Điểm danh những dự án FDI khủng vào Việt Nam năm 2019
Năm 2019 chứng kiến một năm tăng trưởng kinh tế vĩ mô tích cực, kiểm soát được lạm phát giúp bình ổn lãi suất vay mua nhà ở mức 11%/năm. Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào thị trường BĐS Việt Nam được ví như một tia sáng giúp thị trường khởi sắc hơn trong bối cảnh ngân hàng ngày càng thắt chặt vốn tín dụng.
Theo Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/12/2019, tổng vốn đăng kí cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt 38,02 tỉ USD, tăng 7,2% so với cùng kì năm 2018.
Tính lũy kế đến thời điểm trên, cả nước có 30.827 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng kí 362,58 tỉ USD. Vốn thực hiện lũy kế ước đạt 211,78 tỉ USD, bằng 58,4% tổng vốn đăng kí còn hiệu lực.
Năm 2019, các nhà đầu tư nước ngoài tập trung đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 24,56 tỉ USD, chiếm 64,6% tổng vốn đầu tư đăng kí. Lĩnh vực kinh doanh BĐS đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,88 tỉ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư đăng kí.
Những dự án FDI "khủng" trong lĩnh vực BĐS
Theo đánh giá của giới phân tích, dòng vốn ngoại sẽ góp phần chuẩn hóa thị trường, tạo ra những giá trị theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng tầm thị trường BĐS Việt Nam và san sẻ nhiều gánh nặng từ thị trường tài chính.
Trong năm 2019, dự án của nhà đầu tư nước ngoài đáng chú ý nhất thuộc lĩnh vực BĐS là Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – trường đua ngựa tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Dự án do Tập đoàn Charmvit (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 420 triệu USD (tương đương khoảng 9.600 tỉ đồng). Dự án được thực hiện trên tổng diện tích đất 125 ha (trong đó 22,5 ha là diện tích hồ điều hòa do TP Hà Nội đầu tư).
Trong đó, trường đua ngựa được xây dựng trên diện tích 99,5 ha; gồm sân vận động đua ngựa, khán đài xem đua ngựa, sức chứa 30.000 người với các hạng mục phục vụ ăn uống, tổ chức đua ngựa, cá cược; hệ thống trang thiết bị tổ chức cá cược đua ngựa, hệ thống đại lý cá cược đua ngựa; chuồng nuôi ngựa, khu văn phòng; khu vực huấn luyện, giảng dạy và chăm sóc ngựa; bãi đỗ xe…
Tiến độ thực hiện dự án gồm hai giai đoạn. Giai đoạn chuẩn bị đầu tư (dự kiến từ quí I/2018 đến hết quí III/2019); giai đoạn thực hiện đầu tư trong khoảng 54 tháng từ quí IV/2019 đến quí I/2024. Thời gian thực hiện dự án là 50 năm.
Một dự án BĐS lớn khác vừa chính thức khởi công trong năm 2019 đó chính là Dự án Thành phố thông minh. Dự án có tổng diện tích 272 ha, nằm trên địa bàn các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ, thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội.
Dự án do liên doanh Tập đoàn Sumimoto (tập đoàn kinh tế lớn thứ ba tại Nhật Bản) và Tập đoàn BRG đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 4,2 tỉ USD (tương đương khoảng 96.145 tỉ đồng hiện nay) với mục tiêu xây dựng khu đô thị thông minh, đồng bộ về hạ tầng kĩ thuật và hạ tầng xã hội.
Đây là dự án được lập dựa trên qui hoạch đô thị thông minh dọc trục Nhật Tân – Nội Bài, chiều dài khoảng hơn 11km, từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài. Dự án vừa được động thổ ngày 6/10/2019 và dự kiến hoàn thành toàn bộ 5 giai đoạn vào năm 2028.
Các lĩnh vực khác
Dự án FDI có giá trị lớn nhất trong năm 2019 thuộc về lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Đó là dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào công ty TNHH Vietnam Beverage với giá trị vốn góp là 3,85 tỉ USD. Mục tiêu chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội.
Dự án tiếp theo có tổng vốn đầu tư đăng kí 650 triệu USD của Công ty TNHH Techtronic Tools (Hồng Kông) tại TP HCM. Mục tiêu là xây dựng nhà máy sản xuất và Trung tâm nghiên cứu phát triển sản xuất các phụ kiện, thiết bị điện cầm tay thông minh dùng trong ngành công nghiệp và dân dụng.
Ngoài ra, Dự án LG Display Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 410 triệu USD. Dự án này được khởi công vào tháng 6/2016, tổng vốn đầu tư đăng kí 1,5 tỉ USD do Tập đoàn LG Displays (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư.
Thêm một dự án khác tại TP HCM có tổng vốn đầu tư đăng kí 300 triệu USD do Công ty TNHH Wanna Explore Travel (Ai Cập) đầu tư. Mục tiêu là thực hiện dịch vụ đại lí lữ hành - Điều hành tour du lịch và hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp khác cho vận tải hàng không.
Bên cạnh đó, có thể kể đến một số dự án như Dự án chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR (Trung Quốc), tổng vốn đầu tư đăng kí 280 triệu USD đầu tư tại Tây Ninh với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR.
Dự án Nhà máy sản xuất Màn Hình Lcd-Qisda Việt Nam (Đài Loan), tổng vốn đầu tư đăng kí 263 triệu USD đầu tư tại Hà Nam với mục tiêu sản xuất màn hình tinh thể lỏng LCD.
Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện, tổng vốn đầu tư đăng kí 260 triệu USD do Goertek (Hongkong) co., Limited đầu tư tại Bắc Ninh.
Dự án nhà máy điện mặt trời Hòa Hội tại Phú Yên, tổng vốn đầu tư đăng kí 216,7 triệu USD, do nhà đầu tư Thái Lan đầu tư tại Phú Yên với mục tiêu sản xuất điện mặt trời.
Dự án Công ty TNHH lốp Advance Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng kí 214,4 triệu USD do Guizhou Advance Type Investment co.,ltd (Trung Quốc) đầu tư với mục tiêu sản xuất, tiêu thụ lốp, cao su và các sản phẩm liên quan tại Tiền Giang.
Dự án Vinhtex, tổng vốn đầu tư đăng kí 200 triệu USD do Royal Pagoda Private Limited (Singapore) đầu tư với mục tiêu sản xuất vải và nhuộm vải dệt kim tại Nghệ An.
Dự án Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam (Hồng Kông) với mục tiêu thiết kế, lắp ráp và sản xuất linh kiện điện tử tại Hà Nội điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 200 triệu USD.