|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Doanh nghiệp Hàn Quốc kêu cứu khi hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào qua TMĐT

13:56 | 12/08/2024
Chia sẻ
Nền kinh tế trong nước giảm tốc, hàng tồn kho lớn buộc các công ty Trung Quốc phải đẩy mạnh xuất khẩu hàng giá rẻ sang các thị trường khác qua thương mại điện tử.

Huấn luyện viên lặn người Hàn Quốc, Park Soo-hong, đã trở thành khách hàng thân thiết của AliExpress - nền tảng thương mại điện tử của Alibaba, kể từ khi ông bắt đầu tìm kiếm phụ tùng xe hơi giá rẻ cách đây 5 năm, theo Financial Times.

Người đàn ông 54 tuổi này thường xuyên so sánh giá trên AliExpress với Naver - sàn thương mại điện tử lớn nhất Hàn Quốc, và Amazon của Mỹ. Gần đây, ông mua một đồng hồ đo mức dầu trên AliExpress với giá 86.000 won (64 USD), trong khi sản phẩm tương tự được rao bán với giá khoảng 540.000 won trên các website bán lẻ trực tuyến trong nước.

"Hầu hết sản phẩm trên những nền tảng Trung Quốc này đều rẻ đến không ngờ", ông chia sẻ. "Giao hàng tuy chậm, nhưng tôi có thể chấp nhận được nếu giá rẻ hơn 70-80%."

Top các sàn thương mại điện tử hàng đầu tại Hàn Quốc. (Nguồn: FT).

Ngày càng nhiều người Hàn Quốc có ý thức về chi tiêu đang chuyển sang các sàn thương mại điện tử Trung Quốc như AliExpress và Temu, khi các ông lớn thương mại điện tử Trung Quốc đẩy mạnh mở rộng ra nước ngoài trong bối cảnh tiêu dùng nội địa suy yếu. Shein, thương hiệu thời trang nhanh có nguồn gốc từ Trung Quốc, cũng đang tạo được chỗ đứng tại Hàn Quốc. 

Việc các sàn thương mại điện tử Trung Quốc tăng tốc tại Hàn Quốc - thị trường thương mại điện tử lớn thứ 4 thế giới, là diễn biến đáng lo ngại cho các doanh nghiệp nội địa. Theo Euromonitor International, thị trường này có quy mô gần 200.000 tỷ won. Hàn Quốc cũng là quốc gia có mức chi tiêu trực tuyến bình quân đầu người cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.

Năm ngoái, lần đầu tiên lượng mua hàng từ các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc đã vượt qua các đối thủ Mỹ, bao gồm cả Amazon. Cứ 4 người Hàn Quốc thì có 1 người sử dụng các website bán hàng Trung Quốc, gây ra mối lo ngại cho các doanh nghiệp địa phương.

"Họ đang phát triển nhanh hơn dự kiến, bán sản phẩm với giá cực kỳ thấp", Lee Seung-jin, người phát ngôn của Musinsa, nền tảng thời trang hàng đầu Hàn Quốc, cho biết. "Chúng tôi lo ngại về việc mất thị phần. Thật khó để đối phó với chiến lược cạnh tranh về giá của họ."

AliExpress và Temu là những nền tảng bán lẻ trực tuyến có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất đối với người tiêu dùng Hàn Quốc vào năm ngoái, mặc dù họ vẫn còn kém xa Coupang.

Các sàn thương mại điện tử Trung Quốc đang giành thị phần bán lẻ tại Hàn Quốc. (Ảnh: The Korea Times).

Theo The Korea Times, một khảo sát gần đây cho thấy, 7 trên 10 doanh nghiệp sản xuất tại Hàn Quốc cho biết họ đang chịu ảnh hưởng tiêu cực, hoặc lo ngại sẽ bị ảnh hưởng trong tương lai, bởi việc Trung Quốc bán phá giá hàng tồn kho. Các chuyên gia cảnh báo rằng tình hình này có thể kéo dài.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) đã thực hiện khảo sát trên 2.228 công ty sản xuất. Kết quả cho thấy 27,6% doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng bởi hàng xuất khẩu giá rẻ từ Trung Quốc, và 42,1% khác dự đoán sẽ bị ảnh hưởng trong tương lai.

KCCI chỉ ra rằng lượng hàng tồn kho lớn đang khiến các công ty Trung Quốc phải đẩy mạnh xuất khẩu với giá thấp. Nếu kinh tế Trung Quốc tiếp tục trì trệ và hàng tồn kho tiếp tục tăng, tình trạng này có thể kéo dài.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ tồn kho hàng hóa thành phẩm tại Trung Quốc đã tăng từ 1,68% vào tháng 11/2023 lên 4,67% vào tháng 6 năm nay.

Các công ty sản xuất pin của Hàn Quốc đang đặc biệt khó khăn, do vừa phải đối mặt với giá rẻ từ Trung Quốc, vừa chịu ảnh hưởng bởi nhu cầu xe điện toàn cầu giảm. 61,5% doanh nghiệp pin Hàn Quốc cho biết họ đã bị ảnh hưởng, và 23,1% lo ngại về những tác động sắp tới.

Ngoài ngành pin, các ngành dệt may (46,4%), mỹ phẩm (40,6%) và thép (35,2%) cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.

Công nhân làm việc trong một nhà máy sản xuất pin tại Hoài Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: AFP).

Ông Kang Seog-gu, trưởng bộ phận nghiên cứu của KCCI, cho biết số vụ kiện chống bán phá giá của Hàn Quốc đã tăng từ trung bình 5-8 vụ mỗi năm lên 6 vụ chỉ trong nửa đầu năm nay. Ông kêu gọi chính phủ Hàn Quốc cần thay đổi cách tiếp cận để giải quyết vấn đề tranh chấp thương mại toàn cầu ngày càng gia tăng.

Trao đổi với Financial Times, ông Wi Jong-hyun, Giáo sư kinh doanh tại Đại học Chung-Ang ở Seoul, nhận định: "Thị trường thương mại điện tử của chúng tôi có thể sẽ rơi vào tầm kiểm soát của Trung Quốc khi chất lượng sản phẩm của họ đã được cải thiện trong những năm gần đây và giá cả ngày càng giảm nhờ quy mô kinh tế. Chúng ta không thể thắng trong một cuộc chiến giá cả với Trung Quốc."

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng những lo ngại như vậy là thái quá. Angela Hong, một nhà phân tích tại Nomura ở Seoul, lưu ý rằng "hầu hết các giao dịch mua của người Hàn Quốc trên các nền tảng Trung Quốc chỉ giới hạn ở các sản phẩm giá rẻ". Theo ước tính của Nomura, các trang web Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 2% thị trường thương mại điện tử của Hàn Quốc về tổng giá trị hàng hóa bán ra.

AliExpress Korea cũng vướng phải nhiều phàn nàn về giao hàng chậm trễ, gửi sai sản phẩm và lo ngại về hàng giả.

Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc đang xem xét cáo buộc thiếu bảo vệ người tiêu dùng từ AliExpress. Ngoài ra, cơ quan giám sát bảo vệ dữ liệu cá nhân của Hàn Quốc đang điều tra việc xử lý dữ liệu người tiêu dùng bởi các nền tảng mua sắm lớn ở nước ngoài, sau khi một cuộc kiểm toán của quốc hội vào năm ngoái làm dấy lên lo ngại về khả năng rò rỉ thông tin cá nhân sang Trung Quốc thông qua AliExpress và Temu.

Theo hãng thông tấn nhà nước Hàn Quốc, Alibaba có kế hoạch đầu tư 1,1 tỷ USD trong ba năm tới để xây dựng một mạng lưới hậu cần tại Hàn Quốc nhằm rút ngắn thời gian giao hàng. Alibaba cũng đã công bố một loạt các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng trong nước, bao gồm cả việc thành lập một trung tâm cuộc gọi, sau khi chính quyền Hàn Quốc tuyên bố luật thương mại điện tử của nước này sẽ áp dụng bình đẳng cho các nền tảng Trung Quốc.

Mặc dù AliExpress đã cho biết họ sẽ chi 10 tỷ Won trong ba năm để sàng lọc hàng giả bằng trí tuệ nhân tạo, nhiều người tiêu dùng Hàn Quốc vẫn chỉ tin tưởng các nền tảng Trung Quốc đối với một số mặt hàng nhất định.

"Tôi chẳng dám mua đồ ăn hay mỹ phẩm trên các sàn Trung Quốc vì lo ngại về an toàn", YS Chung, một sinh viên đại học 23 tuổi thường mua linh kiện điện tử giá rẻ như ốp lưng điện thoại, sạc và cáp trên AliExpress, chia sẻ.

Về mặt pháp lý, các quy định chống độc quyền mới đang được xem xét để tăng cường cạnh tranh, nhưng lại khiến một số nền tảng Hàn Quốc lo lắng. Họ e ngại rằng các ông lớn trên thị trường sẽ bị nhắm đến, tạo điều kiện cho đối thủ Trung Quốc mở rộng thị phần.

Sunny Moon, quản lý nghiên cứu tại Euromonitor International, cho rằng các nền tảng Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian để tăng thị phần ở phân khúc cao cấp. "Các công ty Trung Quốc hiện đang chấp nhận giảm lợi nhuận để thu hút người dùng", bà nói, "nhưng mô hình kinh doanh này có thể duy trì được bao lâu?"

Bà nói thêm rằng nếu Alibaba tiến vào thị trường bán buôn Hàn Quốc, "điều đó sẽ giáng một đòn mạnh vào nhiều tiểu thương Hàn Quốc, những người nhập hàng giá rẻ từ Trung Quốc và bán lại trên các sàn thương mại điện tử trong nước".

Đức Huy