Điều gì sẽ xảy ra nếu ông Trump nhiễm COVID-19?
Việc phụ tá riêng của Tổng thống Trump và thư kí báo chí của Phó Tổng thống Mike Pence dương tính với COVID-19 đã khiến toàn bộ Nhà Trắng phải run rẩy sợ hãi.
Dù các quan chức cho biết xét nghiệm COVID-19 của cả hai nhà lãnh đạo đứng đầu nước Mỹ đều cho kết quả dương tính, sự kiện này đã làm dấy lên một viễn cảnh đáng lo ngại: Điều gì sẽ xảy ra nếu Tổng thống hoặc Phó Tổng thống Mỹ bị ốm, hoặc tồi tệ hơn là cả hai người nhiễm bệnh cùng lúc?
Nếu may mắn, hoạt động tại Nhà Trắng có thể sẽ chỉ bị gặp gián đoạn tạm thời. Còn trong trường hợp tồi tệ nhất, việc ông Trump nhiễm COVID-19 có thể sẽ làm bùng nổ một cuộc chiến giành giật quyền lực trong giới chính trị gia tham vọng đứng đầu nước Mỹ.
Theo Bloomberg, các chuyên gia cho biết trong mọi tình huống, điều quan trọng nhất là phải xác định được ai là người chỉ huy cao nhất.
Quan chức Nhà Trắng và giới chuyên gia nhận định cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị diễn ra sau đó sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến bệnh tình, và đặc biệt là liệu ông Trump có mất khả năng lãnh đạo đất nước hay không.
Ông Ian Bremmer, chủ tịch công ty tư vấn rủi ro địa chính trị Eurasia Group cho biết gần như chắc chắn thị trường chứng khoán Mỹ sẽ lao dốc khi có tin tức rằng ông Trump nhiễm bệnh.
Nhưng ông cũng kì vọng nhà đầu tư sẽ thấy vững tâm hơn khi nhìn vào trường hợp Thủ tướng Anh Boris Johnson phục hồi sau khi nhiễm COVID-19.
Dù ông Boris đã ủy quyền cho Bộ trưởng Ngoại giao xử lí một số nhiệm vụ trong thời gian nhập viện, nhưng ông Boris chưa bao giờ chính thức chuyển giao quyền lực của mình. Hiện ông Boris đã quay trở lại làm việc và tiếp tục giải quyết mọi nhiệm vụ.
"Nếu ông Trump nhiễm COVID-19 nhưng trong thời gian cách li ông ta vẫn lãnh đạo chính phủ và đăng tweet như điên, thì tôi nghĩ tác động tới thị trường sẽ là không đáng kể", ông Bremmer nói.
Kể cả nếu ông Trump không đủ khỏe để đăng tweet liên tục, tổng thống Mỹ cũng có sẵn qui trình để tạm thời từ bỏ quyền lực. Tu chính án 25 của Hiến pháp Mỹ cho phép ông Trump trao quyền kiểm soát cho phó tổng thống và lấy lại mọi quyền lực ngay khi hồi phục. Cựu tổng thống George W. Bush (Bush con) đã hai lần tạm từ bỏ quyền lực trong nhiệm kì 2001-2009.
Nếu ông Trump bị ốm đột ngột hoặc phải dùng thuốc mê để đặt nội khí quản, Tu chính án 25 cũng cho phép phó tổng thống và nội các thực hiện việc chuyển giao quyền lực tổng thống.
Hiến pháp Mỹ cũng chỉ ra rõ điều gì sẽ xảy ra trường hợp xấu nhất là cả tổng thống và phó tổng thống Mỹ đều qua đời. "Thứ tự kế nhiệm trong trường hợp này rất rõ ràng. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi sẽ tiếp quản Nhà Trắng", Giáo sư luật Ilya Somin tại Đại học George Mason cho biết.
Nhưng các chuyên gia về hiến pháp cảnh báo rằng sự hỗn loạn có thể sẽ bùng nổ nếu cả ông Trump và Phó Tổng thống Pence đều mất năng lực lãnh đạo vì nhiễm COVID-19, vì qui định của pháp luật để xử lí tình huống này là không rõ ràng.
"Sự kiện này có thể biến thành một trò hề dẫn đến một cuộc khủng hoảng hiến pháp toàn diện", Giáo sư luật Brian Kalt tại Đại học Bang Michigan cho biết.
"Vấn đề người kế nhiệm sẽ được đưa ra tòa, và họ phải quyết định thật nhanh xem phải làm gì. Vì việc thiếu vắng tổng thống dù chỉ trong một vài tiếng cũng rất nguy hiểm đối với Mỹ", ông Kalt nói.
Nếu cả ông Trump và ông Pence đều không thể thực thi nhiệm vụ của mình, thì không ai trong hai người có thể kích hoạt Tu chính án 25. Theo Hiến pháp Mỹ, người kế nhiệm tiếp theo là Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Tuy nhiên, vấn đề là Hiến pháp Mỹ không qui định rõ ràng qui trình để đánh giá khi nào thì một tổng thống được coi là "mất khả năng" lãnh đạo.
Điều này đồng nghĩa với việc có thể bà Pelosi sẽ tự tuyên bố mình là Quyền Tổng thống ngay cả khi ông Trump và ông Pence (hoặc luật sư của hai người) tuyên bố họ đủ khỏe mạnh để dẫn dắt nước Mỹ.
Nhà Trắng nói không có lí do gì để người dân lo lắng về vấn đề kế vị tổng thống. Một nữ phát ngôn viên cho biết chính phủ liên bang luôn có sẵn các kế hoạch để duy trì hoạt động liên tục, nhưng từ chối mô tả kế hoạch sẽ được thực hiện trong trường hợp ông Trump và ông Pence không thể thực hiện nhiệm vụ của họ.
Ông Trump cũng bắt đầu lo
Trong suốt cuộc khủng hoảng COVID-19, ông Trump đã nhiều lần chống lại các cảnh báo từ quan chức y tế công cộng. Các cố vấn cho biết ông Trump đang quyết tâm thể hiện hình ảnh rằng mọi chuyện vẫn bình thường, nhằm thuyết phục người dân Mỹ rời khỏi nhà và tiêu tiền để hồi sinh nền kinh tế.
Theo Bloomberg, việc ông Trump có tái đắc cử hay không có thể sẽ phụ thuộc vào tình hình kinh tế của nước Mỹ.
Trên thực tế, hậu quả rõ ràng nhất của việc ông Trump hoặc ông Pence nhiễm COVID-19 chính là khiến niềm tin của công chúng về nỗ lực mở cửa nền kinh tế ngày càng phai nhạt, hạ thấp triển vọng chiến thắng trong cuộc bầu cử cuối năm nay của ông Trump.
Khảo sát của Pew Research ngày 7/5 cho thấy đa số người Mỹ (68%) nói rằng nỗi lo lớn nhất của họ là việc mở cửa kinh tế trở lại quá sớm.
Trước thực tế rằng COVID-19 đã lan đến Nhà Trắng, trong cuộc họp báo ngày 11/5, ông Trump đã tỏ ra sẽ sẵn sàng thực hiện các biện pháp phòng bệnh hơn so với trước kia. Có lẽ ông đã nhận ra rằng việc nhiễm COVID-19 sẽ cực kì gây hại đến khả năng tái đắc cử.
Ông Trump ám chỉ rằng có thể ông sẽ giữ khoảng cách với Phó Tổng thống Pence: "Pence tiếp xúc với rất nhiều người. Đây có lẽ sẽ là điều mà chúng ta sẽ nói đến trong giai đoạn cách li hiện nay. Tôi đã không gặp Pence kể từ khi ông ấy tự cách li. Chúng tôi có thể nói chuyện qua điện thoại".
Ông Trump cũng đã ra lệnh cho mọi nhân viên Nhà Trắng đeo khẩu trang để ngăn chặn COVID-19 lây nhiễm COVID-19. Nhưng lệnh này không áp dụng với Tổng thống Mỹ: bản thân ông Trump vẫn không có ý định đeo khẩu trang.