|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Điều gì sẽ xảy ra với Twitter sau khi Elon Musk nắm được quyền lực trong tay?

09:56 | 08/04/2022
Chia sẻ
Elon Musk thực sự có bao nhiêu quyền lực tại Twitter ở thời điểm hiện tại và tham vọng của vị tỷ phú với mạng xã hội này là gì?

Sự kết hợp của Elon Musk và Twitter chính là tâm điểm trong những ngày gần đây. Với người dùng Twitter, chắc chắn họ đã quá quen thuộc với những bài tweet của người đàn ông giàu nhất hành tinh, nhưng việc Elon Musk trở thành cổ đông và tham gia ban điều hành của mạng xã hội thì dường như là một điều bất ngờ.

Elon Musk đã mua 9,2% cổ phần của Twitter với mức định giá rơi vào khoảng 3 tỷ USD. Cần phải nói rằng người ta ngạc nhiên vì hiếm khi chứng kiến tỷ phú Elon Musk đầu tư nhiều tiền như vậy. Số cổ phần của CEO Tesla ở Twitter hiện còn nhiều hơn cả nhà đồng sáng lập và cựu CEO mạng xã hội này là Jack Dorsey, người đã từ nhiệm và sẽ rời HĐQT vào cuối tháng 5. Dorsey chỉ sở hữu hơn 2% cổ phần công ty.

Theo CNBC, nhiệm kỳ tạihội đồng quản trị (HĐQT) Twitter của Elon Musk sẽ kéo dài đến năm 2024 và về lý thuyết, tỷ phú Elon Musk đã trở thành một nhân vật quyền lực ở Twitter, thậm chí là lớn hơn so với Dorsey trong tương lai.

“Mong được hợp tác với [CEO Twitter Parag Agrawal] và HĐQT Twitter để tạo ra những cải tiến đáng kể cho Twitter trong những tháng tới!” Elon Musk đã tweet vào hôm 5/4.

 CEO SpaceX và Tesla đã tham gia ban lãnh đạo Twitter sau khi mua lượng lớn cổ phần của mạng xã hội này. (Ảnh: SpaceX).

Trước đó, trong một tweet đăng ngày 26/3, Elon Musk cáo buộc Twitter "không tuân thủ các nguyên tắc tự do ngôn luận". Vị tỷ phú cũng đã "suy nghĩ nghiêm túc" đến việc xây dựng nền tảng truyền thông xã hội của riêng mình. Tuy nhiên, theo một hồ sơ tại Ủy ban Chứng khoán, Elon Musk đã mua lại cổ phần của Twitter từ ngày 14/3. Như vậy, có vẻ như CEO Tesla đã nhắm đến Twitter từ trước và âm thầm "gom" cổ phần của mạng xã hội này.

Hôm 5/4, Twitter lưu ý rằng cổ phần của Elon Musk trong công ty không được vượt quá 14,9% trong suốt nhiệm kỳ hội đồng quản trị của ông. Tuy vậy, các nhà phân tích nói với CNBC rằng Elon Musk vẫn có thể tìm cách tăng cổ phần sở hữu của mình theo thời gian. Trong khi đó, các nhà đầu tư dường như đang đặt cược rằng Elon Musk có thể kiểm soát Twitter. Giá cổ phiếu của công ty truyền thông xã hội đã tăng 27% vào hôm 4/4 và tiếp tục tăng sau khi công ty công bố Elon Musk dưới tư cách thành viên HĐQT. 

Quyền lực của Elon Musk tại Twitter lớn đến đâu?

Về lý thuyết, cổ phần của Elon Musk tại Twitter được phân loại là "thụ động", điều đó có nghĩa là nó dưới ngưỡng 10% để một cổ đông được coi là cổ đông “active" hay "activist”  (cổ đông sử dụng cổ phần vốn chủ sở hữu trong một công ty để gây áp lực lên việc quản trị của công ty đó - PV).

Thông thường, các cổ đông thụ động không cố gắng kiểm soát nhiều đối với việc ra quyết định của ban lãnh đạo công ty. Nhưng theo CNBC, Elon Musk có thể là ngoại lệ cho quy tắc đó.

Hội đồng quản trị của Twitter hiện có 11 thành viên, và Elon Musk đã trở thành thành viên thứ 12 trong hội đồng quản trị, ít nhất là cho đến khi Dorsey rời đi vào tháng tới. Bên cạnh đó, ông cũng sở hữu hơn 9% số phiếu bầu của cổ đông. Về mặt chức năng, điều đó có nghĩa là ông sẽ cần nhiều sự hỗ trợ từ các thành viên hội đồng quản trị và cổ đông khác để có được sự đồng thuận của họ với bất kỳ đề xuất nào trong tương lai.

Thực tế, Elon Musk dường như có đủ khả năng để thuyết phục các thành viên HĐQT cũng như cổ đông. Ông sở hữu hơn 80 triệu người theo dõi trên Twitter và cũng là người giàu nhất hành tinh.

Việc Twitter nhanh chóng bổ sung Elon Musk vào hội đồng quản trị cho thấy rằng ban lãnh đạo của họ ít nhất cũng sẵn sàng "chào đón" các ý tưởng của tỷ phú. Trong các dòng tweet hôm 5/4, CEO Agrawal ám chỉ rằng Elon Musk có thể đã có được sự ủng hộ từ các thành viên khác trong HĐQT và CEO Twitter cho rằng các cuộc trò chuyện gần đây với Elon Musk khiến ban lãnh đạo tin rằng “ông ấy sẽ mang lại giá trị to lớn”.

“Ông ấy vừa là một tín đồ cuồng nhiệt vừa là một nhà phê bình về dịch vụ, đây chính là điều chúng tôi cần ở Twitter cũng như trong hội đồng quản trị, để giúp chúng tôi mạnh mẽ hơn trong dài hạn”, Agrawal nói thêm.

Trong một động thái khác, Jack Dorsey cũng đã công khai ủng hộ Elon Musk trở thành một thành viên hội đồng quản trị. Trong một tweet hôm 5/4, cựu CEO Twitter cho rằng Elon Musk “quan tâm sâu sắc đến thế giới của chúng ta và vai trò của Twitter trong đó”.

Tham vọng của người giàu nhất hành tinh

Theo CNBC, mục tiêu chính của tỷ phú Elon Musk là thúc đẩy những thay đổi trong chính sách tự do ngôn luận của Twitter. Trong những năm gần đây, Twitter đã tăng cường các hành động để chống lại thông tin sai lệch và bài phát biểu bạo lực hoặc kích động trên nền tảng của mình, thậm chí cấm những người dùng vi phạm các nguyên tắc của công ty. Điển hình là trường hợp của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

 Những ý tưởng mới của Elon Musk với Twiiter đang rất được mong chờ. (Ảnh: MSNBC).

Trái ngược, Elon Musk đã chỉ trích Twitter đồng thời công khai phàn nàn về việc ban lãnh đạo công ty đang cố gắng “đóng băng" quyền tự do ngôn luận của ông trên mạng xã hội. Dù Elon Musk vẫn chưa xác định chính xác những bước mà ông muốn thấy Twitter thực hiện để thúc đẩy tự do ngôn luận trên nền tảng này, nhưng một số tweet gần đây chỉ ra rằng cương vị mới của ông có thể giúp vị tỷ phú chống lại các chính sách kiểm duyệt nội dung của công ty.

Elon Musk đã gợi ý biến thuật toán của Twitter trở thành “mã nguồn mở” như một cách để thúc đẩy sự minh bạch về cách nền tảng hiển thị và gợi ý các tweet. Ý tưởng đó có thể thu hút được sự quan tâm của các thành viên hội đồng quản trị của Twitter, như Jack Dorsey đã tán thành nó trong quá khứ.

Một nút “chỉnh sửa”, cho phép người dùng thay đổi các tweet sau khi chúng được đăng, cũng có thể được xuất hiện. Hôm 4/4, Elon Musk đã tweet một cuộc thăm dò hỏi những người theo dõi xe liệu họ có muốn một nút chỉnh sửa trên Twitter, và hơn 73 % người được hỏi chọn đồng ý.

Đáng chú ý, CEO Parag Agrawal đã bày tỏ quan ngại về kết quả của cuộc bình chọn. “Kết quả của cuộc thăm dò này sẽ rất quan trọng. Hãy bình chọn cẩn thận", CEO Twitter viết.

Doanh Chính

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.