|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

FDI không thể thay thế cho đầu tư trong nước

10:51 | 24/09/2019
Chia sẻ
Không chỉ là chuyện doanh nghiệp Việt chỉ thu được “tiền lẻ” khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, mà để nâng cấp nền kinh tế, Việt Nam buộc phải tạo được sự kết nối giữa khu vực trong nước và khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
FDI không thể thay thế cho đầu tư trong nước - Ảnh 1.

Nhà máy Goldsun sản xuất công nghiệp phụ trợ cho Samsung. Ảnh: Đức Thanh

“Củ khoai lăn lông lốc”

Một cách thẳng thắn, ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, đã dùng hình ảnh “những củ khoai lăn lông lốc” để nói về sự rời rạc, phân mảnh, không có tính tích hợp của nền kinh tế Việt Nam.

Theo ông Vũ Thành Tự Anh, thì ở nền kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp lớn không kết nối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp FDI xuất khẩu nhiều, nhưng cũng không kết nối được với doanh nghiệp trong nước nên phải nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào nhiều, các địa phương cũng không có sự kết nối, thậm chí còn cạnh tranh thiếu lành mạnh lẫn nhau.

“Như vậy thì không thể tạo nên sức mạnh cộng hưởng cho nền kinh tế. Phải tạo ra năng lực nội tại thì nền kinh tế Việt Nam mới đứng vững được trước những bất trắc từ bên ngoài. Thách thức này là rất đáng lo ngại”, ông Vũ Thành Tự Anh nói.

Sự phân mảnh, rời rạc trong kết nối của nền kinh tế Việt Nam, trên thực tế không phải bây giờ mới được nhắc tới. Tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019 (VRDF), câu chuyện này lại một lần nữa được nhấn mạnh.

Ông David Dollar, người đã có mặt ở Việt Nam từ năm 1989, tức là ở giai đoạn Việt Nam đang bắt đầu công cuộc Đổi mới, với tư cách Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) và hiện là Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Brookings (Mỹ), cho rằng, Việt Nam đã thu hút FDI thành công, nhưng khu vực tư nhân chính thức trong nước lại bị tụt hậu, đầu tư trong nước còn thấp.

Điều này đã dẫn tới một thực tế là, xuất khẩu trực tiếp thường do các công ty đa quốc gia đang quản lý các chuỗi giá trị toàn cầu thực hiện. “Tôi đã đi nhiều nước, đặc biệt là ở Trung Quốc, giá trị gia tăng trong các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu đến từ khu vực tư nhân trong nước”, ông David Dollar nói.

Ở Việt Nam thì dường như câu chuyện đang ngược lại. Chính Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi phát biểu tại VRDF cũng đã nhắc đến chuyện, mặc dù “dòng chảy” của các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia như Samsung, LG, Fujitsu, Aeon, Nestle, Nike, Intel… đã đi qua Việt Nam, nhưng mới chỉ có 21% doanh nghiệp Việt tham gia được vào chuỗi ung ứng nước ngoài, thấp hơn Thái Lan (30%), Malaysia (46%).

“Tỷ lệ nội địa hóa bình quân của Việt Nam mới đạt 33%, nên mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp. Doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới thu được ‘tiền lẻ’ khi tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu”, Thủ tướng nói.

Tại buổi tọa đàm với các học giả, các chuyên gia ngay trước thềm VRDF, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hơn 30 năm thu hút FDI, Việt Nam cũng muốn được chuyển giao công nghệ, nhưng “chẳng ai” chuyển giao cả. 

“Các tập đoàn lớn khi vào Việt Nam đều mang chuỗi cung ứng theo. Doanh nghiệp Việt Nam rất khó để trở thành nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 cho họ, khi mà năng lực không có, công nghệ cũng không. Còn cấp 3, để cạnh tranh thì lại không cạnh tranh được với hàng giá rẻ của Trung Quốc”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

“Vậy chúng tôi phải làm như thế nào?”, một cách cầu thị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đặt câu hỏi với các chuyên gia nước ngoài như vậy.

Không thể dựa hoàn toàn vào FDI

Trong phiên thảo luận ở Diễn đàn VRDF, ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển đã đặt câu hỏi với ông David Dollar rằng, có quốc gia nào thịnh vượng được mà chủ yếu dựa vào FDI hay không?

Câu trả lời từ ông David Dollar là không. “Không nước nào phát triển mà hoàn toàn dựa vào FDI được, mà phải dựa vào đầu tư tư nhân”, ông David Dollar nhấn mạnh.

Có cùng câu trả lời, ông Jonathan Pincus, Chủ tịch Quỹ Rajawali (RF), nguyên Chuyên gia kinh tế trưởng của UNDP Việt Nam, khẳng định, dù quan trọng, FDI cũng không thể thay thế cho đầu tư trong nước.

GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI cho rằng, tỷ lệ hợp lý khi đầu tư nước ngoài tương đương khoảng 20-25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. 

“Không nên cao hơn, cũng không nên thấp hơn tỷ lệ này. Không thể thấp hơn bởi nguồn vốn đầu tư trong nước còn hạn hẹp, chúng ta cần thu hút FDI để thúc đẩy phát triển kinh tế. Còn không nên cao hơn là bởi, còn phải dành cơ hội cho doanh nghiệp trong nước”, GS. Nguyễn Mại nói.

Câu trả lời đúng nhất trong trường hợp này, đó là phải kết nối chặt chẽ khu vực FDI và khu vực trong nước. 

“Nhiều nước đã vướng bẫy thu nhập trung bình khi chỉ tập trung vào khu vực công và tư. Việt Nam nên trở thành một nền kinh tế tích hợp, tương tác chặt chẽ giữa cả ba khu vực nhà nước, tư nhân và  FDI. Cần tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, để tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn”, ông Jan Rielander, Đặc phái viên của Giám đốc Trung tâm Phát triển (thuộc OECD) nói.

“Việt Nam cũng cần kết nối tốt hơn giữa khu vực kinh tế tư nhân với khu vực FDI để hấp thụ được công nghệ cao từ các nước phát triển hơn và thông qua quá trình này để nâng cao năng suất lao động”, ông David Dollar có chung khuyến nghị.

Chia sẻ kinh nghiệm của Malaysia, ông K. Yogeesvaran, nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Trồng trọt và Hàng hóa Malaysia cho biết, Malaysia cũng đã từng trải qua các giai đoạn như Việt Nam, thu hút được nhiều FDI, nhưng chỉ trong các lĩnh vực thâm dụng lao động, công nghệ thấp và không kết nối được giữa khu vực FDI và trong nước.

“Các nhà đầu tư nước ngoài chỉ muốn hái quả dễ dàng thôi. Vì vậy, chúng ta phải quyết định xem mình muốn nhận FDI như thế nào, đâu là lĩnh vực chúng ta có thể kết nối được. Phải khai thác FDI nào có lợi ích cho quốc gia, dân tộc mình. 

Thậm chí, phải thu hút cả các doanh nghiệp nhỏ chứ không tập trung vào tập đoàn lớn. Các doanh nghiệp nhỏ có khi mới là những đơn vị tạo ra sự kết nối dễ dàng hơn”, ông K. Yogeesvaran nói.

Vị cựu Thứ trưởng của Malaysia khẳng định: “Phải đảm bảo là doanh nghiệp của chúng ta cũng sẵn sàng sản xuất và tham gia vào chuỗi giá trị đó”.

Nghị quyết số 50/NQ-TW về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Bộ Chính trị đã đặt ra mục tiêu rất rõ ràng về số vốn FDI thu hút và thực hiện. Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu vốn đăng ký và thực hiện tương ứng 30-40 tỷ USD/năm và 20-30 tỷ USD/năm; còn giai đoạn 2026 - 2030 là 40-50 tỷ USD/năm và 30-40 tỷ USD/năm.

Hà Nguyễn

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.