|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Điện lực miền Bắc lỗ tỷ giá gần 800 tỷ đồng từ đầu năm tới nay

20:40 | 29/11/2022
Chia sẻ
6 tháng đầu năm, toàn Tổng công ty Điện lực miền Bắc lỗ 4.709 tỷ đồng, trong đó hoạt động sản xuất kinh doanh điện lỗ 4.843 tỷ đồng. Trước những diễn biến của giá nhiên liệu đầu vào và biến động tỷ giá, đại diện doanh nghiệp cho biết chưa ước tính được số lỗ của năm 2022.

Sáng ngày 28/11, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã tổ chức buổi trao đổi với báo chí về tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị trong năm 2022.

Ông Phan Tử Lượng, Phó Tổng Giám đốc cho biết, 10 tháng đầu năm, EVNNPC có tổng sản lượng điện thương phẩm đạt 72,8 tỷ kWh, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Tỷ lệ tổn thất điện năng lũy kế 10 tháng là 4,3%, giảm nhẹ so với cùng kỳ 2021.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán 6 tháng đầu năm, toàn tổng công ty lỗ 4.709 tỷ đồng, trong đó hoạt động sản xuất kinh doanh điện lỗ 4.843 tỷ đồng. Đại diện doanh nghiệp cho rằng 2022 là năm khó khăn nhất của tổng công ty kể từ khi thành lập.  

Giá nhiên liệu toàn cầu tăng cao, gây sức ép lên chi phí của các nhà máy sản xuất điện làm tăng chi phí mua điện trên thị trường của EVN. Cả năm 2022, giá bán điện bình quân ước tính của tổng công ty là 1.786 đồng/kWh, trong khi giá mua điện trên thị trường điện của doanh nghiệp là hơn 2.500 đồng/kWh.

Giá nguyên liệu, vật tư thiết bị tăng cao cũng làm tăng tổng mức đầu tư các dự án, tăng chi phí sửa chữa và chi phí quản lý vận hành lưới điện của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, với diễn biến tỷ giá, ước tính từ đầu năm đến thời điểm hiện tại EVNNPC lỗ chênh lệch tỷ giá 756 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: EVNNPC)

Đại diện doanh nghiệp cho biết số lỗ đang tiếp tục tăng, nên chưa ước được con số lỗ của năm 2022. Điều này có thể ảnh hưởng đến tình hình cân đối tài chính, dòng tiền và kết quả xếp hạng tín nhiệm của EVNNPC.

Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trong giai đoạn tới, nguồn vốn EVNNPC cần để đầu tư xây dựng là rất lớn. Kết quả xếp hạng tín nhiệm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu xếp vốn đầu tư cho các năm tiếp theo. 

EVNNPC cũng cho biết đã thực hiện một loạt các giải pháp và cắt giảm chi phí để giảm lỗ. Trong đó có giãn tiến độ các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, tiết giảm chi phí sửa chữa lớn khoảng 1.264 tỷ đồng tương ứng giảm 47% so với định mức EVN giao và tiết giảm chi phí biến động khoảng 1.243 tỷ đồng tương ứng giảm 23% so với định mức EVN giao.

Phía doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ cùng với các Bộ ngành Trung ương xem xét đến các yếu tố khách quan, để có chính sách điều chỉnh giá điện phù hợp. Qua đó giúp cho ngành điện duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, đáp ứng đủ điện phục vụ.

Đăng Nguyên