phụ tùng ô tô, cơ khí, điện tử..

Đây là cơ hội lớn để các khu công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất Việt Nam kết nối với doanh nghiệp Hàn Quốc nhằm thu hút đầu tư và hợp tác kinh doanh phát triển chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất. 

Trong đó, lĩnh vực phụ tùng ô tô đang được các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc rất quan tâm. 

Thông tin này được ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đưa ra tại tọa đàm "Đối thoại chính sách lĩnh vực phụ tùng ô tô" do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Cơ quan Xúc tiến Thương mại – Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) và Công ty cổ phần Quảng cáo & Hội chợ thương mại (Vinexad) tổ chức ngày 15/4 tại Hà Nội trong khuôn khổ Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 30 (Vietnam Expo).

Theo ông Vũ Bá Phú, lĩnh vực sản xuất phụ tùng ô tô hiện nay đang là một trong những lĩnh vực được quan tâm hàng đầu tại Việt Nam theo quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16 tháng 7 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Đặc biệt, trong tháng 10/2018, Công ty VinFast thuộc Tập đoàn Vingroup đã đưa hai xe mẫu Sedan Lux A 2.0 và SUV Lux SA 2.0 tham gia triển lãm quốc tế Paris Motor Show, một trong những sự kiện ô tô lớn nhất toàn cầu và nhận được sự đón nhận nhiệt tình của công chúng quốc tế, đánh dấu việc ghi tên Việt Nam trên bản đồ ngành công nghiệp ô tô trên thế giới.

Tại buổi toạ đàm Cục Công nghiệp và Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) đã cùng các địa phương, đơn vị tư vấn luật, đơn vị nghiên cứu thị trường ngành hàng, khu công nghiệp và nhất là gần 100 doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất ô tô, sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô trao đổi về các chính sách phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam và việc hình thành chuỗi liên kết giá trị sản xuất bền vững trong lĩnh vực phụ tùng ô tô.

Doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm đầu tư vào lĩnh vực phụ tùng ô tô tại Việt Nam - Ảnh 1.

Nguồn: Vietnam Insider.

Hiện tại, Việt Nam có 50 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lắp ráp ô tô tại Việt Nam, 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe và 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng xe ô tô.

Trao đổi xung quanh nội dung này, ông Phạm Tuấn Anh - Phó cục trưởng Cục Công nghiệp cho hay, một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia tích cực vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu.

Theo đó, tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 755 nghìn xe/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 35%, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 65%.

Có nhiều hãng lớn có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe trong nước với tổng sản lượng của thị trường xe du lịch khoảng trên 200 nghìn xe/năm.

"Các chủng loại xe tải, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, đạt mục tiêu đề ra đáp ứng về cơ bản thị trường nội địa (xe tải nhỏ đến 7 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa trung bình 50%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 45% đến 50% vượt chỉ tiêu so với quy hoạch)" ông Phạm Tuấn Anh chỉ rõ.

Phân tích rông hơn về ngành công nghiệp ô tô, ông Phạm Tuấn Anh chỉ ra, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô của Việt Nam vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện.

Cùng với đó, ngành sản xuất ô tô cũng chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn khiến giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực.

"Đáng chú ý, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi thấp hơn mục tiêu đề ra, đồng thời thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ thấp"- ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.

Để phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước để lĩnh vực sản xuất phụ tùng ô tô và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, theo các chuyên gia, thời gian tới, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp ô tô tại Việt Nam cần tiếp tục tập trung vào định hướng như phát triển lành mạnh thị trường ô tô thông qua việc tạo dựng thị trường đủ lớn cho các nhà sản xuất ô tô trong nước; trong đó khuyến khích sử dụng xe ô tô sản xuất trong nước.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng: Quan trọng hơn cả vẫn là duy trì và đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước thông qua việc tập trung hỗ trợ có mục tiêu, nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước với một số các sản phẩm ô tô chủ lực, có dung lượng thị trường tốt. 

Hơn nữa, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cần có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm của các nước khác trong khu vực và phát triển công nghiệp hỗ trợ ngày càng lớn mạnh và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.