|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp cầu cứu Thủ tướng tháo gỡ khó khăn

07:34 | 20/09/2019
Chia sẻ
Cho rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa giải quyết các vướng mắc trong các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, mới đây Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam đã gửi đơn kêu cứu lên Thủ tướng Chính Phủ mong được tháo gỡ.
Doanh nghiệp cầu cứu Thủ tướng tháo gỡ khó khăn - Ảnh 1.

Ông Kevin Moore giới thiệu về dự án Khu liên hiệp xử lý chất thải Đa Phước cho các đoàn khách tham quan

Trong đơn gửi Thủ tướng, Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (VWS) trình bày, kể từ năm 2014 đến nay, dự án Khu liên hiệp xử lý chất thải Đa Phước của VWS đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, đến mức dự án bị lâm vào cảnh khủng hoảng truyền thông do đối thủ cạnh tranh đã thêu dệt, gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của dự án, của cá nhân chủ đầu tư, gây thiệt hại về tinh thần và kinh tế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn từ các khâu giải quyết thủ tục pháp lý.

Một năm tiếp hơn 30 đoàn kiểm tra

Từ những thông tin xuyên tạc, bôi nhọ về VWS trên báo chí, mạng xã hội dẫn đến cảnh doanh nghiệp luôn trong tình trạng tiếp đoàn kiểm tra từ trung ương đến địa phương. Thậm chí có năm lên đến hơn 30 đoàn. “Những cuộc thanh, kiểm tra xảy ra bất thường và thường xuyên, nhiều đến nỗi có lúc đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, công nhân viên của công ty cảm thấy mệt mỏi, tâm lý căng thẳng, không còn tâm trí làm việc”, đại diện VWS trình bày.

Có những cuộc kiểm tra, thanh tra căng thẳng đến mức dẫn đến mâu thuẫn, bức xúc giữa đội ngũ kỹ sư nhà máy và cán bộ đoàn kiểm tra. Cụ thể, ngày 23/02/2017 đoàn kiểm tra của Thanh tra Chính phủ có buổi làm việc với Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam. 

Trong thời gian đoàn kiểm tra của Thanh tra Chính phủ làm việc tại văn phòng công ty VWS, do bức xúc trước thái độ không chuyên nghiệp của một cán bộ trong  đoàn là ông Lương Duy Hanh - Nguyên Cục Trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, Tổng cục môi trường, Bộ TNMT nên kỹ sư của công ty là ông Phạm Văn Hiệp đã có đơn thư góp ý đến Bộ trưởng bộ TNMT Trần Hồng Hà vào ngày 07/04/2017.

Đại diện VWS đặt ra thắc mắc, không biết có phải lý do xuất phát từ đơn thư góp ý của kỹ sư Phạm Văn Hiệp, mà kể từ ngày đó chúng tôi không nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của Bộ TNMT và liên tục gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoàn tất các thủ tục môi trường theo quy định của pháp luật.

VWS cũng nêu ví dụ cụ thể như doanh nghiệp đăng ký được làm việc với Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà để làm rõ các nội dung liên quan đến thư góp ý của một kỹ sư trong công ty, tình hình xây dựng và hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường của dự án… trong nhiều tháng liền mới được tiếp nhận.

Hồ sơ gửi đi đều bị trả lại

Suốt từ năm 2018 đến nay, nhiều văn bản của VWS gửi lên Bộ Tài nguyên và Môi trường đều không nhận được kết quả, gần như đều bị trả lại khiến doanh nghiệp hiện nay vẫn phải đối mặt không ít khó khăn liên quan đến nhiều thủ tục pháp lý.

Ví dụ điển hình là hồ sơ xin cấp phép xả thải. Theo đó, ngày 27/07/2018 VWS trình Bộ TNMT xem, phê duyệt đơn đề nghị cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước số 18166/VB-VWS. 

Hơn 1 năm tính từ ngày VWS trình nộp hồ sơ xin cấp phép xả nước thải vào nguồn nước, nhưng sau rất nhiều quy trình giải trình, xét duyệt, thậm chí bị trả hồ sơ và trình nộp lại thì đến nay sự việc vẫn chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn giải quyết rõ ràng, gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động và báo cáo định kỳ cho cơ quan quản lý địa phương.

Tương tự, hồ sơ xin xác nhận các công trình bảo vệ môi trường cũng đã kéo dài gần 1 năm mà cơ quan tiếp nhận hồ sơ vẫn không có phản hồi cụ thể; Việc chậm trễ này đã đưa doanh nghiệp vào tình thế hoạt động không đúng quy định pháp luật vì không đầy đủ các thủ tục.

Hồ sơ xin xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án “Khu liên hợp xử lý chất thải Đa phước” cũng có “số phận” tương tự.

Ngày 03/10/2018 VWS gửi Bộ TNMT văn bản số 18219/VB-VWS về đề nghị kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án “Khu liên hợp xử lý chất thải Đa phước”.

Tuy nhiên, đến ngày 24/05/2019 Cục bảo vệ môi trường miền Nam, Tổng cục môi trường lại có công văn số 188/TB-MTMN thông báo về việc trả lại hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án.

Trước tình hình Bộ TNMT kéo dài quá lâu thời gian phê duyệt hồ sơ xin xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án - làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tuân thủ pháp luật môi trường của doanh nghiệp. 

Ngày 16/07/2019 VWS đã gửi văn bản số 19161/VB-VWS về đề nghị được phân kỳ giai đoạn thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường để phục vụ công tác xác nhận báo cáo kết quả thực hiện công trình, biện pháp bảo vệ môi trường theo đúng hướng dẫn của luật.

Ông Kevin Moore, Giám đốc điều hành VWS cho biết, thật sự chúng tôi cảm thấy rất mệt mỏi và hoang mang vì phải tốn rất nhiều công sức giải trình nhiều lần trong 1 thời gian quá dài, thậm chí phải làm đi làm lại toàn bộ hồ sơ để trình nộp lại lần 2 mà Bộ vẫn chưa xét duyệt hoặc có ý kiến đóng góp thẳng thắn.

“Hy vọng bằng văn bản gửi Chính phủ lần này, chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Bộ Tài nguyên Môi trường, nhận được văn bản hướng dẫn chỉ đạo của cơ quan này, giúp doanh nghiệp chúng tôi tháo gỡ khó khăn”, đại diện VWS nói.

Công Ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam - 100% vốn đầu tư nước ngoài, hiện là chủ đầu tư Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2003, hưởng ứng chính sách kêu gọi Việt kiều về nước đầu tư, cuối năm 2005, Khu liên hiệp xử lý chất thải Đa Phước được đầu tư xây dựng. Năm 2007 dự án đi vào vận hành, tiếp nhận và xử lý rác cho thành phố Hồ Chí Minh cho đến nay.

“Chúng tôi kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, trực tiếp chủ trì với các Bộ, ban ngành hỗ trợ giải quyết cho doanh nghiệp FDI, đặc biệt là Việt kiều về nước đầu tư theo lời kêu gọi của Chính phủ về ưu tiên bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư khi về hoạt động tại Việt Nam. Tôi cũng mong Thủ tướng cho phép chúng tôi được tham gia các cuộc họp liên quan đến vấn đề của doanh nghiệp vì hơn ai hết chỉ có chúng tôi mới hiểu rõ sự việc để giải trình cụ thể cho các cấp thẩm quyền nhằm trả lại sự công bằng, uy tín giúp chúng tôi yên tâm đầu tư, và có thể tái đầu tư, làm tốt công việc của mình đối với dự án và quê hương”.

Ông Kevin Moore

Gia Phú