|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Điều nhân nhập khẩu lấn át hàng sản xuất trong nước, Bộ trưởng Công Thương nói gì?

22:44 | 15/08/2023
Chia sẻ
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết cây điều nước ta có sản lượng nhỏ, chất lượng không ổn định nên nếu phải nhập khẩu để duy trì ngành chế biến, giữ thương hiệu và thị trường cũng là điều có thể cân nhắc.

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/8, đại Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) cho biết trong nhiều năm qua, ngành điều luôn đóng vai trò quan trọng trong nông nghiệp, tuy nhiên thời gian gần đây vị trí nhà xuất khẩu điều lớn nhất thế giới của Việt Nam đang bị lung lay vì điều nhân nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam.

Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, hiện cả điều nhân và điều thô nhập khẩu vào nước ta đều được miễn thuế. Do vậy, các doanh nghiệp có xu hướng tăng nhập khẩu điều nhân, chỉ sản xuất vài công đoạn cuối, bỏ phí dây chuyền hiện đại đã đầu tư. Điều này vừa ảnh hưởng đến trồng trọt, sản xuất điều thô trong nước, vừa ảnh hưởng đến thương hiệu của nước ta.

Đại biểu đoàn Bình Phước đề nghị Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nêu rõ những giải pháp để ngành điều nước ta phát triển bền vững trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi chất vấn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết ông rất bất ngờ khi đến thăm vườn điều và biết được thu nhập của nông dân chỉ 40 triệu đồng/năm, thấp hơn cả thu nhập của nông dân trồng lúa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thu nhập thấp khiến nhiều người trồng điều chặt bỏ cây, chuyển sang trồng sầu riêng.

Liên quan đến việc nhập khẩu điều, Bộ trưởng cho biết trước đây Việt Nam chủ yếu nhập khẩu điều thô từ các quốc gia Tây Phi, tuy nhiên hiện các nước này đang hạn chế xuất khẩu điều thô, tăng cường chế biến và xuất khẩu điều nhân. Trong khi đó, hạt điều sản xuất tronng nước chỉ đáp ứng 20-30% nguyên liệu cho xuất khẩu.

“Có thời điểm, chúng ta mong muốn và hào hứng Bình Phước sẽ trở thành thủ phủ của cây điều và Việt Nam đứng đầu thế giới về điều. Nhưng bối cảnh hiện nay đã thay đổi, các nước châu Phi đã được EU hỗ trợ cả ngành công nghiệp chế biến điều”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Để giữ vị thế của nhà xuất khẩu điều lớn nhất thế giới, Bộ trưởng NN&PTNT cho rằng ngành hàng này cần tái cấu trúc, tính toán lại liên kết từ nông dân, doanh nghiệp đến hiệp hội.

Về phía Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng cho biết Bộ đang thí điểm trồng nấm linh chi đỏ dưới tán điều ở Bình Phước, nghĩa là một mảnh đất tích hợp đa giá trị, chỉ khi ấy người nông dân mới có thể giữ cây điều. Nếu bản thân cây điều đứng độc lập sẽ không thể cạnh tranh với các cây trồng khác có giá trị hơn, điển hình như sầu riêng.

Ngoài ra, Bộ cũng đang trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, trong đó điều cũng là một dạng rừng, để tạo ra sinh kế nhiều hơn, ngoài nguồn thu hoạch từ điều trên tán.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên. (Ảnh: Thanh Niên)

Cùng trả lời câu hỏi của đại biểu Điều Huỳnh Sang, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận rằng nhập khẩu điều nhân và điều thô sẽ phần nào ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, tuy nhiên trong nền kinh tế thị trường Nhà nước – doanh nghiệp – người kinh doanh đều phải tuân thủ quy luật khách quan như cung - cầu, cạnh tranh và lưu thông tiền tệ.

“Hiện, 74% hàng xuất khẩu thuộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và hầu hết nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp này là nhập khẩu. Do vậy tương tự với ngành điều, có phải nhập khẩu để duy trì ngành chế biến hạt điều, giữ thương hiệu và thị trường cũng là điều cần cân nhắc”, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói.

Mặt khác, Bộ trưởng Công Thương cho rằng cây điều Việt Nam có sản lượng nhỏ, chất lượng không ổn định cũng là rào cản cho nước ta giữ thương hiệu và thị trường. Nếu trên cùng diện tích đó, các cây trồng khác có giá trị hơn thì chúng ta cũng cần tính toán.

Bộ trưởng Công Thương đề nghị các địa phương có vùng trồng điều cần quy hoạch lại để có diện tích đủ lớn, áp dụng công nghệ để có chất lượng sản phẩm ổn định cho xuất khẩu.

Trước phiên chất vấn này, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cũng từng đưa ra cảnh báo về việc cho phép nhập khẩu điều nhân vào Việt Nam mà không kèm theo các biện pháp bảo vệ ngành chế biến điều trong nước đang ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và tương lai ngành điều.

Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Vinacas cho biết hiện nay các nước ở châu Phi và Campuchia đang định hướng phát triển công nghiệp chế biến điều, giảm dần xuất điều thô.

Vì vậy, họ đưa ra nhiều chính sánh ưu đãi, hỗ trợ để thu hút đầu tư các nhà máy chế biến. Đồng thời với điều thô xuất khẩu, các nước quy định và giám sát chặt giá xuất khẩu tối thiểu và áp mức thuế xuất khẩu cao. Còn với điều nhân xuất khẩu, họ miễn thuế.

Trong khi đó, cả điều thô và điều nhân khi nhập vào Việt Nam để chế biến, xuất khẩu đều được miễn thuế.

Sự khác biệt về chính sách đang tạo ra sự bất bình đẳng trong thương mại giữa doanh nghiệp chế biến hai nước, tạo điều kiện cho điều nhân từ châu Phi nhập khẩu vào Việt Nam. Ông Nhựt khẳng định điều này chẳng những không đem lại lợi ích gì cho đất nước mà còn đem đến những nguy cơ lớn đối với toàn ngành điều Việt Nam.

“Điều nhân nhập về có chất lượng thấp, khi đóng gói xuất cho đối tác sẽ làm giảm chất lượng chung của ngành điều Việt Nam, làm mất dần uy tín và thị phần của điều nhân Việt Nam trên thương trường quốc tế”, ông Bạch Khánh Nhựt cảnh báo.

Từ những phân tích trên, Vinacas đề nghị Bộ Công Thương ban hành các biện pháp phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật phù hợp, tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp chế biến và kinh doanh điều nhân trên thị trường quốc tế.

Vinacas đề nghị Bộ Công Thương đàm phán, ký các hiệp định song phương với từng nước về miễn thuế xuất nhập khẩu với hàng hóa của nhau; trong đó có việc nước bạn miễn thuế với điều thô xuất khẩu sang Việt Nam. 

Trong trường hợp phía nước bạn không đồng thuận, Vinacas đề nghị các bộ, ngành và Chính phủ xem xét, áp dụng nguyên tắc “có đi có lại” trong quan hệ quốc tế để không miễn thuế nhập khẩu với nhân điều vào Việt Nam.

Đồng thời áp thuế 25% với hạt điều đã bóc vỏ (Mã 0801.32.00) theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Nghị định 57; áp giá nhập khẩu tối thiểu đối với nhân điều vào Việt Nam. 

Hoàng Anh