Hà Nội 19 °C | 04:48AM, 23/12/2024
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

DNNN đang ‘chậm chân’ trong công nghiệp 4.0?

11:28 | 06/11/2019
Chia sẻ
Nếu so sánh với các DN tư nhân thì mức độ sẵn sàng, thực sự ứng dụng công nghiệp 4.0 của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) chỉ ở mức độ trung bình, không đồng đều ở quy mô và tính chất sở hữu.
DNNN đang ‘chậm chân’ trong công nghiệp 4.0? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra nhận định trên tại hội thảo “Mức độ sẵn sàng của DNNN trong trong Công nghiệp 4.0: Thực trạng và kiến nghị chính sách”, sáng 5/11.

Báo cáo “Định vị doanh nghiệp Nhà nước trong công nghiệp 4.0” của CIEM cho thấy khu vực DNNN dù được kỳ vọng cao với vai trò then chốt trong nền kinh tế, trở thành động lực tăng trưởng và dẫn dắt các thành phần kinh tế khác, song hiện vẫn có vai trò khá mờ nhạt trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ.

Trong 20 ngành, lĩnh vực, DNNN chỉ vượt trội hơn khu vực tư nhân ở 3 ngành là tài chính và ngân hàng; sản xuất phân phối điện-khí-ga và giải trí. Ngoại trừ một số DNNN quy mô lớn như Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các ngân hàng quốc doanh quy mô lớn hiện đã đầu tư vào nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới của Công nghiệp 4.0, nhìn chung các DNNN Việt Nam đều chỉ mới ở ngưỡng bắt đầu của hành trình số hóa.

Đáng  lưu ý, các DNNN có tỷ lệ cổ phần Nhà nước dưới 50%, doanh nghiệp quy mô lớn hoặc thuộc các ngành có tính cạnh tranh cao tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ, chế biến chế tạo có xu hướng có điểm vận hành số hóa cao hơn mức trung bình.

Nguyên nhân của tình trạng trên, chủ yếu là do những bất cập về cơ chế chính sách đối với DNNN trong ứng dụng công nghệ 4.0.

Ông Phan Đức Hiếu, phó Viện trưởng CIEM phân tích: "Nói đến công nghiệp 4.0 là nói đến đổi mới sáng tạo, mà đổi mới sáng tạo là nói đến rủi ro rất cao. Điều này xét về mặt thể chế là rất bất lợi cho doanh nghiệp Nhà nước. 

Doanh nghiệp Nhà nước không thể dám thực hiện hoạt động đầu tư vào công nghiệp 4.0 vì phải bỏ ra một khoản đầu tư rất lớn, nhưng lợi ích mang lại có thể thành công hoặc không thành công và thành công có thể ở trong một giai đoạn rất dài".

DNNN chưa thực sự được coi là một đối tượng quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chưa có quy định, chính sách ràng buộc hợp tác, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ các DNNN để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; thiếu cơ chế tài chính phù hợp để thực hiện đầu tư, phát triển; thiếu các giải pháp cụ thể để tái cơ cấu DNNN theo hướng thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ.

Đại diện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bày tỏ quan ngại về cơ chế chính sách còn nhiều vướng mắc, như cơ chế cho phép DNNN trích 3-10% của thu nhập tính thuế để thành lập quỹ phát triển khoa học công nghệ nhưng việc triển khai lại rất khó, thậm chí không thể áp dụng được. 

Hơn nữa, vì là cơ chế sở hữu nhà nước, nên khi đầu tư vào các dự án công nghệ, người phê duyệt dự án sẽ gặp rủi ro cao nếu dự án không có lãi, trong khi chưa có chính sách nào được đưa ra để khắc phục 100%.

Trình bày về những khó khăn của DN, ông Lê Hải Đăng, Trưởng ban chiến lược phát triển của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đặc biệt nhấn mạnh đến việc thu hút nhân tài.

Hiện EVN cũng có công ty con chuyên về công nghệ thông tin nhưng cơ chế tài chính, cơ chế tiền lương không có nhiều khác biệt, nên không những khó khăn trong thu hút nhân tài mà còn rất dễ bị “chảy máu” chất xám, vì DN tư nhân có nhiều cơ chế đãi ngộ tốt hơn. 

Ngoài ra, việc triển khai công nghiệp 4.0 như blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI) còn nhiều cách hiểu chưa đồng nhất, khó ứng dụng vào DN đặc thù như EVN.

Theo ông Trịnh Đức Chiều, Phó trưởng ban Nghiên cứu Cải cách và Phát triển doanh nghiệp của CIEM, trong bối cảnh phát triển công nghiệp hóa mạnh mẽ đòi hỏi các tập đoàn kinh tế Nhà nước buộc phải thay đổi chiến lược phát triển từ khai thác tài nguyên sang dựa vào công nghệ, đổi mới và sáng tạo cho phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Việc ứng dụng được các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp tăng hiệu quả hoạt động của DNNN: Nâng cao năng suất, cải thiện quản trị, cải thiện quản lý của Chủ sở hữu, tạo thành lợi thế dẫn dắt thị trường, thúc đẩy hợp tác… từ đó sẽ tăng hiệu quả cho công tác đổi mới, tái cơ cấu DNNN, nhất là những DN còn yếu kém. 

Vì thế, nhiều DN đã nhanh chóng triển khai ứng dụng công nghệ 4.0 như xây dựng nhà máy thông minh, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), quản trị điện tử…

Để DNNN chủ động hơn trong việc nắm bắt cơ hội cũng như chủ động tiếp cận với công nghiệp 4.0, nhóm tác giả của CIEM đề xuất, Chính phủ cần triển khai một cách cụ thể hoá các nhiệm vụ giải pháp. Trong đó, cần có cơ chế cho DNNN thực hiện đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm, đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Trong các lĩnh vực cụ thể, DNNN được coi là có thể nắm giữ các vai trò quan trọng trong các ngành hỗ trợ cho quá trình đổi mới, sáng tạo như phát triển hạ tầng, an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, phát triển bao trùm, tạo cơ hội việc làm bình đẳng cho nhóm yếu thế, nữ giới, người khuyết tật… 

Tuy nhiên, trong các ngành, công nghệ trọng điểm của công nghiệp 4.0, DNNN sẽ không nhất thiết phải đóng vai trò dẫn dắt, mà nên để cho khu vực kinh tế tư nhân năng động và chấp nhận rủi ro cao hơn đảm nhận.

Công nghiệp 4.0 được dự báo sẽ làm thay đổi căn bản cấu trúc nền kinh tế Việt Nam. Trong kịch bản lạc quan nhất, công nghiệp 4.0 có thể làm gia tăng GDP tới 28,5 - 63 tỷ USD vào năm 2030, tương ứng với mức tăng thêm từ 7-16% GDP so với kịch bản hoàn toàn không áp dụng công nghiệp 4.0.

MK