Điều chỉnh lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và những tác động tích cực
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa ban hành Quyết định 1349/QĐ-NHNN về mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc, so với Quyết định 1349/QĐ-NHNN ngày 6/8/2020, các mức lãi suất này giữ nguyên, chỉ riêng lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ giảm từ 0,05%/năm xuống còn 0%/năm từ ngày 1/9/2021.
Vậy việc điều chỉnh này có tác động như thế nào đến hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại và hoạt động kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lần thứ tư?
Mặc dù mức lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ thấp (0,05%/năm), song việc giảm về 0%/năm rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay và có tác động tích cực đối với hoạt động tín dụng ngoại tệ, tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu vốn bằng ngoại tệ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Đây là nhóm doanh nghiệp đã và đang duy trì hoạt động trong điều kiện giãn cách xã hội và một số lĩnh vực có doanh số xuất nhập khẩu tăng trưởng như: Sản xuất chế biến hàng xuất khẩu, logistics, sản xuất hàng thiết yếu, lĩnh vực phân phối, y tế, lương thực thực phẩm…
Diễn biến này cũng phù hợp với tình hình tăng trưởng tín dụng ngoại tệ trong 7 tháng đầu năm 2021. Chỉ riêng trên địa bàn TP HCM, tín dụng ngoại tệ 7 tháng đã tăng trên 12%, mức cao hơn mức tăng tín dụng chung trên địa bàn.
Động thái NHNN Việt Nam giảm lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc nhằm điều chỉnh và tác động gián tiếp để các ngân hàng thương mại tập trung vốn ngoại tệ cho vay doanh nghiệp thuộc diện theo quy định.
Đồng thời, đáp ứng nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu duy trì hoạt động và tiếp tục tăng trưởng, làm động lực cho tăng trưởng kinh tế sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.
Có thể nói sự điều chỉnh kịp thời này là giải pháp thiết thực, hành động cụ thể của NHNN nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế duy trì, ổn định và tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch đang diễn biến phức tạp.