|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Thị trường bất động sản Việt Nam đã 'hút' 2,77 tỉ USD vốn FDI 9 tháng đầu năm

15:00 | 28/09/2019
Chia sẻ
9 tháng đầu năm có tổng cộng 26,16 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng 3,1% so với cùng kỳ. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,77 tỉ USD, chiếm 10,6%.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tính từ đầu năm đến thời điểm 20/9/2019, Việt Nam đã thu hút 2.759 dự án đầu tư nước ngoài cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt hơn 10,97 tỉ USD, tăng 26,4% về số dự án và giảm 22,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.

Bên cạnh đó, có 1.037 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 4,79 tỉ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước.

fdi2

2,77 tỉ USD vốn FDI đã đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam 9 tháng đầu năm.

Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 9 tháng năm nay đạt 15,76 tỉ USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong 9 tháng còn có 6.502 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 10,4 tỉ USD, tăng 82,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó có 1.348 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 6,34 tỉ USD và 5.154 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 4,06 tỉ USD.

Như vậy, tổng cộng đã có 26,16 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong 9 tháng qua, tăng 3,1% so với cùng kỳ. Vốn giải ngân đạt 14,22 tỷ USD, tăng 7,3%.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 9 tháng qua ước tính đạt 14,2 tỉ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), về lĩnh vực đầu tư, trong 9 tháng qua các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều vốn nhất với tổng số vốn đạt 18,09 tỉ USD, chiếm 69,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,77 tỉ USD, chiếm 10,6%. Lĩnh vực bán buôn bán lẻ đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,4 tỉ USD, chiếm 5,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Theo đối tác đầu tư, 9 tháng đầu năm có 109 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Hong Kong dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,89 tỉ USD (trong đó, có 3,85 tỉ USD mua cổ phần vào Công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội), chiếm 65,4% tổng vốn đầu tư.

Đứng thứ hai là Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư 4,62 tỉ USD, chiếm 17,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,77 tỉ USD, chiếm 14,4% tổng vốn đầu tư. Nhật Bản vượt lên Trung Quốc và xếp vị trí thứ tư với tổng vốn đăng ký 3,067 tỉ USD.

Tính theo địa bàn đầu tư, 9 tháng đầu năm, Hà Nội thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký 6,15 tỉ USD, chiếm 23,5% tổng vốn đầu tư.

Đứng thứ hai là TP HCM với tổng vốn đăng ký 4,52 tỉ USD, chiếm 17,3%. Bình Dương đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 2,52 tỉ USD, chiếm 9,6% tổng vốn đầu tư.

Khánh Hà

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.