Điểm danh những 'đại gia' bất ngờ thua lỗ
Đến “vua” cũng lỗ
Bất ngờ nhất chắc hẳn là ông vua cá tra Thủy sản Hùng Vương (mã HVG ) khi bất ngờ báo lỗ sau khi kiểm toán thực hiện soát xét.
Được biết, sau kiểm toán, các chỉ tiêu doanh thu lợi nhuận của HVG đều giảm. Niên độ tài chính 2015 – 2016, thay vì lãi sau thuế 87,4 tỷ đồng như báo cáo tự lập thì Hùng Vương chỉ còn lãi hơn 9,7 tỷ đồng. Lợi nhuận cổ đông công ty mẹ từ 64,6 tỷ đồng biến thành lỗ hơn 49,2 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên HVG lỗ ròng kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.
Nguyên nhân ngoài do doanh thu thuần giảm, công ty còn bị lỗ hơn 32 tỷ đồng từ công ty liên doanh liên kết (báo cáo công ty tự lập báo lãi ở mục này hơn 32 tỷ đồng). Ngoài ra chi phí quản lý cũng được điều chỉnh tăng thêm.
Mặc dù công ty cho biết một số khoản doanh thu bị ghi nhận sai niên độ nên sẽ được hạch toán trong quý I/2017, tuy nhiên vẫn không thể phủ nhận một sự thật là quý IV vừa qua của công ty khá “thảm”.
Cùng với thông tin này, HVG nhận thêm vài tin xấu khác khi khoản lỗ vừa qua đã khiến cổ phiếu của ông vua cá tra bị rơi vào diện cảnh báo, đồng thời được bổ sung gấp vào danh sách không được phép giao dịch ký quỹ. Ngoài ra, HoSE cũng đã lên tiếng nhắc nhở việc HVG chậm nộp Báo cáo tài chính quý I niên độ tài chính 2016 – 2017 theo quy định. Cổ phiếu HVG cũng “rớt đài” khi liên tục giảm sàn, đến phiến 9/2 đã chạm đáy lịch sử với thị giá 6.600 đồng/cổ phiếu.
Cũng được biết đến là một doanh nghiệp với hoạt động đặc thù và thuộc lĩnh vực độc quyền, CTCP Bọc ống dầu khí Việt Nam (mã PVB) đã phải chấp nhận một kết quả lỗ đầu tiên trong vòng 8 năm qua.
Doanh thu thuần rớt thảm chỉ đạt hơn 6,4 tỷ đồng cả năm, trong khi năm 2015 thu về tới hơn 900 tỷ đồng. Khoản doanh thu này không chống đỡ nổi giá vốn và các chi phí, khiến PVB lỗ ròng 53,9 tỷ đồng, lọt danh sách 10 doanh nghiệp niêm yết thua lỗ lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại.
Doanh thu tăng, vẫn lỗ
Không chỉ ông vua cá tra, đến 1 trong 2 đại gia bia nội là Bia Hà Nội cũng ngậm ngùi báo lỗ trong quý IV.
Báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng CTCP Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội ( Habeco - mã BHN) cho thấy, doanh thu thuần quý IV/2016 tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước (+21%), đạt 3.722 tỷ đồng.
Đáng chú ý, kỳ này Habeco ghi nhận một khoản lỗ lớn: hơn 173 tỷ đồng đến từ hoạt động khác. Thuyết minh báo cáo tài chính của Habeco không ghi rõ hạng mục này.
Sau khi trừ thêm các loại chi phí khác, Habeco lỗ ròng hơn 18,8 tỷ đồng trong quý IV/2016.
Hay như Sợi Thế Kỷ - một doanh nghiệp từng được kỳ vọng trong ngành dệt may cũng bất ngờ lỗ 14 tỷ trong quý IV mặc dù doanh thu thuần tăng trưởng 51% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên khi chi phí sản xuất không giảm, cùng với chi phí lãi vay và trích lập dự phòng chênh lệch tỷ giá lại tăng cao khiến STK công ty ghi lỗ trong quý cuối năm. Lãi ròng cả năm ở mức 25 tỷ đồng, giảm 65% so với năm trước. Đây là khoản lợi nhuận thấp nhất mà Sợi Thế Kỷ đạt được trong vòng 8 năm qua.
Tính đến thời điểm hiện tại, trong số các doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính năm 2016, Gỗ Trường Thành có mức lỗ ròng lớn nhất (-1.621 tỷ đồng). Bộ đôi OGC và OCH cùng với những cái tên AGR, VOS vẫn đứng trong danh sách những doanh nghiệp lỗ khủng nhất sàn chứng khoán.