|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

DN ngành cao su, nhựa Việt Nam gặp cạnh tranh với nhóm FDI

13:32 | 04/10/2019
Chia sẻ
Mặc dù doanh nghiệp ngành cao su và nhựa còn nhiều hạn chế về vốn, công nghệ, năng lực cạnh tranh... nhưng đây lại chính là điều kiện để doanh nghiệp mạnh dạn thay đổi, chuyển mình trong khó khăn.

Ngành cao su, nhựa tăng trưởng nhờ phần lớn từ nhóm FDI

Năm 2019, ngành cao su Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ hai về năng suất, thứ ba về sản lượng và thứ tư về xuất khẩu trên thị trường cao su thiên nhiên thế giới.

Cụ thể, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lũy kế khối lượng và giá trị xuất khẩu cáo su Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,12 triệu tấn và 1,53 tỉ USD, tăng gần 9% về khối lượng và tăng 7,3% về giá trị so với cùng kì năm 2018.

Số liệu thống kê của Hiệp hội cao su Việt Nam cho biết năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cao su thiên nhiên đạt 2,1 tỉ USD. 

Các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề chế biến sản phẩm cao su như lốp xe, linh kiện cao su, cao su kĩ thuật… cũng góp phần đưa tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu sản phẩm cao su đạt trên 16,5 %/năm, với kim ngạch năm 2018 đạt xấp xỉ 2,4 tỉ USD.

Nguyên liệu gỗ cao su và sản phẩm gỗ cao su cũng đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 2,1 tỉ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cao su Việt Nam ước đạt 6,6 tỉ USD.

bacfa984c8d32e8d77c2

Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội cao su TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh.

Trao đổi với người viết tại Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp Nhựa và Cao su 2019 (VietnamPlas 2019) diễn ra từ ngày 3 - 6/10 tại TP HCM, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội cao su TP HCM, cho biết: "Lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu trên 1 tỉ USD lốp xe. Riêng cao su thiên nhiên giảm là do giá giảm sâu. 

Năm nay ước tính Việt Nam sẽ xuất khẩu trên 2 tỉ USD bao gồm cao su thiên nhiên và các sản phẩm từ cao su".

Nguyên nhân của sự tăng trưởng này theo ông Quốc Anh là do một số nhà đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam bắt đầu phát huy được công suất cũng như một số nhà đầu tư Trung Quốc, Hàn Quốc... đang tập trung đầu tư kĩ thuật tại Việt Nam để cung cấp cho công nghiệp phụ trợ ngành ô tô và các ngành thiết bị khác.

"Đây là tín hiệu tích cục giúp giải quyết đầu ra cho ngành cao su thiên nhiên của Việt Nam. Sắp tới sẽ có thêm một số nhà máy đi vào hoạt động thì chắc chắn lượng xuất khẩu lốp xe trong năm 2020 sẽ tăng đột biến", Chủ tịch Hội cao su TP HCM nhấn mạnh.

Không chỉ cao su, đối với ngành nhựa của Việt Nam cũng có sự tăng trưởng ấn tượng. Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội nhựa Việt Nam, cho biết xuất khẩu ngành nhựa đạt trên 3 tỉ USD/năm với doanh thu trên 12 tỉ USD/năm. Đặc biệt giá trị xuất khẩu luôn tăng trưởng trên 12%/năm.

"Mục tiêu ngành nhựa xuất khẩu 3,2 tỉ USD. Với tốc độ như hiện nay thì ngành nhựa sẽ thực hiện tốt mục tiêu này bởi các doanh nghiệp đang có rất nhiều thuận lợi trong việc xuất khẩu, trong đó có sự tác động của chiến tranh thương mại khiến việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ có sự tăng trưởng khả quan.

Và việc tăng xuất khẩu sẽ kéo doanh thu toàn ngành tăng. Kế hoạch dự kiến doanh thu toàn ngành đạt 14 tỉ USD trong 2019". ông Lam dự báo.

Cạnh tranh về nguồn vốn, lao động

Theo ông Lam, thực tế hiện nay sự chuyển dịch của một số nhà cung cấp trong khu vực vào Việt Nam để có xuất xứ Việt Nam và xuất khẩu đi các thị trường khác chính thách thức lớn, khiến sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành ngày càng khốc liệt.

Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải đổi mới, đầu tư công nghệ mới để cạnh tranh với nhà đầu tư nước ngoài.

Đây cũng là quan điểm của đại diện Hội cao su TP HCM khi cho rằng thực tế doanh nghiệp Việt Nam dù có khả năng xuất khẩu nhưng khó khăn về nguồn vốn để đầu tư mới thiết bị cũng như nguồn lao động khan hiếm cũng khiến ngành hàng có sự kìm hãm nhất định.

"So với các nhà đầu tư FDI, lãi suất vay của họ chỉ khoảng 2 - 3%/năm nhưng ở Việt Nam muốn vay thì phải chịu lãi trên 10%. Đây là cái khó của doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi đó, bây giờ là 4.0 rồi, không thể dùng thiết bị cổ điển nữa mà phải dùng công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, vấn đề của đầu tư lại là thiếu vốn", ông Quốc Anh chia sẻ.

Ngoài ra, doanh nghiệp ngành cao su cũng đang khó về lao động khi chi phí cho nguồn lao động của Việt Nam càng ngày càng tăng lên như lương cơ bản tăng, điện tăng, chi phí lao động tăng... Trong khi đó, doanh nghiệp FDI vào Việt Nam ngày càng tăng càng khiến nguồn cung lao động trở nên căng thẳng.

Bên cạnh đó, hạn chế lớn của ngành về mặt hàng cao su thiên nhiên là cơ cấu chủng loại chưa phù hợp, chất lượng chưa đồng đều và ổn định, tỉ lệ tiêu thụ trong nước còn thấp. Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến sản phẩm cao su nội địa chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, Việt Nam hiện vẫn phải nhập khẩu nhiều sản phẩm cao su.

49cedf86bed1588f01c0

Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội nhựa Việt Nam. Ảnh: Như Huỳnh.

Theo đó, Chủ tịch Hiệp hội nhựa Việt Nam cho hay: "Nếu việc cạnh tranh lành mạnh và có điều kiện trong đầu tư sản xuất và nguyên liệu đầu vào thì doanh nghiệp Việt Nam có thể tự tin cạnh tranh với các sản phẩm của doanh nghiệp Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia...

Và hội chợ VietnamPlastic 2019 lần này chính là cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận thiết bị, công nghệ hiện đại và nguyên vật liệu phục vụ ngành nhựa".

Triển lãm VietnamPlastic năm nay thu hút hơn 520 nhà cung cấp thiết bị, máy móc, nguyên phụ liệu hàng đầu của quốc gia, vùng lãnh thổ bao gồm Áo, Australia, Bỉ, Trung Quốc, Đức, Ấn Độ, Italy, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Singapore, Hàn Quốc... 

Không chỉ có thiết bị, máy móc hiệu suất cao, triển lãm còn giới thiệu nhiều loại nguyên liệu khác nhau như hạt nhựa màu, phụ gia PVC, polymer kĩ thuật cùng nhiều hợp chất khác.

6656de1bbf4c5912005d

Các loại máy in hiện đại được doanh nghiệp trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Như Huỳnh.

78e4dea4bff359ad00e2

Nhiều sản phẩm từ nhựa, cao su với đa dạng kiểu dáng, chất lượng cũng được giới thiệu đến khách tham quan. Ảnh: Như Huỳnh.

5932167177269178c837

Doanh nghiệp và đối tác trực tiếp tìm hiểu nhu cầu và sản phẩm tại triển lãm. Ảnh: Như Huỳnh.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội cao su TP HCM cho rằng việc tham gia các triển lãm như VietnamPlas 2019 với sự qui tụ những máy móc, thiết bị, nguyên liệu hiện đại chính là tạo bệ đỡ về kĩ thuật lẫn nguyên vật liệu phục vụ cho doanh nghiêp Việt Nam.

"Thị trường xuất khẩu đang tiềm năng và có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong nước. Do đó để cạnh tranh tốt hơn, các nhà sản xuất phải tính đến chuyện đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, đặc biệt là những công nghệ sản xuất tiết kiệm điện, thân thiện môi trường…", ông Quốc Anh nhấn mạnh.

Như Huỳnh