|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Doanh nghiệp bất động sản tìm hướng đa dạng nguồn vốn

07:34 | 31/08/2018
Chia sẻ
Lâu nay, vốn tín dụng luôn là nguồn vốn quan trọng đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, nên dễ hiểu những khó khăn mà khối này đang phải đối mặt khi vốn tín dụng vào bất động sản ngày một siết chặt. Bởi vậy, tự chủ được nguồn vốn là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản hiện nay.
doanh nghiep bat dong san tim huong da dang nguon von Nhiều 'ông lớn' BĐS đường đến kế hoạch 2018 còn xa sau nửa đầu năm
doanh nghiep bat dong san tim huong da dang nguon von Xu hướng lên sàn của các doanh nghiệp bất động sản
doanh nghiep bat dong san tim huong da dang nguon von
Hiện tại, tín dụng vẫn là kênh vốn chủ đạo của doanh nghiệp.

70% vốn vào bất động sản là vốn vay ngân hàng

TS. Trần Du Lịch - chuyên gia tài chính, kinh tế cho rằng, nền kinh tế Việt Nam kinh doanh dựa trên vay nợ: Nhà nước muốn đầu tư phải đi vay trái phiếu, doanh nghiệp muốn sản xuất, kinh doanh phải vay ngân hàng... Và trong các lĩnh vực, bất động sản là lĩnh vực phụ thuộc nhiều nhất vào vốn vay ngân hàng.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến đầu tháng 6/2018, tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng trưởng 6,16% so với cuối năm 2017, trong đó cho vay lĩnh vực bất động sản tăng 2,19%.

Tỷ trọng cho vay bất động sản chiếm 7,5% trong tổng dư nợ nền kinh tế, giảm mạnh so với 2 năm gần đây (2016 là 17,1%; 2017 là 15,8%).

Theo Báo cáo tình hình kinh tế xã hội TP. Hà Nội 6 tháng đầu năm 2018, cho vay bất động sản ước đạt 114.000 tỷ đồng, chiếm 7,6% trong tổng dư nợ cho vay của Thành phố (hơn 1,5 triệu tỷ đồng), thấp hơn con số của cùng kỳ năm trước (7,9%). Tại TP.HCM, trong nửa đầu năm nay, tỷ trọng cho vay trong lĩnh vực bất động sản ở mức 10,6%.

Trong khi đó, chia sẻ với báo giới mới đây, ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch HĐQT Kosy Group cho biết, ở Việt Nam, khoảng 70% vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản là vốn vay ngân hàng (ở nhiều nước cùng khu vực, tỷ lệ này khoảng 35%).

Theo TS. Cấn Văn Lực, hệ thống tài chính - bất động sản Việt Nam hiện tồn tại nhiều bất cập như hệ thống các định chế tài chính chưa đa dạng, rủi ro từ đòn bẩy tài chính do phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay ngân hàng, quỹ tiết kiệm nhà ở chưa phát triển, đặc biệt là chưa có thị trường tài chính thứ cấp như mua bán nợ bất động ản, chứng khoán hoá bất động sản, mua bán chứng chỉ đầu tư bất động sản... dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp trong huy động vốn trung và dài hạn.

Đa dạng nguồn vốn, cách nào?

Theo giới chuyên gia tài chính, các doanh nghiệp bất động sản trước đây sử dụng nợ vay quá mức, nên khi tín dụng bị siết chặt khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu vốn, dẫn đến các dự án bị đình đốn. Trong khi đó, các doanh nghiệp ít phụ thuộc vốn vay lại xem đó là cơ hội để phát triển.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, trong hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp bất động sản dựa vào 3 nguồn vốn chính, đó là vốn tự có, vốn vay ngân hàng và vốn huy động từ khách hàng mua nhà.

"Tuy nhiên, vốn ngân hàng thường khá 'phập phù' bởi phụ thuộc vào chính sách, trong khi vốn từ khách hàng cũng lệ thuộc vào ngân hàng do phần lớn khách hàng mua nhà từ vốn vay.

Do đó, để có thể chủ động về nguồn vốn, doanh nghiệp cần cải thiện vốn tự có thông qua việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán", ông Châu nhấn mạnh.

Ông Châu cho rằng, không phải tất cả, nhưng nhiều doanh nghiệp bất động sản đã đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn chứng khoán và huy động vốn thành công thông qua việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu như Vingroup, FLC, Novaland, Nam Long, Nhà Khang Điền, Nhà Thủ Đức...

Mặc dù vậy, một chuyên gia cấp cao trong ngành tài chính nhận định, lâu nay, nguồn vốn để tài trợ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp chủ yếu dựa vào ngân hàng và chỉ phần nhỏ đến từ phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Trong bối cảnh hiện nay, huy động vốn qua 2 kênh này không đơn giản, nhất là với kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Theo vị này, thời gian qua, những doanh nghiệp phát hành trái phiếu thành công đều là các doanh nghiệp lớn, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi với kênh huy động này, nên tín dụng ngân hàng sẽ vẫn là kênh vốn chủ đạo.

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam - ViEF 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, chứng khoán là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, với quy mô 70% GDP vào cuối năm 2017 (trong khi đây là mục tiêu đặt ra cho năm 2020).

Do đó, thông điệp của Chính phủ là kiên quyết xây dựng thị trường chứng khoán lành mạnh, ổn định, để sớm được công nhận là thị trường chứng khoán mới nổi vào năm 2020 nhằm huy động hiệu quả các kênh vốn trung và dài hạn của quốc tế.

"Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cần xây dựng trung tâm giao dịch trái phiếu doanh nghiệp và đưa vào giao dịch hàng ngày để tăng tính thanh khoản. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1191/QĐ-TTg để thực hiện lộ trình này", Phó thủ tướng nói.

Xem thêm

Vân Linh