|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Do đâu VCCI quyết liệt phản đối thành lập Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức - Việt?

07:21 | 01/11/2017
Chia sẻ
Bộ Công Thương cho rằng, theo chức năng nhiệm vụ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nên góp ý từ quan điểm của doanh nghiệp chứ không phải góp ý trên quan điểm quản lý của Chính phủ.
do dau vcci quyet liet phan doi thanh lap phong thuong mai va cong nghiep duc viet
VCCI quyết liệt phản đối thành lập Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức - Việt

Trong công văn gửi các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp mới đây, Bộ Công Thương cho biết, tháng 7/2015, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam đã có công hàm gửi Bộ Ngoại giao về việc mong muốn đàm phán thành lập Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức - Việt tại TP. HCM. Chức năng nhiệm vụ của Phòng là hỗ trợ và thúc đẩy mối quan hệ kinh doanh giữa Đức và Việt Nam.

“Hiện tại, Văn phòng đại diện của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức hàng năm hỗ trợ hàng trăm công ty Đức trong hoạt động kinh doanh, tìm kiếm đối tác và đầu tư tại Việt Nam. Với mong muốn được kết nạp thành viên là doanh nghiệp Việt Nam, Phòng hy vọng sẽ hỗ trợ được cho không chỉ công ty Đức mà còn cho công ty Việt Nam trong hoạt động kinh doanh, tìm kiếm đối tác và đầu tư với doanh nghiệp Đức”, theo văn bản của Bộ Công Thương.

Ngày 11/8/2015, Văn phòng Chính phủ có công văn 6281/VPCP-QHQT chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất phía Đức và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

'VCCI không nên góp ý trên quan điểm quản lý của Chính phủ'

Từ tháng 8/2015 đến nay, Bộ Công Thương cho biết, Bộ này đã nhiều lần xin ý kiến các bộ, ngành liên quan về đề nghị này của phía Đức.

Theo Bộ Công Thương, hiện tại, các bộ, ngành đều ủng hộ chủ trương cho phép thành lập thí điểm Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức - Việt, riêng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vẫn “quyết liệt phản đối” vì lý do “chưa có luật và an ninh”.

VCCI còn quan ngại rằng, nếu cho phép thành lập Phòng Công nghiệp và Thương mại song phương, một số nước có thể tranh thủ thành lập Phòng và lôi kéo doanh nghiệp Việt với mục đích không chính đáng.

Tuy nhiên, hiện tại, hai vấn đề này đang được Chính phủ xử lý dưới hình thức thí điểm có thời hạn việc thành lập Phòng và giao Bộ Công an quản lý các vấn đề an ninh.

Bộ Công Thương cho rằng, theo chức năng nhiệm vụ, “VCCI nên góp ý từ quan điểm của doanh nghiệp chứ không phải góp ý trên quan điểm quản lý của Chính phủ”.

Do đó, Bộ Công Thương đề nghị các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp cho ý kiến và gửi tới từng doanh nghiệp trong hiệp hội để lấy ý kiến về đề nghị này của phía Đức.

Phúc đáp công văn của Bộ Công Thương, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đưa quan điểm “thống nhất với chủ trương thí điểm thành lập Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức - Việt tại TP.HCM theo đề nghị của Chính phủ Đức như đề xuất trong công văn của Bộ Công Thương”.

Theo VAFIE, Cộng hòa Liên bang Đức là quốc gia đứng đầu trong khối liên minh châu Âu (EU), có quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội rất sâu sắc với Việt Nam. Vốn ODA từ EU cho Việt Nam một phần rất lớn từ những đóng góp của Đức.

“Chúng ta cũng cần ủng hộ hơn nữa Chính phủ và Chính phủ Đức trong việc phê duyệt Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU cũng như tranh thủ sự ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa của Chính phủ Đức cho phát triển kinh tế của Việt Nam”, VAFIE nhấn mạnh.

Hình thành Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức - Việt sẽ tác động ra sao?

Theo báo cáo của Bộ Công Thương về đánh giá tác động khi cho phép thành lập Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức - Việt, về mặt ngoại giao, Đức và Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1975 và thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2011. Đức đã thể hiện sự ủng hộ của mình trong việc ủng hộ công nhận quy chế thị trường cho Việt Nam, ủng hộ Việt Nam trong vấn đề biển Đông, trong việc ký Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt 130 nghìn người hiện đang sinh sống, học tập tại Đức.

Đức cũng thể hiện thiện chí của mình với Việt Nam khi phía Đức đã mời Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 do Đức làm chủ nhà. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20.

Chính phủ Đức rất ủng hộ đề xuất này, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Kinh tế Đức đã nhiều lần nêu vấn đề này với Việt Nam. “Trong bối cảnh hiện nay giữa Việt Nam và Đức, sự đồng ý cho phép thành lập Phòng có ý nghĩa tích cực tới mối quan hệ chính trị, kinh tế vốn rất tốt đẹp giữa hai nước”, theo Bộ Công Thương.

Về kinh tế, Đức hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu. Kim ngạch xuất khẩu hai chiều giữa hai nước chiếm gần 20% kim ngạch giữa Việt Nam - EU. Năm 2016, kim ngạch hai chiều giữa hai nước đạt hơn 8,7 tỷ USD trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt hơn 5,9 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các nhà đầu tư Đức ngày càng quan tâm hơn tới thị trường Việt Nam, một số doanh nghiệp Đức còn có ý định dịch chuyển thị trường sản xuất sản phẩm từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Ngoài ra, Đức là một trong số những nước viện trợ ODA lớn và thường xuyên cho Việt Nam, tuy nhiên đầu tư của Đức vào Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng và mong muốn của hai bên.

Bộ Công Thương cho rằng, với việc thành lập Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức - Việt, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhận được cái lợi ích cụ thể khi là hội viên của Phòng như tiếp cận trực tiếp các thông tin và truy cập hệ thống của các Phòng Công nghiệp và Thương mại khu vực của Đức mà không phải trả lệ phí, có thể tham gia các chương trình kết nối doanh nghiệp hai nước, tham dự hội chợ, tham quan phòng tổ chức,...

Về an ninh, Bộ Công Thương đưa ra lập luận rằng, nếu Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức - Việt được thành lập và hoạt động hiệu quả, nhiều khả năng các nước đối tác của Việt Nam cũng đề xuất thành lập một mô hình tương tự.

“Hiện tại, Luật về Hội của Việt Nam chưa được ban hành, các nghị định hiện tại đều chưa đề cập đến một tổ chức có sự tham gia của người nước ngoài và người Việt Nam, do vậy, việc thành lập nhiều mô hình này sẽ đòi hỏi sự theo dõi và quản lý từ nhiều phía của Việt Nam”, Bộ Công Thương cho hay.

Bên cạnh đó, về vấn đề VCCI quan ngại việc một số nước có thể tranh thủ thành lập Phòng và lôi kéo doanh nghiệp doanh nghiệp Việt với mục đích không chính đáng nếu cho phép thành lập Phòng Thương mại và Công nghiệp song phương, Bộ Công Thương khẳng định, "quan ngại này cũng chưa phản ánh hết thực tế vì nếu đã công khai hoạt động dưới sự quản lý, giám sát của chính quyền thì việc lợi dụng Phòng này để tổ chức các hoạt động không chính thức sẽ rất dễ quản lý và không lo ngại như một số tổ chức hoạt động ngầm, không chính thức".

do dau vcci quyet liet phan doi thanh lap phong thuong mai va cong nghiep duc viet VCCI kiến nghị không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt

Theo đại diện VCCI, mức thuế 10% có thể không ảnh hưởng nhiều đến các gia đình ở thành thị, nhưng sẽ là tác động ...

Hồ Mai

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.