Điện thoại Huawei khan hàng ngay tại Trung Quốc, khách hàng tìm đến chợ đen
Cửa hàng Huawei rộng gần 160 mét vuông nằm ở một vị trí mặt tiền của trung tâm thương mại Donlim Emperor Court tại thành phố Phật Sơn, Trung Quốc. Với logo Huawei dán xung quanh, cửa hàng từng là một "kho báu" với ông chủ của trung tâm thương mại để "quảng cáo" với các khách thuê tiềm năng.
Dù vậy, cửa hàng Huawei trên đang gần như bị bỏ trống với cửa khóa và bên trong còn một vài vật dụng nội thất nhỏ. SMCP nói rằng cửa hàng thực tế đã đóng cửa từ trước Tết Nguyên đán, chỉ 8 tháng sau khi đi vào hoạt động
Việc một cửa hàng như trên đóng cửa sau thời gian ngắn hoạt động cho thấy những rắc rối mà Huawei, nhà sản xuất smartphone hàng đầu Trung Quốc, đang phải đối mặt sau khi bị Mỹ đưa vào "danh sách đen" hạn chế cung cấp các phần cứng, phần mềm và dịch vụ có nguồn gốc ở Mỹ. Trước đó, Huawei có thể phải đối mặt với sản lượng smartphone trong năm nay giảm tới 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cú sụt giảm mạnh trên không khác gì một "cú đấm" với hệ thống phân phối bán lẻ của Huawei. Ông Eddie Cue, giám đốc mảng cho thuê tại Donlim Emperor Court, dẫn lời chủ cửa hàng Huawei đóng cửa trên cho biết cửa hàng đóng cửa do không còn hàng để bán.
Nhà phân phối này đã từng vận hành 30 cửa hàng bán lẻ Huawei song đã đóng cửa ít nhất 9 trong số đó.
Vấn đề của Huawei không chỉ xảy ra ở Phật Sơn. Khắp nơi ở Trung Quốc, báo cáo về việc smartphone Huawei đang dần cạn hàng xuất hiện trong bối cảnh các nhà bán lẻ dần chuyển sang phân phối các thương hiệu nội địa khác như Oppo, Vivo và Realme.
Về phần mình, Huawei từ chối đưa ra bình luận về thông tin nói trên.
Trước khi những ảnh hưởng tồi tệ của lệnh cấm vận từ Mỹ ập đến, các cửa hàng nhượng quyền của Huawei mọc lên như nấm ở Trung Quốc.
Sở dĩ các đơn vị bán lẻ ở Trung Quốc ưu ái Huawei là bởi chúng mang lại biên lợi nhuận béo bở hơn. Một chiếc điện thoại Huawei mới có thể bán với giá 1.000 nhân dân tệ (154 USD) cao hơn mức giá nhập vào, tức cao hơn khoảng 3 lần so với các thương hiệu Trung Quốc khác, theo ông Tony Zhang, một nhà buôn điện thoại ở Phật Sơn, nói.
Bên cạnh đó, nhu cầu điện thoại Huawei ở Trung Quốc cũng rất cao vì nó vẫn được xem là biểu tượng của lòng yêu nước trong bối cảnh quan hệ thương mại của Mỹ - Trung Quốc căng thẳng.
Năm ngoái, trong một khoảng thời gian ngắn, Huawei vượt mặt Samsung để thành nhà sản xuất smartphone bán hàng chạy nhất thế giới. Thành tích này phần lớn có động lực từ Trung Quốc trong khi doanh số của Huawei ở các thị trường khác giảm mạnh.
Tháng 10 năm ngoái, Huawei khẳng định số "cửa hàng trải nghiệm bán lẻ" ở Trung Quốc đã vượt qua con số 10.000. Cho tới cuối năm 2020, Huawei vẫn là thương hiệu điện thoại bán chạy nhất Trung Quốc, theo Canalys.
Mặc dù Huawei đã bị đưa vào danh sách "cấm vận" của Mỹ từ năm 2019, ban đầu, Huawei vẫn có thể sản xuất điện thoại với lượng chip mua trước đó từ các nhà cung ứng của Mỹ đồng thời đẩy mạnh đơn hàng từ Taiwan Semiconductor Manufacturing Co.
Năm 2020, trong lệnh trừng phạt mở rộng của mình, Mỹ cấm các nhà sản xuất chip nước ngoài bán chip sử dụng công nghệ Mỹ cho Huawei trừ khi có giấy phép. Về cơ bản, động thái trên khiến Huawei mất kết nối với ngành công nghiệp chip toàn cầu.
Mở một cửa hàng bán lẻ của Huawei vào năm 2020 "là một tính toán sai lầm với nhiều người", ông Zhang nhận định.
Huawei được dự đoán có thể sản xuất chỉ từ 70 triệu đến 80 triệu thiết bị trong năm 2021, giảm mạnh từ doanh số 189 triệu máy hồi năm ngoái, theo IDC. Ông Ethan Qi, một nhà phân tích tại Counterpoint Research, nói rằng doanh số của Huawei trong năm 2021 có thể chỉ bằng 1/5 năm ngoái.
"Hầu hết các cửa hàng đều đã hết điện thoại Huawei", ông Qi nói. "Huawei bắt đầu đánh giá hoạt động của các đơn vị phân phối dựa trên kết quả hoạt động từ tháng 9 năm ngoái, nhưng hiện tại, ngay cả các cửa hàng lớn cũng gặp khó với lượng hàng còn lại", vị chuyên gia nói thêm.
Ở Hoa Cường Bắc, một "chợ đồ điện tử" nổi tiếng ở Thâm Quyến, SCMP ghé thăm 5 cửa hàng nhưng không cửa hàng nào có điện thoại Mate X2, chiếc điện thoại gập Huawei ra mắt hồi tháng trước.
Một nhà bán lẻ nói rằng nhiều người đang tìm mua những mẫu điện thoại cao cấp của Huawei như Mate X2 vì mức độ khan hiếm của nó. Có giá chính hãng 17.999 nhân dân tệ, mức giá của Mate X2 có thể đang tăng lên 24.000 nhân dân tệ.
Một số mẫu điện thoại phổ biến hơn, ví dụ như Mate 40 Pro, chiếc điện thoại 5G cao cấp mà Huawei ra mắt hồi tháng 12 năm ngoái, cũng khan hàng.
Một số cửa hàng phân phối của Huawei không thể chịu đựng thay đổi này.
Một doanh nhân có tên Deng, còn được biết đến với tên gọi Second Brother, đã quay lại hành trình từ khi mở cửa đến khi đóng cửa hàng Huawei ở Tứ Xuyên trong vỏn vẹn 9 tháng.
Trong clip đăng trên Xigua Video, Deng nói rằng anh đã dành tất cả những gì mình có cho cửa hàng nhưng vẫn không thể duy trì sự tồn tại của nó. Sự tuyệt vọng lúc này trái ngược hoàn toàn với vẻ lạc quan mà Deng có khi mở cửa hàng hồi tháng 5 năm ngoái.
Theo Deng, nguồn cung thiết bị Huawei đến cửa hàng của anh bắt đầu giảm từ tháng 9 năm ngoái. Có những giai đoạn anh không nhận được nguồn cung trong 10 ngày liên tục. Deng hết sức giận dữ với cách quản lý nguồn cung của Huawei và không thể đoán khi nào có nguồn hàng mới.
"Tôi ước trăng, ước sao và ước có điện thoại Huawei mỗi ngày", Deng nói trên một video vào tháng 2, đây cũng là tháng anh đóng cửa hàng. Deng nói đã lỗ 100.000 nhân dân tệ.
Nguồn dự trữ chip Kirin 9000 có thể vẫn đủ để Huawei sản xuất có giới hạn chiếc P50 và Mate 50 sắp tới, theo báo cáo từ Tencent News. Dù vậy, việc sản xuất các dòng máy tầm trung và giá thấp đã bị dừng lại.
Khan hàng tạo ra một thị trường chợ đen cho các thiết bị Huawei. Ben Xu, một công dân ở Quảng Châu đã hứa mua tặng điện thoại Huawei cho nhân viên hồi cuối năm ngoái, cho biết anh phải trả thêm 500 nhân dân tệ cho mỗi chiếc điện thoại mới mua.
"Không thể mua điện thoại Huawei qua các kênh thông thường", ông Xu nói.
Dù nhiều người vẫn yêu thích điện thoại Huawei, các nhà phân tích dự đoán Huawei sẽ sớm đánh mất lợi thế cạnh tranh so với đối thủ.
"OPPO và Vivo đã có các chiến lược bán lẻ trực tiếp rất mạnh. Họ có thể là người hưởng lợi lớn nhất từ cú sốc của Huawei", ông Qi của Counterpoint nhận định.