|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đồ gỗ Việt tăng thị phần tại Mỹ, dẫn đầu xuất khẩu tại EU

15:00 | 05/09/2019
Chia sẻ
Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 8 tháng đầu năm 2019 ước tăng 17,5% so với cùng kì năm 2018 với nhiều thị trường tăng trưởng mạnh.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng tốt tại Mỹ, EU

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 8/2019 ước đạt 937 triệu USD, lũy kế xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 6,66 tỉ USD, tăng 17,5% so với cùng năm 2018.

Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc duy trì vị trí 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2019 với 80,2% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. 

Đáng chú ý, các thị trường có giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh là Arab Saudi tăng gần 47%, Mỹ tăng 32,8%, Đài Loan tăng gần 28%, Nhật Bản tăng 18,3% và Đức tăng 14,5%.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam tăng trưởng tốt do Việt Nam tận dụng tốt cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Theo Số liệu thống kê từ Trung tâm Cải cách kinh tế Indonesia, trong tháng 4/2018, thị phần đồ gỗ nội, ngoại thất của Trung Quốc tại thị trường Mỹ là 48%, trong khi đó, Việt Nam chỉ chiếm 7,4% và Indonesia là 1,63%.

Trước căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, tính đến tháng 4/2019, thị phần của Trung Quốc giảm còn 46%, trong khi đó, thị phần của Việt Nam lên 10,5% và của Indonesia chỉ tăng nhẹ lên 1,65%.

Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu về xuất khẩu đồ gỗ nội ngoại thất tại EU nhờ mẫu mã và chất lượng liên tục được cải thiện. 

Theo báo cáo thị trường gỗ nhiệt đới tháng 7/2019, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu đồ gỗ nội ngoại thất tại thị trường EU. 

Danh tiếng của đồ gỗ từ Việt Nam cũng dần được nâng cao do các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có khả năng cung cấp các đơn hàng số lượng lớn ở phân khúc tầm trung.

Báo cáo Theo dõi thị trường của Tổ chức Gỗ nhiệt đới quốc tế (ITTO) cũng chỉ ra rằng các nhà nhập khẩu thuộc EU đánh giá cao việc cải tiến về công nghệ đối với các sản phẩm gỗ của Việt Nam, những cải tiến này vượt trội so với các quốc gia châu Á khác và ngày càng có khả năng đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn cao của thị trường EU.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sang thị trường EU có triển vọng tốt nhờ những thuận lợi mà việc thực hiện VPA/FLEGT và tiềm năng mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mang lại cũng như căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.

Làm gì để duy trì kim ngạch xuất khẩu gỗ khả quan?

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cơ quan quản lí nhà nước, doanh nghiệp cần lưu ý cho đến khi bắt đầu cấp phép FLEGT, gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam sẽ tiếp tục phải thực hiện trách nhiệm giải trình về truy xuất nguồn gốc theo qui định của Qui chế gỗ của EU (EUTR). 

Do đó, cần đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống đảm bảo nguồn gốc xuất xứ gỗ và cấp chứng chỉ FLEGT cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhằm giảm thiểu những rủi ro mới phát sinh trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung, các cơ quan chức năng cần phối hợp với địa phương rà soát tổng thể hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI và các dòng sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ cũng như từ Trung Quốc vào Việt Nam. 

Qui trình cấp phép chứng nhận nguồn gốc xuất xứ cũng cần phải được kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận chỉ cấp cho các doanh nghiệp và sản phẩm có đủ điều kiện.

Các hiệp hội chú trọng việc cập nhật thông tin từ đối tác và các cơ quan chức năng để thông báo cho các hội viên, tránh các rủi ro không đáng có trong thương mại.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần quan tâm chú trọng đầu tư, áp dụng tự động hóa trong sản xuất, áp dụng công nghệ quản lí mới, nâng cao chất lượng, tay nghề công nhân để giảm giá thành, tăng năng suất lao động để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm và bắt kịp xu hướng tiêu dùng của thị trường EU. 

Đồng thời cần tăng cường hợp tác, tạo lập và hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất nguyên liệu đến xuất khẩu nhằm nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng thông qua việc tập trung nguồn lực thực hiện chuyên môn hóa, giảm chi phí giao dịch và chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.

Như Huỳnh