Dính bê bối tài chính vẫn được bầu làm Phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF
Bắt quả tang bảo vệ thuộc VFF phe vé trận Việt Nam - Philippines |
Dính bê bối tài chính vẫn được bầu làm Phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF |
Kết quả bầu cử các chức danh chủ chốt của VFF khóa 8 đã gây ra nhiều cảm xúc trái chiều. Trong đó cuộc chạy đua vào 3 chức danh phó chủ tịch khiến người trong cuộc hồi hộp còn người ngoài cuộc nín thở chờ đợi. Lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá VN, có tới 12 ứng viên cho 3 chức danh và cuộc chạy đua diễn ra âm thầm nhưng quyết liệt từ nhiều tháng nay.
Không có bất ngờ ở cuộc đua phó chủ tịch chuyên môn khi ông Trần Quốc Tuấn chỉ phải “đối đầu” hai đối thủ “nhẹ ký” là Trưởng văn phòng đại diện VFF phía nam Dương Vũ Lâm và Trưởng ban Bóng đá chuyên nghiệp VFF Phạm Ngọc Viễn. Một lần nữa ông Tuấn được ngồi lại vị trí quan trọng này với số phiếu áp đảo 57/69 (đạt 82,61%). Trong 4 năm tại vị ở VFF khóa 7, với vai trò Phó chủ tịch thường trực, phụ trách chuyên môn, ông Tuấn có nhiều đóng góp cho sự thành công của nhiều đội tuyển quốc gia và tạo được uy tín đối với AFC, AFF.
Chiếc ghế phó chủ tịch phụ trách truyền thông đã thuộc về ông Cao Văn Chóng - nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF), hiện đang giữ chức Giám đốc điều hành phụ trách truyền thông Tổng công ty đầu tư và phát triển công nghiệp Becamex IDC. Ông Chóng được 42/69 phiếu, đạt 60,68%.
Cơ quan cũ nợ thuế, vẫn trúng cử Phó Chủ tịch tài chính VFF
Trở lại cuộc đua tại đại hội khóa 8. Có 4 ứng viên phó chủ tịch tài chính, ông Cấn Văn Nghĩa được 31/69 phiếu (đạt 44,9%) và ông Lê Văn Thành - Chủ tịch Công ty Động Lực được 20/69 phiếu (đạt 28,9%), đạt số phiếu cao nhất, nhì nhưng không quá bán nên buộc phải bước vào vòng “đấu loại trực tiếp”. Ở lần bầu lại, ông Nghĩa giành chiến thắng với 36/67 phiếu (2 phiếu không hợp lệ). Một ủy viên Ban chấp hành đã phải thốt lên bên lề đại hội: “Chúng tôi thực sự khá sốc với kết quả này. E rằng lại một nhiệm kỳ sóng gió của VFF”.
Nếu như việc tái đắc cử của ông Trần Quốc Tuấn và đắc cử của ông Cao Văn Chóng mang nhiều tính thuyết phục vì hai nhân vật này đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong hoạt động của nền bóng đá VN thì trường hợp trúng cử của ông Cấn Văn Nghĩa gây sốc, thậm chí nhức nhối. Trong thời gian giữ cương vị Giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia (ông Nghĩa về hưu tháng 9.2018), ông Nghĩa dính đến nhiều vụ lùm xùm của cơ quan này. Đến thời điểm hiện tại, khu liên hợp vẫn đang trong diện bị truy thu tiền thuê đất 314 tỉ đồng mà không có khả năng chi trả. Ngoài ra, khu liên hợp vẫn đang bị cơ quan thuế tiến hành truy thu số tiền nợ thuế hơn 69 tỉ đồng. Dưới sự chỉ đạo của ông Nghĩa, khu liên hợp đã tiến hành cho thuê đất tràn lan, không đúng quy định của nhà nước, khi nhiều địa điểm thuê đất đã biến thành nơi massage, bán bia hơi… Bộ VH-TT-DL đã phải đưa ra quyết định yêu cầu khu liên hợp thu hồi lại những phần đất cho thuê, trả lại nguyên trạng những khu đất đã được quy hoạch để xây dựng các công trình thể thao. Hạn là hết tháng 9 nhưng đã sắp hết năm 2018 mà khu liên hợp vẫn chưa thể thu hồi xong.
Ngay sau có kết quả bầu cử, Báo Thanh Niên đã đặt hai câu hỏi cho ông Nghĩa: “Năm 2018, VFF kiếm được 92 tỉ đồng. Con số này có khiến ông bị áp lực không? Hiện tại, tiền lương của HLV Park Hang-seo vẫn do bầu Đức chi trả. Liệu VFF có đủ khả năng tự làm việc này mà không cần phải dựa vào doanh nhân như ông Đức không?”. Ông Nghĩa trả lời: “Tôi đọc báo cáo tài chính của VFF khóa 7 thì thấy năm sau luôn cao hơn năm trước. Tổng số tiền thu từ tài trợ và quảng cáo của khóa 7 khoảng 339 tỉ đồng. VFF khóa 8 sẽ cố gắng tăng 110 - 120% sau mỗi năm để cả khóa đạt khoảng 400 tỉ, dù nhiệm vụ đặt ra chỉ là 247 tỉ. Về khoản lương của ông Park hay các HLV giỏi khác cho các đội tuyển VN, chúng tôi sẽ tính toán lại để có thể tự trang trải. Quan điểm của tôi là việc kiếm tiền cho bóng đá VN sẽ không quá khó khăn nếu chúng ta xây dựng được một nền bóng đá sạch, các CLB thi đấu sạch, thu hút được khán giả đến sân, thương hiệu được quảng bá, bán được vé xem trận đấu. Tôi cũng sẽ tham mưu, tư vấn cho Chủ tịch và lãnh đạo VFF cần có những đề nghị hợp lý, thiết thực để trình lên Chính phủ, cần có những cơ chế, chính sách phù hợp giúp VFF, các CLB có thể lo được tài chính”.
Chủ giải phủi trúng ban chấp hành Bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành VFF kéo dài gần 5 giờ đồng hồ - thời gian kéo dài kỷ lục. Đến 22 giờ 30, đại hội mới bầu xong 13 ủy viên Ban chấp hành (có 17 thành viên, trong đó chủ tịch và 3 phó chủ tịch sau khi trúng cử nghiễm nhiên là ủy viên theo đúng quy định của Điều lệ VFF). Chỉ có 6 ủy viên trúng cử ngay vòng 1 gồm: Ông Trần Anh Tú, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VPF (42/62 phiếu); ông Nguyễn Quốc Hội, Chủ tịch CLB Hà Nội (39 phiếu); ông Lê Văn Thành, Chủ tịch Công ty Động Lực (37 phiếu); ông Phạm Ngọc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Vietfootball, chủ giải phủi HPL, SPL (37 phiếu); ông Bùi Xuân Hòa, Chủ tịch CLB SHB Đà Nẵng (34 phiếu); ông Nguyễn Hồng Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đá SLNA kiêm Chủ tịch CLB SLNA (31 phiếu). 7 ủy viên trúng cử vòng 2 gồm: ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch CLB Hải Phòng (31 phiếu); ông Phạm Thanh Hùng, Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh (29 phiếu); ông Nguyễn Tấn Anh, Trưởng đoàn CLB HAGL (27 phiếu); ông Đỗ Mạnh Dũng, Giám đốc Trung tâm thể thao Viettel (25 phiếu); ông Nguyễn Húp, Chủ tịch CLB Quảng Nam (23 phiếu); ông Dương Văn Hiền, Phó ban Trọng tài VFF (22 phiếu); ông Võ Minh Trí, Phó ban Trọng tài Liên đoàn Bóng đá TP.HCM (22 phiếu). Trong cuộc họp Ban chấp hành đầu tiên của khóa mới vào đêm qua, VFF vẫn quyết định chọn ông Lê Hoài Anh - Tổng thư ký VFF khóa 7 tiếp tục giữ cương vị này của khóa 8. Trung Ninh |
Xem thêm |