|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Dior, Chanel, Gucci… lọt top các công ty nộp thuế thu nhập nhiều nhất Việt Nam

12:11 | 19/10/2023
Chia sẻ
Dù xuất hiện từ sớm, song các thương hiệu xa xỉ vẫn đang thận trọng trong việc mở mới cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam.

Cửa hàng flagship đầu tiên của Dior tại Hà Nội. (Ảnh: Dior Việt Nam).

Trong danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2022 do Tổng Cục Thuế công bố, có sự góp mặt của 6 đơn vị kinh doanh và phân phối các sản phẩm hàng hiệu.

Đóng thuế nhiều nhất trong lĩnh vực phân phối hàng hiệu tại Việt Nam là Công ty TNHH Christian Dior Việt Nam. 

Dior Việt Nam được thành lập từ cuối năm 2012 với ngành nghề kinh doanh chính là bán lẻ. Trụ sở công ty đặt tại toà nhà Tung Shing Square, Hà Nội. Đại diện pháp luật là ông Lam Tsz Kiu quốc tịch Anh.

Công ty có vốn điều lệ 199 tỷ đồng, 100% nguồn vốn nước ngoài. 

Có mặt tại Việt Nam từ cuối năm 2012, nhưng tới năm 2020 Dior mới chính thức khai trương cửa hàng flagship rộng 500 m2 tại toà nhà International Centre, Hoàn Kiếm, Hà Nội. 

Ngoài Dior Việt Nam, còn 5 thương hiệu khác cũng góp mặt trong danh sách nộp thuế nhiều nhất, lần lượt gồm: L'Oréal Việt Nam, Chanel Việt Nam, Louis Vuitton Việt Nam, Gucci và Adidas Việt Nam.

Thị trường hàng xa xỉ ở Việt Nam được giới phân tích đánh giá là hấp dẫn khi doanh thu tăng trưởng 34% trong năm ngoái, và tiếp tục tăng trưởng thêm 4% mỗi năm tới năm 2025, theo ước tính của Statista.

Tuy nhiên, các ông lớn như Louis Vuitton, Dior... vẫn chưa mở nhiều cửa hàng tại Việt Nam, nguyên nhân là do gặp khó trong việc tìm kiếm mặt bằng phù hợp. 

Ông Nick Bradstreet - Giám đốc Bộ phận Bán lẻ khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Savills, cho biết thị trường Việt Nam đang có lợi thế để bật cao hơn so với những thị trường lớn trong Đông Nam Á như Singapore và Thái Lan. 

Hầu hết các thương hiệu nổi tiếng quốc tế đều đã có mặt tại những thị trường này. Louis Vuitton, Dior đều đã có 5 đến 6 cửa hàng tại Singapore và Bangkok. Trong khi đó, các thương hiệu này chỉ mới mở khoảng một đến hai cửa hàng tại các thành phố lớn của Việt Nam. 

Theo chuyên gia Savills, các thương hiệu xa xỉ có thói quen đặt cửa hàng tại các trung tâm thương mại trên những trục phố “đắt giá”, ví dụ như IFC Mall của Hong Kong hay IAPM Mall của Thượng Hải. Tuy nhiên, nguồn cung phù hợp tiêu chuẩn tại Việt Nam vẫn còn rất hạn chế.

Đức Huy

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.