|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Điểm danh 5 startup fintech giai đoạn đầu đáng chú ý tại Việt Nam

10:12 | 12/03/2022
Chia sẻ
Dân số đông, tỷ lệ người dùng smartphone cao cùng tỷ lệ người dân được ngân hàng phục vụ đầy đủ thấp tạo cơ hội lớn cho các startup fintech Việt Nam.

2021 là một năm thành công của mảng fintech tại Việt Nam khi được sự đón nhận lớn của người dùng giữa đại dịch COVID-19 cùng với đó là dòng muốn đầu tư mạnh mẽ.

Theo báo cáo Fintech in ASEAN 2021 của UOB, PwC Singapore và Hiệp hội fintech Singapore, các công ty fintech Việt Nam kêu gọi thành công 375 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2021. Thành tích này xếp thứ 3 tại Đông Nam Á, chỉ sau Singapore và Indonesia.

Trang Fintech News Singapore mới đây đã lựa chọn danh sách 5 startup fintech giai đoạn sớm đáng chú ý tại Việt Nam. Đây đều là các startup được thành lập trong khoảng 3 năm trở lại đây. Các startup này cũng gọi vốn thành công từ nhiều nhà đầu tư nổi tiếng trong vòng 1 năm qua.

Điểm danh 5 startup fintech giai đoạn đầu đáng chú ý tại Việt Nam - Ảnh 1.

Việt Nam trở thành "mỏ vàng" để các startup fintech khai thác với tỷ lệ dân số được các ngân hàng phục vụ chưa cao. (Ảnh: Reuters).

Infina

Ra mắt vào tháng 1/2021, Infina là một ứng dụng đầu tư có mục tiêu trở thành "Robinhood của Việt Nam".

Cùng các đối tác như Dragon Capital, ACB Capital, Mirae Asset Fund Management, và Viet Capital Asset Management, Infina cho phép các nhà đầu tư lựa chọn nhiều hình thức tài sản khác nhau và có thể đầu tư với số vốn chỉ từ 0,5 USD đối với chứng khoán và 4 USD đối với đầu tư quỹ.

Infina cho biết mức tăng trưởng hàng tháng về số lượng tài khoản đầu tư của Infina đạt 64% trong năm 2021. Hiện tại, startup này đang phục vụ "hàng chục nghìn người dùng". Hiện tại, Infina đã thực hiện gọi vốn thành công 6 triệu USD ở vòng hạt giống (seed). Số tiền này được dùng để thúc đẩy tăng trưởng và mở rộng danh mục sản phẩm.

AnFin

AnFin cũng là một ứng dụng đầu tư chứng khoán khác thu hút được khá nhiều sự chú ý tại Việt Nam. AnFin cho phép các nhà đầu tư bắt đầu đầu tư với chỉ 0,5 USD. Hiện tại, startup này đang có khoảng 150 mã chứng khoán cùng với đó là một số tính năng khác như quản trị danh mục, cập nhật tin tức và trung tâm kiến thức.

AnFin được thành lập vào năm 2021 và đã gọi vốn thành công từ nhiều nhà đầu tư như Global Founders Capital (GFC), First Check Ventures, và R2 Venture Partners. Gần đây, AnFin "chốt" thêm 1,2 triệu USD để phát triển thêm nền tảng đầu tư của mình.

Nano Technologies

Nano Technologies là startup đứng đằng sau Vui, một ứng dụng cho phép người lao động ở Việt Nam có thể sử dụng dịch vụ ứng trước lương.

Ông Dzung Dang, người đồng tháng lập Nano Technologies, nói vào tháng 5/2021 rằng Vui được thiết kế cho người lao động thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau với thu nhập hàng tháng dưới 15 triệu đồng.

Trong 6 tháng sau khi đi vào hoạt động, Vui đã có 20.000 người lao động từ các công ty như GS25, LanChi Mart và Annam Gourmet.  Công ty nói rằng khoảng 50% đến 60% người lao động đã đăng ký dịch vụ của Vui ngay sau khi công ty của họ giới thiệu. Người dùng có xu hướng dùng Vui khoảng 3 lần mỗi tháng để ứng trước lương.

Được thành lập vào năm 2020, Nano Technologies đã gọi vốn thành công 3 triệu USD ở vòng hạt giống hồi năm ngoái.

Gimo

Tương tự với Vui, Gimo cũng cung cấp dịch vụ ứng lương cho người lao động với khả năng tích hợp trực tiếp với hệ thống trả lương của doanh nghiệp. Gimo cũng cho phép người dùng theo dõi số ngày làm việc, thu nhập hàng ngàu theo thời gian thực cùng với đó là nhận các chia sẻ về tài chính cá nhân.

Gimo được thành lập vào năm 2019 song mãi tới đầu năm 2021 mới chính thức đưa vào hoạt động dịch vụ. Tính đến thời điểm tháng 11/2021, Gimo khẳng định đang cung cấp dịch vụ ứng lương cho hơn 25.000 người lao động, chủ yếu ở trong ngành sản xuất và bán lẻ. Gimo đang có tốc độ tăng trưởng mỗi tháng 130%.

Năm ngoái, Gimo kêu gọi thành công 1,9 triệu USD vốn đầu tư. Số tiền này được dùng để tích hợp các công nghệ tiên tiến như phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo nhằm cải thiện trải nghiệm người dùng, tuyển dụng các kỹ sư cao cấp và củng cố khả năng quản trị rủi ro.

Bizzi

Bizzi là ứng dụng tự động hoá kế toán với mục tiêu đơn giản hoá và số hoá hoạt động tài chính của các doanh nghiệp. Bizzi có khả năng tương thích với nhiều phần mềm kế toán. Nó cũng tận dụng các công nghệ như tự động hoá quy trình robot (RPA) và máy học để tự động nhiều quy trình như thanh toán hoá đơn, quét biên nhận, tuân thủ và hạch toán sổ sách.

Bizzi khẳng định các giải pháp của công ty này giúp giảm thời gian xử lý hoá đơn tới 80% đồng thời giảm chi phí liên quan 50% trong khi đó tăng cường minh bạch và quản trị thuế.

Được thành lập vào năm 2019, hiện tại, Bizzi cho biết đang xử lý tổng giá trị hoá đơn hàng tháng lên tới 300 triệu USD. Công ty này đang có hơn 100 khách hàng lớn như Grab, GS25, Circle K, Tiki và hơn 4.000 nhà thầu sử dụng nền tảng này hàng ngày.

Bizzi chốt thành côgn 3 triệu USD ở vòng pre-series A hồi tháng 10/2021. Số tiền đầu tư này được dùng để cải tiến tính năng sản phẩm và mở rộng mạng lưới khách hàng ra bên ngoài Đông Nam Á.

Nam Khánh