|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Diễn biến đối lập nhóm chứng khoán của cổ phiếu VUA

15:45 | 26/09/2023
Chia sẻ
Cổ phiếu VUA của CTCP Chứng khoán Stanley Brothers mất 1/3 giá trị kể từ đầu năm, đi ngược xu hướng chung của nhóm chứng khoán.

Thị trường chứng khoán (CTCK) diễn biến khởi sắc kể từ đầu năm 2023. Dù có những nhịp rung lắc gần đây, song VN-Index đã tăng trưởng 14,4%, tính đến 25/9 (cao nhất đạt mức tăng 23,6% tại đầu tháng 9). Thanh khoản sôi động, liên tiếp xuất hiện những phiên giao dịch tỷ đô xuất hiện từ cuối tháng 7.

Điều kiện thị trường thuận lợi, cổ phiếu chứng khoán nổi sóng khi giới đầu tư kỳ vọng vào việc hưởng lợi. Tính đến 25/9, một số đại diện trong ngành có mức tăng giá trên 50% như VND (55%), SSI (78%), VCI (78%), MBS (84%), SHS (92%). Nếu so với vùng đáy vào tháng 11/2022, mức tăng sẽ cao hơn đáng kể.

Tuy nhiên, trường hợp của VUA lại hoàn toàn khác biệt. Tính đến ngày 25/9, VUA lại ghi nhận tỷ lệ giảm giá 36%, đóng cửa ngày 25/9 tại mức giá 27.500 đồng/cp. Nhịp lao dốc của cổ phiếu VUA bắt đầu từ giữa tháng 8 sau giai đoạn đi ngang trong khung giá 40.000 - 42.000 đồng/cp với thanh khoản đều đặn.

Diễn biến giá cổ phiếu VUA của Chứng khoánStanley Brothers kể từ đầu năm 2023. Nguồn: TradingView.

Theo dõi thanh khoản của cổ phiếu, khối lượng giao dịch bình quân phiên qua 12 tháng gần nhất đạt khoảng 50.000 đơn vị. Sau đó khối lượng giao dịch lên mức 64.000 đơn vị trong khoảng 1 tháng gần đây, trong giai đoạn cổ phiếu đang giảm sâu.Trước đó, VUA từng ghi nhận khối lượng giao dịch mỗi phiên dao động 300.000 - 500.000 đơn vị khi mới chào sàn vào đầu năm 2022 và neo giá vùng trên 40.000 đồng/cp. Vậy, đâu là nguyên nhân khiến cổ phiếu này ngược sóng nhóm chứng khoán?

Theo tìm hiểu,Chứng khoán Stanley Brothers tiền thân là CTCP Chứng khoán Toàn Cầu (thành lập vào giữa tháng 1/2008) và từng thuộc sở hữu của Hasco Group. Giữa năm 2018, các cổ đông thuộc nhóm này gồm ông Trần Đức Chiến, bà Nguyễn Thị Thu Hòa, ông Trần Đức Minh, bà Nguyễn Thị Ánh và ông Nguyễn Đức Thuận đã thoái 80% vốn công ty.

Tháng 12/2018,Chứng khoán Stanley Brothers tăng vốn điều lệ lên thành 339 tỷ đồng và giữ nguyên đến nay. Thời điểm đó, công ty chào đón 8 cổ đông mới và cùng sở hữu tỷ lệ 4,98% công ty, gồm bà Đào Thị Bích, Nguyễn Thị Tuyết, Hoàng Phương Hằng, Luyện Quang Thắng, Phạm Thị Dung, Vũ Hồng Thắng, Nguyễn Thúy Hà, Phạm Thị Ánh. Tổng cộng, nhóm này nắm gần 40% vốn. Những nhà đầu tư này sau đó dần thoái vốn, công ty chứng khoán này hiện không có cổ đông lớn.

Danh mục tự doanh củaChứng khoán Stanley Brothers. Nguồn: BCTC quý II/2023.

 

 

Về hoạt động kinh doanh,Chứng khoán Stanley Brothers có nhiều mối quan hệ với các công ty trong hệ sinh thái Nhựa Xanh An Phát (AAA). Công ty là đơn vị tư vấn chào bán chứng khoán ra công chúng cho Nhựa An Phát Xanh (Mã: AAA) và Nhựa Hà Nội (Mã: NHH) - thành viên của An Phát Holdings (Mã: APH).

Tại ngày 31/12/2022,Stanley Brothers có khoản vay tín chấp ngắn hạn trị giá 40 tỷ đồng đối với An Tiến Industries (Mã: HII) - công ty con củaNhựa Xanh An Phát. Tuy nhiên đến cuối tháng 6/2023, công ty không còn ghi nhận khoản mục này.

Danh mục tự doanh của công ty cũng tập trung vào những cổ phiếu liên quan đến hệ sinh thái trên. Tại ngày 30/6,Stanley Brothers có danh mục tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) trị giá 202 tỷ đồng, lãi 6% (hơn 11 tỷ đồng). 89% danh mục AFS là cổ phiếu, còn lại là trái phiếu, trong đó có những khoản đầu tư như APH (47 tỷ), AAA (42 tỷ), HII (13 tỷ), NHH (17 tỷ đồng).

Stanley Brothers còn có những khoản đầu tư khác như cổ phần của Dịch vụ suất ăn công nghiệp An Phát (11 tỷ đồng), Vật liệu xây dựng công nghệ cao An Cường (40,1 tỷ đồng), trái phiếu của Công ty TNHH KCN Kỹ thuật cao An Phát (21,4 tỷ đồng).

Về hiệu quả kinh doanh,Stanley Brothers cho thấy tín hiệu không mấy tích cực. Công ty có 4 quý lỗ trong số 8 quý gần nhất. Riêng quý II/2023, công ty chứng khoán báo lỗ kỉ lục 59 tỷ đồng. Doanh thu quý II ghi nhận chưa đến 7 tỷ đồng, giảm đến 81% so với cùng kỳ, chủ yếu do mảng doanh thu tư vấn tài chính. Trong khi đó chi phí lại tăng 77% lên mức 66 tỷ đồng, do chi phí tự doanh tăng đáng kể từ các khoản lỗ bán tài sản tài chính. Hệ quả là lãi chưa phân phối đến thời điểm 30/6 âm gần 48 tỷ đồng, trong khi đầu năm 2023 là hơn 15 tỷ.

Xuân Nghĩa

Xu hướng tín dụng các ngân hàng đang thay đổi: Tăng bán buôn hay mở rộng bán lẻ?
Trong bối cảnh nhu cầu tín dụng yếu, các ngân hàng đang tìm mọi cách thay đổi để phát triển quy mô cho vay của mình. Nhiều nhà băng chọn tập trung đẩy mạnh bán buôn trong khi một số lại muốn phát triển những mảng không phải thế mạnh của mình.