DN công nghệ Việt chưa dám chạy hết tốc độ do thiếu cơ chế pháp lý
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, dù có thực lực cạnh tranh song DN công nghệ Việt vẫn chưa dám dấn thân sáng tạo hết mình bởi thiếu hành lang pháp lý
Chiều 24/6, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam”.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Lê Thành Long, hội thảo là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng pháp luật được lắng nghe, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (start-up) để nhận diện đầy đủ về nhu cầu xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, từ đó có những định hướng và giải pháp xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam để tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thuận lợi nhằm khai thác cơ hội do cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, đồng thời hạn chế, kiểm soát những tác động tiêu cực phát sinh.
Qua đây, lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng bày tỏ trăn trở trước những ý kiến cho rằng các doanh nghiệp công nghệ, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, các chuyên gia Việt Nam hoàn toàn có thực lực và sức mạnh để cạnh tranh trong nền kinh tế mới nhưng chưa dám dấn thân sáng tạo hết mình, chưa dám chạy hết tốc độ do thiếu hành lang và những bảo đảm an toàn pháp lý cần thiết hoặc do những hạn chế, bất cập trong chính sách quản lý hoặc trong pháp luật hiện hành.
“Thời gian tới, cần sớm hoàn thiện hạ tầng pháp lý, bảo đảm an toàn cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, hoàn thiện pháp luật về đầu tư mạo hiểm, bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài, có ưu đãi thuế hợp lý đối với tài năng về công nghệ cao để tránh chảy máu chất xám. Sớm hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia và các cơ sở dữ liệu quan trọng; sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống xác thực và định danh điện tử công dân; xây dựng văn bản pháp luật để triển khai đồng bộ, thực chất, hiệu quả chủ trương, định hướng xây dựng đô thị thông minh”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh.
Theo Ban tổ chức, Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến nhận diện những vấn đề pháp lý mới phát sinh. Các chuyên gia đã đưa ra những đánh giá mức độ thích ứng của hệ thống pháp luật Việt Nam trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nhiều ý kiến tham luận cũng đưa ra những đề xuất các định hướng lớn cũng như những giải pháp thiết thực nhằm xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan tới quyền tài sản, sở hữu trí tuệ, đầu tư mạo hiểm, tài sản số, quản lý thuế, bảo hộ dữ liệu cá nhân, chứng cứ số… Qua đó, góp phần quan trọng trong việc quản trị rủi ro, kiểm soát những tác động bất lợi; đồng thời tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong việc đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô và chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.