Doanh nghiệp bán dẫn 'e ngại' vì ưu đãi thiếu nhất quán, mất điện cục bộ
Theo các hiệp hội quốc tế, Việt Nam đang có quyết tâm rất lớn trong việc thu hút những lĩnh vực FDI công nghệ cao như chất bán dẫn. Tuy nhiên, những vấn đề như thiếu ưu đãi cho doanh nghiệp sau khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu hay thiếu điện cục bộ tại miền Bắc là những rào cản khiến Việt Nam kém hấp dẫn trong mắt các doanh nghiệp bán dẫn.
Ưu đãi cho doanh nghiệp FDI chưa rõ ràng
Kể từ đầu năm 2024, Việt Nam đã chính thức áp thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024 như mọi thành viên đã đồng thuận khác của OECD. Thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất 750 triệu Euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất.
Theo ước tính, ngân sách sẽ thu được 14.600 tỷ đồng khi khoảng 122 tập đoàn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thuộc diện nộp thuế này.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể về những ưu đãi mà doanh nghiệp FDI được hưởng sau khi áp dụng thuế suất trên. Điều này gây ra lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam rằng các ưu đãi thuế họ được hưởng hiện nay sẽ biến mất.
Đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (Kocham), ông Hong Sun, Chủ tịch Kocham nhấn mạnh thực tế của các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc khi thuế suất mà doanh nghiệp đang phải nộp hiện khoảng 7-8%, song theo quy định mới, thuế suất phải nộp tăng lên và các doanh nghiệp sẽ không được hưởng ưu đãi gì về thuế.
Bù lại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Nghị định ưu đãi cho doanh nghiệp sau khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó có việc xây dựng Quỹ hỗ trợ đầu tư nhằm thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu. Tuy nhiên, mức hỗ trợ hiện vẫn chưa rõ ràng.
Một điểm nữa được Kocham chỉ ra là đối tượng hỗ trợ chỉ giới hạn ở quy mô vốn đầu tư từ 500 triệu USD trở lên khá lớn so với thực tế hiện nay nên sẽ chỉ một số ít doanh nghiệp FDI được hưởng ưu đãi.
Trường hợp hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp này bị thu hẹp lại do quy định này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cả hoạt động sản xuất, kinh doanh của toàn bộ các doanh nghiệp cung ứng đã đầu tư vào Việt Nam theo doanh nghiệp đó, cuối cùng sẽ gây ra trở ngại cho việc mở rộng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Kocham đề nghị Chính phủ Việt Nam sẽ phân tích kỹ lưỡng và dự báo tác động của việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, lấy ý kiến rộng rãi của các ngành về nội dung Nghị định để sửa đổi, bổ sung, qua đó có biện pháp để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực tới các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Seck Yee Chung,Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Singapore tại Việt Nam (SCCV), Đại diện Nhóm công tác thuế và hải quan, thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp (VBF 2024) cũng cho rằng các đối tượng hỗ trợ trong Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư còn trong phạm vi hẹp.
Dự thảo đưa ra đối tượng là các doanh nghiệp có dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao (doanh nghiệp có dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao, các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao) đáp ứng điều kiện về quy mô vốn đầu tư trên 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm.
“Với điều kiện này về quy mô, chỉ có số lượng rất ít doanh nghiệp có thể đạt được, theo đó chính sách sẽ chỉ tập trung áp dụng cho một nhóm đối tượng hẹp, chưa đại diện được cho nhóm các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, và cũng chưa đảm bảo đáp ứng được mục tiêu thu hút đối với các nhà đầu tư chiến lược như tinh thần Quốc hội đã đặt ra tại Nghị quyết số 110”, ông Seck Yee Chung cho biết.
Ngoài vấn đề về thuế, tình trạng thiếu điện cục bộ từng xảy ra tại miền Bắc vào mùa hè năm trước cũng là mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Ông Hong Sun nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp Hàn Quốc rất mong muốn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp công nghệ cao như ngành bán dẫn.
"Hiện tượng thiếu điện của Việt Nam là một trong những yếu tố lớn khiến họ chần chừ trong việc đưa ra quyết định đầu tư, các doanh nghiệp công nghệ cao khác trên toàn cầu cũng rất quan tâm đến vấn đề này", ông Hong Sun nói.
Bên cạnh đó, các công ty Hàn Quốc hiện rất quan tâm đến các ngành sử dụng nhiều công nghệ, phù hợp với xu hướng thân thiện môi trường như điện mặt trời áp mái, tuy nhiên họ đang ngần ngại việc tiến hành đầu tư do việc cung cấp điện không ổn định và các quy định pháp luật liên quan chưa rõ ràng.
Vì vậy, các hiệp hội quốc tế đều kiến nghị Chính phủ Việt Nam có phương án cung cấp điện thông suốt trong các khu công nghiệp để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc có thể duy trì hoạt động sản xuất ổn định.
Cần giải pháp để thu hút "đại bàng" FDI
Muốn thu hút và giữ chân các "đại bàng" FDI, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, điều quan trọng nhất là cần có cơ chế hỗ trợ, thu hút đầu tư.
"Các ngành công nghệ cao họ quan tâm nhiều hơn đến ưu đãi về thuế hơn là giá lao động bởi đặc trưng của các ngành này sử dụng ít lao động nhưng sử dụng nhiều trang thiết bị. Với mỗi dự án họ đầu tư hàng tỷ USD nên nếu không có ưu đãi đặc biệt thì rất ít doanh nghiệp lựa chọn đầu tư", ông Hong Sun nói.
Chủ tịch Kocham Hong Sun cho rằng, doanh nghiệp muốn nhận được những ưu đãi nhằm “bù đắp” sau khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể dưới dạng ưu đãi bằng tiền mặt. Ưu đãi này có thể chỉ dành cho các doanh nghiệp cam kết tiếp tục mở rộng hoặc cho các hoạt động nghiên cứu R&D để nâng cao hiệu quả đầu tư vào Việt Nam, tạo ra giá trị, an sinh xã hội.
Trong các lĩnh vực công nghệ cao và chất bán dẫn thì cần có sự hỗ trợ nhất định và các chính sách kiên định thì họ mới dám đầu tư. Những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khi đầu tư ban đầu cần được giữ lâu dài cho các giai đoạn sau. Điều này cho thấy tính chắc chắn của chính sách cũng như nhất quán của Chính phủ.
Không chỉ chuyên gia quốc tế, nhóm chuyên gia từ Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng kiến nghị rằng cần thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu tăng thêm khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu.
Cần ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư. Với nguồn thu tăng thêm, Việt Nam cần có kế hoạch sử dụng một cách hiệu quả nhất.
Cần nghiên cứu những ưu đãi đầu tư khác phù hợp để “giữ chân” cũng như thu hút nhà đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam cũng như gia tăng vị thế của các nhà đầu tư đang có.
Việc hỗ trợ thêm doanh nghiệp bằng biện pháp tăng thêm các khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp như: Chi phí đào tạo, tăng mức trích khấu hao tài sản cố định góp phần thu hồi nhanh vốn đầu tư; chi phí nghiên cứu và phát triển; chi phí đầu tư trang thiết bị, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hoặc chuyển giao công nghệ; chi bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, bao gồm nghiên cứu và ứng dụng.
Với các yếu tố khác, Chủ tịch Kocham khuyến nghị Chính phủ cần nâng cao cơ sở hạ tầng và giải quyết các vấn đề về thiếu năng lượng hay nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Chính phủ Việt Nam không ngừng thể hiện quyết tâm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ liên quan đến ngành sản xuất công nghệ cao nhằm phát triển nền kinh tế quốc gia và tăng cường năng lực cạnh tranh. Đây cũng là vấn đề quan trọng đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam vì họ sẽ được cung cấp sản phẩm chất lượng tốt từ doanh nghiệp địa phương về trung và dài hạn.
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp địa phương có thể cung ứng sản phẩm hoặc công nghệ phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp FDI vẫn chưa nhiều. Vì vậy, cần phải có những biện pháp tích cực hơn để mở rộng mối quan hệ hợp tác kinh doanh thiết thực giữa doanh nghiệp Hàn Quốc và doanh nghiệp Việt Nam.
Đặc biệt, khoảng cách trong một số lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, điện và điện tử, IT ... đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Do đó, để đảm bảo năng lực cạnh tranh trong các ngành này, việc quan trọng không chỉ là cung ứng sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam mà còn cần cung ứng nguồn nhân lực chất lượng.