Điểm lại những hiệp ước Mỹ đã rút khỏi trong gần hai năm qua
Một loại tên lửa của quân đội Mỹ. (Nguồn: The Moscow Times/TTXVN) |
Việc Mỹ vừa quyết định rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga đã tiếp tục bổ sung thêm vào danh sách các dự án, tổ chức hay hiệp ước quốc tế mà Mỹ rút, rời dưới thời của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Có thể thấy rõ, kể từ sau khi nhậm chức, Tổng thống thứ 45 của Mỹ Donald Trump đã có nhiều quyết sách đi ngược lại với chính quyền tiền nhiệm, trong đó có nhiều quyết định rút khỏi các hiệp ước quốc tế trong nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến văn hóa hay an ninh, quân sự, gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong cộng đồng quốc tế.
Rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga
Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), được lãnh đạo Liên Xô và Mỹ ký ngày 8/12/1987, còn gọi là Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm ngắn và tầm trung, vốn được coi là biểu tượng dẫn tới việc chấm dứt kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh.
Từ lâu nay, INF vẫn được nhiều nước xem như "lá bùa" ngăn chặn những cuộc đối đầu hạt nhân gây hậu quả thảm khốc.
Theo thỏa thuận hạt nhân INF, Liên Xô trước đây (nước Nga ngày nay) và Mỹ cam kết không phát triển, thử nghiệm hoặc triển khai các tên lửa hạt nhân và thông thường tầm ngắn và tầm trung (tầm bắn từ 500-5.500 km).
Thỏa thuận này đạt được trong bối cảnh Liên Xô lúc đó đã triển khai gần 400 đầu đạn hạt nhân hướng về phía Tây Âu, trong khi Mỹ cũng đã phản ứng với việc bố trí các tên lửa Pershing và tên lửa hành trình ở châu Âu.
Từ khi hiệp ước có hiệu lực, giai đoạn tháng 6/1988 đến tháng 6/1991, Liên Xô đã thủ tiêu 1.846 tên lửa và Mỹ thủ tiêu 846.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, cả Nga và Mỹ đều cáo buộc nhau vi phạm INF. Đây không phải là lần đầu hai cường quốc hạt nhân Nga, Mỹ tranh cãi và đổ lỗi cho nhau vi phạm các thỏa thuận liên quan.
Nhưng sau mỗi lần như vậy, Washington đều là nước “chủ động” đi trước, như việc hồi năm 2001 rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM). Và lần này, Mỹ cũng là nước đi trước khi ngày 21/10 tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi hiệp ước INF với Nga, đồng thời cáo buộc Moskva đã vi phạm thỏa thuận này.
Không những vậy, các nhà phân tích cho rằng, Mỹ còn đang cân nhắc về khả năng sẽ không gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3) với Nga, vốn sẽ hết hạn vào năm 2021.
Các nhà phân tích cho rằng, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân với Nga sẽ có thể gây nguy hiểm cho toàn bộ hệ thống ổn định chiến lược toàn cầu, đồng thời có thể đẩy các bên quay trở lại một cuộc chạy đua vũ trang và thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Trong bối cảnh toàn thế giới đang nỗ lực hướng tới một môi trường ổn định, an ninh và an toàn trên cơ sở hợp tác và đối thoại, việc Mỹ tiếp tục rút khỏi một văn kiện kiểm soát vũ khí quan trọng như INF được xem là bước thụt lùi đối với hệ thống ổn định chiến lược toàn cầu.
Rút khỏi các tổ chức của Liên hợp quốc
Kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền vào đầu năm 2017, Mỹ đã có nhiều quyết định từ bỏ sự hợp tác với các tổ chức của Liên hợp quốc, như rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), cắt giảm tài trợ cho nhiều cơ quan Liên hợp quốc, rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc...
Ngày 19/6, Mỹ quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, và cho rằng Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc có quan điểm thành kiến chống lại Israel.
Hội đồng Nhân quyền vốn được thành lập năm 2006, nhằm thay thế cho Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc ngừng hoạt động trong cùng năm.
Hội đồng Nhân quyền có chương trình nghị sự thường trực về những vi phạm của Israel ở các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine.
Do đó, Mỹ cho rằng, Hội đồng Nhân quyền bị chi phối bởi những tiếng nói chống Israel và đã quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc...
Trước đó, vào ngày 12/10/2017, Mỹ cũng đã có một động thái bất ngờ khác khi đột ngột tuyên bố rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO).
Đây là lần thứ hai Mỹ rút khỏi UNESCO. Mỹ từng rút khỏi tổ chức này vào những năm 80 của thế kỷ XX, và chỉ trở lại tổ chức này vào năm 2003.
Lý giải nguyên nhân rút khỏi UNESCO, đại diện của Mỹ tại UNESCO, ông Chris Hegadorn, cho biết có hai nguyên nhân chính khiến Mỹ phải đưa ra quyết định rút lui: “Thứ nhất đó là các khoản nợ quá hạn của UNESCO kể từ năm 2011 khi tổ chức công nhận Palestine là một nước thành viên. Thứ hai là sự chính trị hóa đã làm tổn hại công việc của UNESCO.”
Có thể thấy, kể từ sau sự kiện ngày 31/10/2011, khi UNESCO kết nạp Palestine làm thành viên chính thức, đã khiến cho những mâu thuẫn giữa các nước thành viên của tổ chức này tăng cao.
Khi đó, để phản đối việc UNESCO công nhận Palestine là nhà nước độc lập, Mỹ, Israel và một số thành viên EU đã kiên quyết phản đối. Mỹ còn tuyên bố ngừng đóng góp tài chính cho ngân sách của UNESCO và thậm chí còn dọa rút khỏi tổ chức này.
Mỗi năm Mỹ đóng góp khoảng 80 triệu USD cho UNESCO, tương đương 20% ngân sách của tổ chức này.
Do đó, việc Mỹ tuyên bố rút khỏi UNESCO đã khiến tổ chức này đứng trước nguy cơ thiếu hụt ngân sách lớn.
Với việc rút khỏi UNESCO, kể từ năm 2019, Mỹ sẽ không còn là thành viên của UNESCO nữa, nhưng vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò là quan sát viên để đóng góp quan điểm và chuyên môn cho UNESCO.
Tiếp sau quyết định rút khỏi UNESCO, ngày 2/12/2017, Mỹ còn đơn phương rút khỏi Hiệp ước toàn cầu về di trú (GCM) - một hiệp ước của Liên hợp quốc nhằm cải thiện tình hình người di cư và tị nạn - với lý do hiệp ước này "không phù hợp" với các chính sách của Mỹ.
GCM là một hiệp ước không mang tính ràng buộc được 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc nhất trí thông qua hồi tháng 9/2016.
Theo đó các quốc gia tham gia cam kết thừa nhận nhu cầu về một hướng tiếp cận toàn diện đối với sự di chuyển của con người và tăng cường hợp tác ở mức độ toan cầu, cũng như cam kết bảo vệ an toàn, phẩm giá, quyền con người và các quyền tự do cơ bản của tất cả những người di cư, bất chấp tình trạng nhập cư của họ, hỗ trợ các quốc gia cứu vớt, tiếp nhận và tiếp đón một lượng lớn những người tị nạn và di cư.
Tuy nhiên, theo tổng thống Trump, những điều khoản của hiệp ước GCM không phù hợp với chính sách về nhập cư và tị nạn của Mỹ, do vậy Mỹ quyết định chấm dứt tham gia quá trình thúc đẩy GCM tại Liên hợp quốc...
Rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA)
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump cũng đã nhiều lần đe dọa xem xét lại thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, và Đức) ký hồi năm 2015.
Và sau nhiều lần đe dọa, ngày 8/5/2018, Tổng thống Trump đã quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA).
Hành động này đã khiến quan hệ giữa Mỹ và Iran rơi vào căng thẳng trầm trọng. Không những rút khỏi JCPOA, Mỹ còn đồng thời triển khai ở "mức cao nhất" các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran, nhằm mục tiêu đưa doanh thu từ xuất khẩu dầu của Iran về 0%.
Không chỉ trừng phạt Iran, Mỹ còn áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với các thể chế tài chính của những nước thứ ba giao dịch với Iran.
Tuy Iran cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với ngành năng lượng Iran không thể khiến nước này mất hết doanh thu dầu mỏ, do nhu cầu cao của thị trường.
Song thực tế thời gian qua, các động thái trừng phạt của Mỹ đã khiến nền kinh tế Iran trì trệ, đồng rial của quốc gia Trung Đông này đã mất một nửa giá trị. Để chống chọi sức ép từ Mỹ, Iran buộc phải tiếp tục tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài, đặc biệt là EU.
Tuy nhiên, vốn là đồng minh lâu năm của Mỹ nên để tránh làm “mất lòng” Mỹ, EU bị rơi vào “thế kẹt” khi phải hết sức cân nhắc về các biện pháp ủng hộ Iran.
Sự chậm trễ của các nước châu Âu trong nỗ lực nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran đã khiến người ta cho rằng, thỏa thuận hạt nhân Iran khó tránh khỏi bờ vực sụp đổ.
Rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu
Ngày 1/6/2017, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, vì cho rằng đây là “một hiệp định tồi,” gây ra bất công đối với Mỹ, làm giảm việc làm của người lao động Mỹ và gây tổn thương cho những người nộp thuế tại Mỹ.
Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ký tham gia năm 2015, bao gồm 195 nước thành viên tham gia.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một văn bản quốc tế nhận được tham gia mạnh mẽ và đông đảo như vậy, minh chứng cho sự ủng hộ đặc biệt của cộng đồng quốc tế đối với các vấn đề khí hậu.
Hiệp định này quy định tất cả các nước thành viên phải đề ra một mục tiêu rõ ràng nhằm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính - vốn là nguyên nhân làm Trái đất nóng lên, khiến băng tan ở các cực, mực nước biển dâng cao và gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan trên toàn cầu.
Theo quy định, một nước thành viên có thể chính thức rút khỏi hiệp định sớm nhất là tháng 11/2020.
Mỹ hiện là quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều thứ hai sau Trung Quốc.
Do đó, việc tổng thống Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu được xem là một quyết định này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu và ấm lên của Trái Đất.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump vẫn khẳng định Washington sẽ xúc tiến các cuộc thương lượng để tìm kiếm một thỏa thuận khác “công bằng hơn với nước Mỹ, với các doanh nghiệp, công nhân, người dân và những người đang đóng thuế cho nước Mỹ.”
Theo đó, Mỹ sẽ vẫn tham dự các Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc trong thời gian tiến hành các thủ tục rút khỏi hiệp định Paris. Thời gian dự kiến của việc rút khỏi này sẽ kéo dài ít nhất 3 năm.
Rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)
(Nguồn: vietnamnews.vn) |
Ngày 23/1/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ông Trump từng gọi TPP là “thảm họa tiềm tàng” có khả năng khiến nhiều người Mỹ mất việc.
Quyết định trên của Tổng thống Trump không chỉ là cú sốc đối với các nước trong khu vực mà nó còn đồng thời hứng chịu nhiều lời chỉ trích từ chính nội bộ chính quyền Mỹ.
Nhiều nghị sỹ Mỹ cho rằng từ bỏ TPP là “một quyết định sai lầm” và “một sai lầm nghiêm trọng” có thể gây ra những hậu quả lâu dài đối với kinh tế Mỹ cũng như vị thế của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
TPP được coi là một phần trong chiến lược xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama.
Thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu này bao gồm Mỹ, Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam, trong đó Mỹ và Nhật Bản được coi là trụ cột chính.
TPP được ký ngày 4/2/2016 tại Auckland, New Zealand sau 5 năm đàm phán với mục tiêu hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực.
Nhưng với quyết tâm không từ bỏ mục tiêu trên, ngay cả khi Mỹ rút khỏi TPP, 11 nước còn lại của TPP đã cùng họp lại để thảo luận về tương lai của TPP “không có Mỹ.”
Tháng 1/2018, các nước còn lại của TPP - ngoại trừ Mỹ - đã đạt thỏa thuận ký kết một hiệp định mới mang tên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thay thế cho TPP.
Lễ ký kết chính thức đã diễn ra vào ngày 8/3/2018 tại Santiago, Chile, thể hiện quyết tâm cao của tất cả 11 nước tham gia nhằm đi đến một thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao trên cơ sở cân bằng lợi ích của các thành viên, có tính đến trình độ phát triển của các nước...
Ngoài việc rút, rời khỏi những thỏa thuận, hiệp ước trên, mới đây nhất, nhằm phản ứng với phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) sau khi Iran và Palestine đệ đơn kiện lên ICJ về các chính sách của Mỹ, ngày 3/10/2018, chính quyền Tổng thống Trump còn quyết định rút khỏi hai thỏa thuận quốc tế, gồm Hiệp ước thân thiện, Quan hệ kinh tế, Quyền lãnh sự với Iran ký vào năm 1955 (TAER); và Nghị định thư không bắt buộc về giải quyết tranh chấp theo Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao năm 1961, vốn quy định phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) mang tính ràng buộc đối với các tranh chấp.
Các nhà phân tích cho rằng, những động thái trên đã nối dài thêm danh sách các hiệp ước, thỏa thuận và tổ chức quốc tế mà Mỹ đã rút khỏi, đồng thời tiếp tục đặt ra thách thức nghiêm trọng tới trật tự thế giới vốn đã được định hình từ lâu nay.