|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp châu Á cảnh báo những tác động nghiêm trọng của Brexit không thỏa thuận

17:35 | 17/01/2019
Chia sẻ
Sau khi Quốc hội Anh không đồng thuận các điều khoản trong kế hoạch rời khỏi EU của Thủ tướng Theresa May ngày 15/1 với 432 phiếu chống và 202 phiếu thuận, các doanh nghiệp châu Á cảnh báo về một cuộc sụp đổ qui mô lớn nếu Brexit không đạt được thỏa thuận, theo Nikkei Asian Review.

Dự đoán tác động của Brexit không thỏa thuận

doanh nghiep chau a canh bao nhung tac dong nghiem trong cua brexit khong thoa thuan
Ảnh minh họa

Thất bại nặng nề của bà May lại tiếp tục gây bất ổn cho kinh tế toàn cầu sau khi chịu nhiều ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Các chuyên gia đồng ý rằng những tác động đối với nền kinh tế châu Á sẽ rất lớn, bắt đầu bằng việc các công ty phải xem xét lại chiến lược đầu tư cũng như chính phủ phải nghiên cứu thỏa thuận thương mại mới khi Anh, dường như đang muốn kí thêm nhiều hiệp định thương mại tự do thay thế.

Thay đổi đột ngột trong mối quan hệ thương mại giữa Anh và khu vực EU sẽ gây ra “ảnh hưởng nghiêm trọng đối với ngành công nghiệp Anh”, người phát ngôn của Nissan, công ty điều hành nhà máy lớn nhất châu Âu tại Anh.

“Chúng tôi kêu gọi các nhà đàm phán Anh và EU hợp tác hướng tới một Brexit cân bằng, khuyến khích thương mại cùng có lợi”.

Doanh nghiệp đang trong thế khó

Ông Lee Bo-sung, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hyundai Motor của Hàn Quốc, cho biết Brexit “nhiều khả năng là một yếu tố tiêu cực đối với chúng tôi” bởi dây chuyền sản xuất của công ty có trụ sở tại Slovakia và Cộng hòa Séc khiến công ty có thể chịu thuế quan từ Anh. Tuy nhiên, ông Lee nói thêm rằng Brexit có thể mang lại lợi thế cho các nhà sản xuất ô tô toàn cầu có dây chuyền sản xuất ở Anh.

Phát ngôn viên của Honda Motor cho biết, việc Anh rời khỏi EU nhưng không đạt được thỏa thuận sẽ đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với hoạt động kinh doanh tích hợp cao ở châu Âu của công ty này.

“Việc kiểm tra sắp tới tại biên giới có thể phá vỡ hệ thống hậu cần một lần của chúng tôi. Đồng thời, việc áp thuế quan đối với khâu vận chuyển hàng hóa giữa Anh và EU sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của công ty”, phát ngôn viên của Honda Motor cho hay.

Một số công ty cho biết cuộc bỏ phiếu hôm 15/1 khiến họ cảm thấy bất an về mối quan hệ giữa Anh và đối tác thương mại lớn nhất của họ, khu vực EU.

“Cuộc bỏ phiếu này không làm vấn đề trở nên rõ ràng hơn”, bà Kate Boothman Meier, Giám đốc Truyền thông của Nhà máy điện Battersea nói. Nhà máy điện có trụ sở tại London này đang được triển khai thành một khu bất động sản cao cấp với khoản đầu tư 9 tỉ bảng Anh (11,6 tỉ USD) từ một tập đoàn Malaysia.

Phát ngôn viên của Hitachi, tập đoàn công nghệ Nhật Bản, cho hay đang điều tra tác động của Brexit cứng đến hoạt động kinh doanh của công ty.

Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết chính phủ đã quyết định thực hiện các hành động cần thiết trước trong bối cảnh lo ngại kịch bản tồi tệ sẽ diễn ra với Brexit không thỏa thuận, và điều này sẽ tăng tốc độ chuẩn bị nhằm kí kết FTA Hàn Quốc – Anh ngay sau khi Brexit diễn ra.

Takaaki Hanaoka, Tổng Thư kí Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Anh, cho biết: “Chúng tôi hi vọng thỏa thuận sẽ không gây thiệt hại và ngày kí kết thỏa thuận sẽ được thông báo sớm. Chúng tôi không muốn một Brexit không thỏa thuận”.

Anh và EU đã đồng ý duy trì các qui tắc hiện hành cho đến cuối năm 2020 như một giai đoạn chuyển tiếp, nhờ đó các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ có thể có thời gian điều chỉnh. Hiện tại, nhiều khả năng Anh sẽ bị buộc phải rời khỏi EU vào cuối tháng 3/2019 mà không có bất kì cơ hội nới thời hạn hay hủy bỏ Brexit nào.

Sự dịch chuyển làn sóng công ty tài chính trước Brexit

Thị trường tài chính ở châu Á không phản ứng nhiều trước quyết định ngày 15/1 của Quốc hội Anh. Chỉ số chứng khoán Nikkei 225 của Nhật Bản mở cửa cao hơn một chút trước khi giảm 0,7% trong phiên giao dịch buổi sáng. Chỉ số chứng khoán Kospi của Hàn Quốc tăng 0,2%.

Tác động ngay lập tức của Brexit không thỏa thuận có thể làm giảm 10% giá trị đồng bảng Anh, công ty tư vấn và nghiên cứu vĩ mô toàn cầu Fathom Consulting dự đoán. Đối với các doanh nghiệp, thuế quan mới được kì vọng áp lên hành hóa vận chuyển đến và đi từ khối EU.

Nền kinh tế Anh có thể phải chịu nhiều ảnh hưởng hơn nếu một làn sóng các công ty tài chính và nhà sản xuất chuyển trụ sở châu Âu của họ từ London sang Paris hoặc Frankfurt.

“Các công ty châu Á sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển hoạt động sang lục địa châu Ấu nếu khả năng tiếp cận thị trường châu Âu tại Anh bị chặn”, ông Edward Alden, thành viên cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết. “Đây sẽ là điểm trừ cho Anh và gây tốn kém cho các công ty”.

Tuy nhiên, một số công ty đã điều chỉnh hướng đi của họ. Jaguar Land Rover, thuộc sở hữu của Tata Motor tại Ấn Độ, gần đây đã tuyên bố họ sẽ cắt giảm 4.500 việc làm, phần lớn ở Anh. Con số này tương đương mức giảm hơn 10% trong tổng 40.000 nhân viên tại Anh. Bên cạnh đó, công ty cũng đã sa thải thêm 1.500 công nhân năm 2018.

Ngành ô tô chịu tác động nặng nề

Nếu thủ tục hải quan được thực hiện giữa Anh và các nước EU, ngành ô tô nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi nhiều công ty đang sử dụng hệ thống kiểm kê JIT (just-in-time).

Ông Anthony Kim, nhà phân tích chính sách cao cấp tại The Heritage Foundation, một nhóm chuyên gia cố vấn có trụ sở tại Washington DC, cho rằng các công ty châu Á như Samsung Electronics và Hyundai Motor nên hạn chế hoạt động ở Anh và chuyển đầu tư sang Mỹ.

“Nhân danh hiệp định thương mại tự do Mỹ - Hàn, những công ty này có thể đặt các khoản đầu tư chiến lược của họ vào Mỹ, đặc biệt là khi Mỹ sắp bước vào kì bầu cử tổng thống năm tới”, ông nói.

Với mong muốn duy trì mối liên hệ với kinh tế toàn cầu, Anh được kì vọng sẽ tìm kiếm các thỏa thuận thương mại thay thế. “Anh sẽ rất tích cực theo đuổi các thỏa thuận thương mại châu Á và Mỹ”, ông Alden cho hay.

Ông Kim lại cho biết Anh sẽ tiến hành một chính sách thương mại chủ động. “Liam For, Ngoại trưởng Anh về thương mại quốc tế, đã đến nhiều nước có cùng chí hướng như Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản trong hai năm qua nhằm bàn bạc về các thỏa thuận thương mại tự do song phương và Quan hệ Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP)”, ông Kim nói.

Điều gì xảy ra khi Brexit không đạt thỏa thuận

Ông Bill Reinsch tại Center for Strategic and International Studies cho rằng sự thèm khát các thỏa thuận thương mại của Anh sẽ được xác định bằng điều khoản của Brexit. “Nếu đây là Brexit không thỏa thuận, Anh sẽ tăng tốc hết mức để kí càng nhiều thỏa thuận thương mại càng tốt”, trong đó bao gồm TPP.

“Nếu Anh kí được TPP, nước này sẽ phá vỡ rào cản bởi họ sẽ là thành viên đầu tiên không có sự hiện diện địa lí trong khu vực”, ông Reinsch nhấn mạnh.

Ông Isaac Stone Fish, một thành viên cao cấp tại Asia Society's Center on U.S.-China Relations, dự đoán rằng Trung Quốc sẽ là nước lấp vào chỗ trống.

“Một vài người trong chí phủ Anh sẽ tìm đến Trung Quốc như một vị cứu tinh kinh tế”, ông nói, dự đoán thêm rằng Bắc kinh sẽ tăng cường liên kết thương mại và đầu tư cũng như có thể cung cấp các khoản vay và thỏa thuận quan trọng để củng cố mối quan hệ mới.

Xem thêm

Trần Nam Thi