Hàng giá rẻ Trung Quốc tràn vào Đông Nam Á qua thương mại điện tử
Dòng chảy hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc đổ vào Thái Lan được dự báo sẽ ngày càng lớn hơn sau khi nhà bán lẻ trực tuyến Temu của Trung Quốc gia nhập thị trường thương mại điện tử nước này, tờ Bangkok Post viết.
Một nguồn tin giấu tên tiết lộ Đông Nam Á là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp thương mại điện tử Trung Quốc, khi họ cần tìm thêm thị trường xuất khẩu trong bối cảnh phải đối mặt với các quy định nghiêm ngặt ở Mỹ và châu Âu.
Ông Pawoot Pongvitayapanu, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Thương mại điện tử Thái Lan, ví von Temu như một nhà máy bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng. Công ty tập trung vào các sản phẩm không thương hiệu với giá thành rẻ hơn. Ví dụ, Temu cung cấp sản phẩm với giá chỉ từ 10 baht mà không tốn chi phí tiếp thị.
Các mặt hàng giá rẻ trong bối cảnh kinh tế khó khăn sẽ thu hút người mua và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Chẳng hạn, Temu bán khăn giấy với giá 20 baht, trong khi sản phẩm tương tự của Thái Lan có giá 60 baht.
Do đó, động thái này dự kiến sẽ khơi mào một cuộc chiến giá cả trên thị trường thương mại điện tử Thái Lan, ảnh hưởng đến Lazada, Shopee và TikTok, đồng thời làm dấy lên lo ngại về việc nhiều nhà máy trong nước có thể phải đóng cửa.
Trước đó hồi tháng 2, tờ The StraitsTimes dẫn lời Thủ tướng Srettha Thavisin thừa nhận thực tế hàng hóa giá rẻ Trung Quốc đang xâm nhập vào quốc gia Đông Nam Á này thông qua các nền tảng thương mại điện tử và hoạt động buôn lậu.
Ông chia sẻ trên X (trước đây là Twitter) rằng dòng hàng Trung Quốc đang gây tổn hại cho các nhà sản xuất trong nước, những người không thể cạnh tranh về giá. Theo ông Srettha, các sản phẩm này thường thiếu chứng nhận tiêu chuẩn từ các cơ quan chính phủ và thường xuyên vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Không riêng Thái Lan, theo Reuters, phần lớn người tiêu dùng Đông Nam Á đang bị thu hút bởi các nền tảng thương mại điện tử phát triển nhanh chóng như Temu của PDD Holdings và TikTok Shop thuộc sở hữu của Bytedance. Những nền tảng này chuyên xuất khẩu hàng hoá giá rẻ từ Trung Quốc vào thời điểm chi phí sinh hoạt là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người.
Trung Quốc từ lâu đã là nhà xuất khẩu chính của nhiều sản phẩm tiêu dùng, nhưng xu hướng xuất khẩu qua thương mại điện tử của nước này đã làm rung chuyển hoạt động mua sắm trực tuyến trên toàn cầu.
Bà Sharon Gai, cựu Giám đốc phụ trách toàn cầu tại Alibaba và tác giả của cuốn "E-commerce Reimagined" cho biết: “Các nhà bán lẻ trực tuyến khác đang chứng kiến sự trỗi dậy của những mặt hàng Trung Quốc giá rẻ tràn ngập khắp nơi từ những nền tảng như Temu và Shein, và con thuyền của họ đã bị rung chuyển. Họ không biết liệu họ có thể cạnh tranh được hay không”.
Tuy nhiên, xu hướng bán hàng giá rẻ qua thương mại điện tử không phải từ trên trời rơi xuống. Nó có động lực từ những khó khăn trong kinh tế vĩ mô, người tiêu dùng các nước phải thắt lưng buộc bụng.
Temu và Shein đã không bỏ qua cơ hội này, đổ hàng tỷ đô la để hỗ trợ và giảm giá nhằm tăng thị phần và lấy lòng những người tiêu dùng Đông Nam Á đang vui vẻ mua những chiếc váy giá 10 USD hay tai nghe 5 USD hơn những mặt hàng có giá trị cao.
Theo Nikkei Asia, sự trỗi dậy của các nền tảng thương mại điện tử như Shopee của Singapore, Lazada thuộc sở hữu Alibaba và TikTok Shop của ByteDance rõ ràng đã mang lại cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc một cầu nối mới để tiếp cận khách hàng Đông Nam Á đang tìm kiếm những món hời tốt nhất.
Dữ liệu từ Momentum Works cho thấy trong năm ngoái các nền tảng thương mại điện tử khu vực đã đạt tổng giá trị giao dịch hàng hoá lên tới gần 115 tỷ USD, tăng 15% so với một năm trước.
"Kênh phân phối lớn nhất cho các doanh nghiệp Trung Quốc là Lazada hay Shopee. Với hai kênh phân phối đó, họ thậm chí không cần phải có doanh nghiệp hoạt động thực tế ở Thái Lan”, ông Chaovalit Pakpianthakolphol, Chủ tịch Hội đồng xúc tiến xuất khẩu SME thuộc Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan, nói.
Trong khi đó, ông Ristadi - Chủ tịch Liên đoàn Lao động quốc gia Indonesia, thừa nhận: "Hàng hóa Trung Quốc tiếp tục chất đống cả trên thị trường truyền thống và trực tuyến của chúng tôi”.
Để đối phó trước những lo ngại rằng TikTok Shop có thể đưa hàng hoá giá rẻ Trung Quốc tràn ngập thị trường, Indonesia đang cân nhắc cấm hoàn toàn các giao dịch thương mại điện tử trên mạng xã hội để bảo vệ các nhà bán lẻ truyền thống.
Đầu tháng 6, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan cho biết chính phủ sẽ xem xét áp thuế lên tới 200% đối với vải nhập khẩu. Ông chỉ ra rằng các mức thuế mới cũng đang được xem xét để đối phó với sự gia tăng nhập khẩu gốm sứ, quần áo, giày dép, mỹ phẩm và đồ điện tử.
Tại Malaysia, từ tháng 1 năm nay nước này đã áp thuế bán hàng 10% đối với hàng hóa nhập khẩu được mua trực tuyến với giá dưới 500 ringgit (108 USD). Những mặt hàng như vậy trước đây thường được miễn thuế bán hàng, thuế nhập khẩu. Trong khi thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ áp dụng cho các sản phẩm đắt tiền hơn.
Còn theo các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử, chính phủ Thái Lan cần có thêm biện pháp để ngăn chặn làn sóng hàng hóa Trung Quốc, đặc biệt là các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn và nhập lậu qua biên giới. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước nên ngừng nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc để bán lại nhằm tránh thua lỗ.
Bloomberg cho biết Thái Lan có thể sẽ áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hàng hóa Trung Quốc được vận chuyển qua các khu vực thương mại tự do nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong nước đang bị ảnh hưởng bởi làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ.
Vào ngày 15/2, Thủ tướng Thavisin đã chỉ đạo các quan chức xem xét việc đánh thuế VAT đối với hàng hóa có giá dưới 1.500 baht (56 đô la Singapore) được chuyển qua các khu vực miễn thuế để ngăn chặn việc khai báo gian lận. Quy định mới sẽ được thực hiện trong tháng này.
Đối với các chính phủ Đông Nam Á, làn sóng các sản phẩm giảm giá của Trung Quốc đặt ra tình thế tiến thoái lưỡng nan. Trong khi các nhà bán lẻ và nhà sản xuất trong nước phản đối khi cho rằng đây là những hoạt động cạnh tranh không lành mạnh thì giới chức nhà nước lại mong muốn các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào sản xuất địa phương, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao.
Việc cân bằng các ưu tiên này đã trở nên khó khăn hơn khi tình trạng bất ổn kinh tế lan rộng ở Trung Quốc khiến các công ty nước này có hàng tồn kho dư thừa phải giải phóng ở mức giá đáy. Điều này đang làm gia tăng sự mất cân bằng thương mại của Đông Nam Á với Trung Quốc.
Năm ngoái, Đông Nam Á và các thị trường châu Á mới nổi khác chiếm khoảng 1/3 xuất khẩu của Trung Quốc, theo tính toán của Goldman Sachs.
Bà Sonal Varma, Nhà kinh tế trưởng tại Nomura lập luận việc tái cân bằng dòng chảy thương mại giữa Trung Quốc với Đông Nam Á cũng phản ánh "một chiến lược thương mại có ý thức của Bắc Kinh nhằm chuyển hướng xuất khẩu" do căng thẳng và rào cản thương mại gia tăng ở phương Tây.