Dịch vụ Internet vệ tinh: cuộc chạy đua của các "gã nhà giàu"
Tỉ phú Jeff Bezos, Giám đốc điều hành Amazon, sẽ sử dụng tên lửa do công ty không gian Blue Origin của ông sản xuất để phóng các vệ tinh trong dự án Kuiper. Ảnh: AP
Truyền sóng Internet tốc độ cao từ không gian
Hãng tin công nghệ GeekWire hôm 4-4 dẫn lời người phát ngôn của Amazon xác nhận tập đoàn đã thành lập dự án Kuiper để phóng chùm 3.236 vệ tinh lên quỹ đạo thấp của trái đất để truyền sóng Internet băng thông rộng, tốc độ cao, có độ trễ tín hiệu thấp, phục vụ cho nhu cầu kết nối khắp toàn cầu, đặc biệt là ở những khu vực chưa tiếp cận được Internet hoặc chưa có Internet tốc độ cao.
Kuiper là tên của một vành đai các vật thể nằm ở rìa ngoài của hệ Mặt trời. Nó được đặt theo tên của nhà thiên văn học người Mỹ gốc Hà Lan, Gerard Kuiper.
Người phát ngôn của Amazon, nói: “Đây là một dự án dài hạn hướng đến tầm nhìn phục vụ hàng chục triệu người đang thiếu sự tiếp cận cơ bản đối với Internet băng thông rộng. Chúng tôi mong chờ hợp tác về sáng kiến này với các công ty khác đang có chung tầm nhìn này”.
Dự án Kuiper lần đầu tiên được hé lộ vào tháng trước khi Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC) thay mặt Công ty Kuiper Systems ở Washington nộp ba đơn xin cấp phép phóng vệ tinh cho Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), cơ quan quản lý hoạt động vệ tinh viễn thông toàn cầu, có trụ sở ở Geneva, Thụy Sĩ.
Theo các đơn xin cấp phép này, Kuiper Systems sẽ phóng chùm 3.236 vệ tinh lên quỹ đạo thấp của trái đất, bao gồm 784 vệ tinh nằm ở độ cao 590km so với mực nước biển; 1.296 vệ tinh nằm ở đô cao 610km và 1.156 vệ tinh nằm ở độ cao 630km.
Hôm 4-4, Amazon xác nhận Kuiper Systems là công ty con của tập đoàn này.
Amazon cho biết chùm vệ tinh của dự án Kuiper sẽ phủ sóng Internet ở những khu vực trái đất trải dài từ 56 vĩ độ Bắc cho đến 56 vĩ độ Nam, nơi 95% dân số thế giới đang sinh sống.
Amazon không cung cấp chi tiết lộ trình triển khai các vệ tinh trong dự án Kuiper cũng như thời điểm chính thức khai thác thương mại dịch vụ Internet vệ tinh.
Dù FCC thay mặt Kuiper Systems xin cấp phép phóng vệ tinh nhưng FCC chưa ra quyết định cấp phép cho dự án Kuiper. Do vậy, bước tiếp theo của Kuiper Systems là phải xin phép FCC và các cơ quan quản lý viễn thông trên khắp thế giới.
Quy trình cấp phép sẽ thẩm định xem liệu Amazon có đảm bảo rằng các vệ tinh trong dự án Kuiper không vướng hàng ngàn vệ tinh khác đang hoạt động hoặc sắp hoạt động ở quỹ đạo thấp của trái đất hay không cũng như bảo đảm các vệ tinh này sẽ tự hủy an toàn vào cuối chu kỳ hoạt động mà không để lại rác trên quỹ đạo.
Một thông tin khác vẫn chưa rõ là liệu Amazon sẽ tự sản xuất các vệ tinh của dự án Kuiper hay thuê các nhà cung cấp bên ngoài sản xuất chúng.
Thiết kế, sản xuất, phóng và vận hành mạng lưới hàng ngàn vệ tinh đòi hỏi phải có nguồn vốn đầu tư lớn, có thể là nhiều tỉ đô la và mất nhiều năm. Nhưng với tỉ phú giàu nhất thế giới Bezos, ông chủ của Tập đoàn Amazon với vốn hóa thị trường gần 900 tỉ đô la, tiền bạc không phải là cản lực. Bezos đang rót ngân sách đầu tư cho công ty không gian Blue Origin của ông mỗi năm lên đến một tỉ đô la.
Cuộc chạy giữa các gã nhà giàu
Dịch Internet vệ tinh với triển vọng mang về doanh thu vài tỉ đô la mỗi năm không gây sức hút đối với Amazon mà còn nhiều công ty khác. Amazon đi sau trong nỗ lực này nhưng với tiềm lực tài chính dồi dào và sự hỗ trợ của Công ty công nghệ Blue Origin, Amazon có thể đẩy nhanh tiến độ của dự án Kuiper. Blue Origin đang phát triển tên lửa đẩy hạng nặng New Glenn, có thể sử dụng để phóng vệ tinh và đưa người lên vũ trụ.
Công ty công nghệ không gian SpaceX của tỉ phú Elon Musk cũng đang bắt tay thực hiện kế hoạch phóng gần 12.000 vệ tinh lên quỹ đạo thấp của trái đất để phủ sóng Internet toàn cầu. Ảnh: nextbigfuture.com |
Năm ngoái, Công ty công nghệ không gian SpaceX của tỉ phú Elon Musk, người sáng lập hãng xe điện Tesla Motors, đã phóng hai vệ tinh thử nghiệm để kiểm tra khả năng phát sóng internet về trái đất. Kết quả cho thấy hai vệ tinh này đang hoạt động khá tốt. Chúng truyền sóng Internet băng thông rộng về các trạm thu trên trái đất với độ trễ tín hiệu thấp khoảng 20 mili giây, đủ để chơi các video game tốc độ cao.
Hai vệ tinh thử nghiệm này nhằm chuẩn bị cho dự án Internet vệ tinh của SpaceX có tên gọi Starlink, với kế hoạch phóng gần 12.000 vệ tinh nhằm phủ sóng Internet toàn cầu.
Vào các năm 2016 và 2017, như là một phần của dự án Starlink, SpaceX đã nộp đơn lên FCC xin cấp giấy phép phóng chùm 4.425 vệ tinh băng tần Ku và Ka hoạt động ở độ cao từ 1.110 - 1.325km so với mực nước biển và chùm 7.518 vệ tinh băng tần V hoạt động ở độ cao 340km. SpaceX cho rằng khi kết hợp hai chùm vệ tinh trên vào một hệ thống đồng bộ duy nhất, chúng sẽ giúp SpaceX cung cấp các dịch vụ Internet băng thông rộng mạnh mẽ và liên tục trên toàn cầu.
Chủ tịch kiêm Giám đốc hoạt động SpaceX, Gwynne Shotwell, cho biết dự án phóng chùm vệ tinh phủ sóng Internet toàn cầu sẽ làm thay đổi thế giới và sẽ khiến công ty này tốn khoảng 10 tỉ đô la. Dự kiến sau đi vào hoạt động, Starlink sẽ cung cấp sóng Internet với tốc độ nhanh gấp 180 lần so với Internet tốc độ cao hiện nay.
SpaceX muốn thắng trong cuộc đua xây dựng mạng lưới truy cập Internet tốc độ cao, phủ sóng rộng khắp toàn cầu, có chi phí giá rẻ. SpaceX cho rằng một thị trường như vậy sẽ mang về cho công ty này hàng chục tỉ đô la, nếu không muốn nói là hàng trăm tỉ đô la mỗi năm. Mạng lưới vệ tinh trên không gian truyền sóng Internet xuống các trạm nhận sóng ở mặt đất sẽ có chi phí rẻ hơn vì không cần phải sử dụng hệ thống cáp quang ở dưới mặt đất đầy tốn kém.
Tỉ phú Elon Musk hy vọng nguồn thu từ dịch vụ Internet Starlink sẽ giúp ông có ngân sách để phục vụ kế hoạch xây dựng một thành phố trên sao Hỏa.
Hồi tháng 2-2019, công ty khởi nghiệp Internet vệ tinh OneWeb, có trụ sở ở London (Anh) đã phóng sáu vệ tinh băng thông rộng. Công ty này đang lên kế hoạch phóng thêm 650 vệ tinh như vậy trong hai năm tới. Chi phí để OneWeb sản xuất mỗi vệ tinh vào khoảng một triệu đô la.
Tháng trước, một nhóm nhà đầu tư do Tập đoàn Softbank (Nhật Bản) dẫn đầu thông báo rót 1,25 tỉ đô la vào OneWeb, nâng tổng vốn huy động của công ty này từ năm 2012 đến nay lên mức 3,4 tỉ đô la.
Năm ngoái, công ty viễn thông vệ tinh Telesat (Canada) đã phóng một vệ tinh băng thông rộng thử nghiệm lên quỹ đạo thấp của trái đất. Telesat đang đặt mục tiêu phóng hàng trăm vệ tinh để cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng thế hệ đầu tiên vào đầu thập niên 2020.
Bên cạnh đó, Facebook, Boeing và công ty công nghệ truyền thông vệ tinh LeoSat Enterprises (Luxembourg) cũng đã công bố các kế hoạch phóng vệ tinh để phát sóng Internet từ không gian.
Hầu hết các dịch vụ Internet vệ tinh hiện nay như Viasat hay HughesNet đều dựa vào các vệ tinh lớn ở quỹ đạo địa tĩnh có độ cao 35.000 km so với mặt nước biển. Tín hiệu và dữ liệu sẽ phát và thu giữa các vệ tinh này và các chảo vệ tinh của khách hàng cũng như các trạm nhận sóng lớn trên mặt đất, đưa Internet đến hàng trăm ngàn khách hàng, thường là ở các vùng nông thôn. Việc vượt hàng ngàn kilômét từ các quỹ đạo cao như vậy có thể gây ra các độ trễ cao cho tín hiệu, do đó, các cuộc gọi video hay chơi game trực tuyến theo thời gian thực sẽ gặp khó khăn. |