Điều tra chống bán phá giá tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc
Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) mới đây đây quyết định điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc (Mã vụ việc AD19).
Thời kỳ điều tra hành vi bán phá giá và xác định thiệt hại là từ ngày 1/4/2023 đến ngày 31/3/2023.
Trước đó, ngày 11/5/2023, Cục Phòng vệ Thương mại nhận được hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Bên yêu cầu gồm 5 công ty là Hoa Sen, Nam Kim, Tôn Phương Nam, Tôn Đông Á, China Steel & Nippon Steel Việt Nam.
Các doanh nghiệp này đã cung cấp chứng cứ về hành vi bán phá giá và đề nghị điều tra, xác định biên độ bán phá giá đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là 69,23% và Hàn Quốc là 3,41%.
Trước đó, Việt Nam đã áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ (còn gọi là tôn mạ) nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc vào năm 2017 với mức thuế cao nhất là 38,34%. Mã vụ việc ER01.AD02. Sau 5 năm áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Bộ Công Thương quyết định chấm dứt lệnh này.
Tuy nhiên, đến năm 2023, các doanh nghiệp thép nộp hồ sơ để kiến nghị Cục Phòng vệ Thương mại khởi xướng điều tra lại vụ việc AD02.
Chia sẻ tại hội nghị tổng kết ngành thép năm 2023 và kế hoạch 2024 của Hiệp hội Thép Việt Nam hồi đầu năm, ông Vũ Văn Thanh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen, cho biết kể từ khi Việt Nam dừng vụ AD02, lượng tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng rõ rệt.
“Các doanh nghiệp cực kỳ khó khăn trong việc cạnh tranh. Dưới góc độ ngành sản xuất tôn mạ, chúng tôi mong muốn Cục Phòng vệ Thương mại đẩy nhanh tiến độ vụ AD02”, ông Thanh nói.
Theo thống kê từ Hiệp hội Thép Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2023, Việt Nam đã khởi xướng điều tra 10 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến sản phẩm thép nhập khẩu. Trong đó, đa phần các vụ việc, sản phẩm thép có xuất sứ từ Trung Quốc.